Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Gián đoạn chuỗi cung ứng, đơn hàng bắt đầu rời Việt Nam

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Làn sóng dịch Covid-19 dai dẳng, khốc liệt và những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đang khiến chuỗi cung ứng rơi vào tình trạng đình trệ, buộc nhiều doanh nghiệp phải dịch chuyển các đơn hàng, thậm chí là một phần năng lực sản xuất sang các quốc gia khác.

Sự chậm trễ trong sản xuất tại Việt Nam đã khiến Adidas bị tổn thất doanh thu 600 triệu đô la Mỹ doanh thu trong năm nay.

Cơn đau đầu của các doanh nghiệp

Theo CNBC, các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt và kéo dài ở Việt Nam đã khiến năng lực sản xuất giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các thương hiệu toàn cầu. Trong bối cảnh mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, những công ty phụ thuộc vào hoạt động sản xuất giày dép và hàng may mặc ở Việt Nam được coi là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả.

Công ty Nghiên cứu BTIG ở Phố Wall mới đây đã phải cắt giảm dự báo giá cổ phiếu hãng thời trang thể thao Nike, với lý do hãng đang gặp những vấn đề nghiêm trọng về sản xuất. Theo ước tính của BTIG, Nike đã sản xuất khoảng 350 triệu đôi giày thể thao ở Việt Nam trong năm ngoái. Công ty phân tích này dự báo sẽ có tới 160 triệu đôi giày Nike không được sản xuất ở Việt Nam trong năm nay vì giãn cách xã hội.

Nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG nhận định rằng các vấn đề sản xuất ở Việt Nam có thể chưa có nhiều ảnh hưởng trong quí 3, nhưng ảnh hưởng sẽ rõ rệt trong quí 4 và có thể là cả giai đoạn nửa đầu năm 2022.

Tương tự, đối thủ lớn của Nike là nhà sản xuất đồ thể thao Adidas cũng cho biết sự chậm trễ trong sản xuất tại Việt Nam đã khiến công ty bị tổn thất doanh thu 600 triệu đô la Mỹ trong năm nay.

Hồi cuối tháng 8, CEO Richard Hayne của hãng bán lẻ thời trang Urban Outfitters chia sẻ, mối lo lớn nhất của hãng là việc nhận hàng, đặc biệt là các sản phẩm váy đầm, quần và chân váy đã đặt hàng ở Việt Nam. “Chúng tôi đặt nhiều sản phẩm ở Việt Nam, và giờ đang phải rất cố gắng để nhận được số hàng đó”, ông Hayne nói.

Ngoài những cái tên kể trên, phân tích của BTIG cho thấy, những công ty bán lẻ có độ phụ thuộc lớn nhất vào sản xuất ở Việt Nam như Deckers Outdoor - công ty mẹ của Ugg and Hoka; Capri Holdings - công ty mẹ của Michael Kors; Tapestry - công ty mẹ của Coach; Columbia Sportwear; Under Armour và Lululemon, cũng sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực.

Khó khăn cũng xảy đến với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Các giám đốc điều hành tại Hooker Furniture ước tính rằng thương hiệu Home Meridian International của hãng sẽ ghi nhận doanh số bán hàng giảm 30% trong quí này do các nhà máy phải ngừng hoạt động. Giám đốc tài chính Paul Huckfeldt cho biết “sẽ rất khó khăn khi các nhà máy đóng cửa như vậy”.

Ngay cả với Ashley Furniture và Theodore Alexander, những doanh nghiệp có chỗ ở tại chỗ cho công nhân, việc hoạt động hết công suất cũng là chuyện bất khả thi. Sau khi phải ngừng hoạt động một tuần vì dịch bệnh, Theodore Alexander hiện chỉ có khoảng 40% công nhân đang làm việc tại nhà máy. Chủ tịch Theodore Alexander tại khu vực Bắc Mỹ, ông Ed Teplitz cho biết: “Dù chúng tôi đã cố hết sức nhưng khả năng sản xuất của công ty hiện chỉ đạt khoảng 30% công suất bình thường. Ngoài lực lượng lao động hạn chế, việc vận chuyển nguyên liệu thô rất khó khăn”.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất trở lại Trung Quốc

Sự đình trệ trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp phải khẩn trương tìm kiếm lối thoát tại các quốc gia khác. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ước tính, 18% số thành viên đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước khác để bảo vệ chuỗi cung ứng của mình, trong khi 16% khác cũng đang xem xét các động thái tương tự, dù chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam.

Hôm 31-8, Chico’s FAS - hãng bán lẻ quần áo và phụ kiện nữ có trụ sở ở Mỹ, cho biết có kế hoạch chuyển hướng khỏi Việt Nam. “Chúng tôi đang đối mặt với những khó khăn của chuỗi cung ứng vĩ mô trong nửa sau của năm tài chính mà chúng tôi dự kiến sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp, bao gồm chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn, thời gian vận chuyển đầu vào kéo dài và sự chậm trễ bàn giao sản phẩm do đại dịch gây ra”. Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Molly Langenstein cho biết, Chico’s hiện đã chuyển 9% tổng sản lượng của mình từ Việt Nam sang các nước khác.

Hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này chính là Trung Quốc. Trong vài năm trở lại đây, nhằm tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tận dụng nguồn lao động giá rẻ, các công ty đa quốc gia đã chuyển một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang những quốc gia Đông Nam Á lân cận, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên giờ đây, tiến trình này đang bị đảo ngược một cách nhanh chóng. Hôm 9-9, ông Charles Roberson, CEO của nhà sản xuất quần áo bảo hộ Lakeland Industries cho biết, công ty đã thuê các giám đốc điều hành mới để giúp “dịch chuyển năng lực sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc trong vài tuần”.

“Tôi đã nói chuyện với một CEO. Người này chia sẻ với tôi rằng ông ấy đã phải từ bỏ chuỗi cung ứng đã phát triển trong suốt sáu năm chỉ sau sáu ngày”, ông Roger Rawlins, CEO của tập đoàn giày dép và phụ kiện Designer Brands cho biết. “Hãy nghĩ về những nỗ lực mà các công ty đã bỏ ra để dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, để rồi giờ đây, một trong những nơi mà bạn có thể sản xuất hàng hóa vẫn là Trung Quốc. Điều này thực sự điên rồ, giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc vậy”.

Dịch bệnh cũng phá vỡ kế hoạch dịch chuyển sản xuất của các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Amazon và các nhà cung cấp chính của họ. Loạt điện thoại thông minh Pixel 6 của Google và loạt tai nghe Airpod mới nhất của Apple sẽ được sản xuất tại Trung Quốc thay vì Việt Nam như dự kiến. Việc sản xuất chuông cửa thông minh, camera an ninh và loa thông minh cho Amazon ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam cũng phải đối mặt với sự chậm trễ kể từ tháng 5, do dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Phương án ít tồi tệ nhất

Trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn quay trở lại Trung Quốc, bởi doanh nghiệp của họ đã phải vượt qua những rào cản đáng kể về logistics để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời kỳ đại dịch như tuyển dụng nhân công, di dời thiết bị, thiết lập những chiến lược vận chuyển mới để đưa hàng hóa qua các tuyến đường và cảng biển tắc nghẽn. Việc đưa các chuỗi cung ứng trở lại ở Trung Quốc, do đó sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Bên cạnh đó, một thách thức khác cũng cần xem xét là thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc.

Dẫu vậy, đối với nhiều doanh nghiệp, quay trở lại Trung Quốc dù tốn kém, nhưng vẫn là “phương án ít tồi tệ nhất” để tăng cường sản xuất trước dịp mua sắm cuối năm. Ông Shawn Nelson, CEO của nhà sản xuất đồ nội thất LoveSac cho biết, công ty của ông đã chuyển đơn hàng sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc. “Chúng tôi biết rằng hàng tồn kho đến từ Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế quan”, ông nói. “Nhưng việc này cho phép chúng tôi có hàng hóa, điều này cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi cũng như khách hàng”. Công ty đã quyết định loại bỏ chiết khấu khuyến mại để bù đắp chi phí thuế quan.

Trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã nổi lên như một điểm đến của sự ổn định. Giáo sư chuyên ngành quản lý Willy Shih của Đại học Harvard cho biết một số công ty thậm chí đã bắt đầu quay trở lại Trung Quốc từ năm ngoái. “Đã có một vài trường hợp như thế”, ông viết trong một email. “Vấn đề quan trọng là nếu bạn muốn năng lực sản xuất đáng tin cậy, Trung Quốc thường là nơi tốt nhất để làm điều đó”.

Để hạn chế rủi ro, một số doanh nghiệp khác lại thực hiện cách tiếp cận thận trọng hơn bằng việc phân tán hoạt động sản xuất ra toàn khu vực. “Chúng tôi thực sự đã đa dạng hóa khá nhiều bên ngoài Việt Nam”, ông Jeremy Hoff, CEO của Hooker Furniture, cho biết. “Chúng tôi đang ở Thái Lan, ở các khu vực khác nhau. Chúng tôi thậm chí còn dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất quay trở lại Trung Quốc khi cần thiết”.

Tương tