Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giảm lãi suất điều hành – chờ thêm tín hiệu?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết cơ quan này hiện để ngỏ khả năng xem xét lại mức lãi suất điều hành. Trong bối cảnh lãi suất toàn cầu có nhiều biến động, bất ổn địa chính trị gia tăng, NHNN dường như đang chờ thêm các tín hiệu để ra quyết sách phù hợp. Đâu là những tín hiệu cần theo dõi?

Các ngân hàng trung ương đã mạnh dạn hơn

Ngày 16-10-2024, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm xuống còn 2,25%/năm, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong bốn năm qua, nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy giảm trong xuất khẩu và bất ổn địa chính trị khu vực. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) giảm lãi suất cơ bản lần thứ hai liên tiếp chỉ trong hai tháng qua, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 6%/năm, đồng thời dự báo sẽ còn lần giảm thứ ba vào tháng cuối năm nay.

Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương lớn tại khu vực châu Á và châu Âu bắt đầu giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ứng phó với các yếu tố bên ngoài như nhu cầu suy yếu và giá năng lượng tăng. Như Indonesia đã giảm lãi suất chuẩn 0,25 điểm phần trăm vào ngày 18-9 xuống còn 6%/năm nhằm kích thích đầu tư và tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau hai đợt giảm vào tháng 7 và tháng 9 thì ngày 17-10 tiếp tục giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay, đưa lãi suất cơ bản về 3,25%/năm.

Với thanh khoản của hệ thống ngân hàng là yếu tố quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ yếu tố này trước khi có quyết định cắt giảm lãi suất. Một trong những giải pháp giúp cải thiện thanh khoản thời gian tới có thể đến từ hành động mua ngoại tệ trở lại của nhà điều hành.

Đầu tuần này (21-10-2024), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất cho vay chuẩn 25 điểm cơ bản, đồng thời cho biết sẽ hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm xuống còn 3,1%/năm, LPR kỳ hạn năm năm còn 3,6%/năm. Trước đó, nước này gây bất ngờ cho thị trường khi giảm cả lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn vào tháng 7. Không chỉ giảm lãi suất, PBoC vào cuối tháng 9 còn hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản và mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục giảm RRR từ 25-50 điểm cơ bản vào cuối năm, tùy thuộc vào tình hình thanh khoản.

Có thể thấy việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ với đợt giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ đầu tiên lên đến 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 vừa qua đã kích thích các quốc gia trong khu vực liên tiếp hạ lãi suất mạnh tay hơn, nhất là khi rủi ro toàn cầu đang gây áp lực lên các nền kinh tế. Tuy nhiên, khi so sánh với Việt Nam, tình hình trong nước lại có nhiều yếu tố khác biệt đang làm hạn chế khả năng giảm lãi suất điều hành vào thời điểm này.

Vì sao Việt Nam chưa thể giảm lãi suất ngay?

Từ đầu tháng 8 đến nay, NHNN đã có các đợt cắt giảm lãi suất phát hành tín phiếu và lãi suất trên thị trường mở (OMO). Điều này giúp cung cấp thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng với chi phí thấp hơn, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước những ảnh hưởng do tình hình bão lũ gần đây. Tuy nhiên, với các loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu hay trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng, để quyết định cắt giảm trong thời điểm này không phải là lựa chọn dễ dàng.

Dù lạm phát chín tháng đầu năm nay vẫn đang được kiểm soát tốt, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng tăng 3,88% so cùng kỳ năm 2023, nhưng cần lưu ý rủi ro lạm phát vẫn rất khó lường. Tình hình địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng tại Trung Đông, đang tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu và có nguy cơ đẩy giá năng lượng leo thang trong thời gian tới. Ngoài ra, tình hình bão lũ phức tạp vừa qua cũng đang gây sức ép lên giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước.

Trong khi đó, áp lực tỷ giá đang quay trở lại trong những ngày gần đây, với giá mua bán đô la Mỹ tại các ngân hàng liên tục leo thang trong tuần trước, trong bối cảnh giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế cũng đi lên trở lại. Đáng lưu ý là giá bán đô la Mỹ tại các ngân hàng đã tiến sát giá bán trên thị trường không chính thức, điều hiếm khi gặp trong những năm gần đây, cho thấy nguồn cung trên thị trường chính thức đang chịu áp lực lớn. Theo đó, áp lực lên tỷ giá có thể tăng cao hơn nếu NHNN giảm lãi suất điều hành, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam.

Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng vẫn đang vượt tăng trưởng huy động khiến thanh khoản hệ thống vẫn eo hẹp, trong khi càng về cuối năm nhu cầu vay vốn càng cao, nên việc giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh này có thể chưa phù hợp. Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 9 là 9%, đạt quy mô 14,7 triệu tỉ đồng, trong khi huy động vốn tăng khoảng 5,28%, với khoảng 14,5 triệu tỉ đồng.

Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, khả năng NHNN giảm lãi suất điều hành trong năm 2024 là khá thấp. Cụ thể, Ngân hàng UOB nhận định NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024. Tương tự, Ngân hàng HSBC dự báo NHNN sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm cho đến hết năm 2025.

Chờ thêm tín hiệu?

Đại diện NHNN mới đây cho biết cơ quan này hiện để ngỏ khả năng xem xét lại mức lãi suất điều hành theo hướng “tiếp tục duy trì như hiện nay hay giảm lãi suất trong điều kiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đảm bảo như lạm phát, tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng”. Có thể thấy trong bối cảnh lãi suất toàn cầu có nhiều biến động, bất ổn địa chính trị gia tăng, NHNN dường như đang chờ thêm các tín hiệu để ra quyết sách phù hợp.

Tín hiệu đầu tiên có thể dựa trên các đợt giảm lãi suất tiếp theo của Fed, mà theo dự báo thì ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này sẽ có thêm hai lần giảm vào cuối năm nay. Quyết định của Fed sẽ tác động trực tiếp đến tỷ giá hối đoái, dòng vốn đầu tư nước ngoài và chi phí vay nợ bằng đô la Mỹ của các doanh nghiệp. Nếu Fed giảm lãi suất, khoảng cách lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ sẽ thu hẹp, góp phần giảm áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng.

Khi đó, NHNN sẽ có thêm dư địa để xem xét giảm lãi suất điều hành mà không lo ngại dòng vốn ngoại sẽ rút khỏi Việt Nam. Cũng cần biết rằng trong năm 2023 và chín tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã bị ảnh hưởng khi lãi suất tại Mỹ tăng cao, dẫn đến việc các nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để quay về các tài sản có lợi suất cao tại Mỹ.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng là yếu tố quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ yếu tố này trước khi có quyết định giảm lãi suất. Một trong những giải pháp giúp cải thiện thanh khoản thời gian tới có thể đến từ hành động mua ngoại tệ trở lại của nhà điều hành. Với lượng kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân cao điểm rơi vào các tháng cuối năm và đầu năm kế tiếp, nhà điều hành sẽ quan sát thời điểm thích hợp để hành động.

Ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC, mới đây cho rằng gói kích thích kinh tế của Trung Quốc càng mạnh thì càng tốt cho nền kinh tế Việt Nam và điều đó đồng nghĩa NHNN càng có ít lý do để giảm lãi suất. Tuy nhiên, trong trường hợp “Mỹ rơi vào suy thoái và các biện pháp kích thích của Trung Quốc không hiệu quả, NHNN sẽ cắt giảm lãi suất”.

Cuối cùng, diễn biến xung đột quân sự tại Trung Đông, vốn đang gây ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế thế giới, cũng sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn chính sách tiền tệ của các nước. Một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là Israel và Iran bị cuốn vào cuộc đối đầu trực tiếp, mà có thể gây ra những biến động lớn trên thị trường dầu mỏ và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, nếu bất ổn địa chính trị trở nên phức tạp hơn, dòng vốn đầu tư quốc tế có thể lại bị ảnh hưởng, khi đó NHNN buộc phải thận trọng hơn trong việc điều chỉnh lãi suất điều hành để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới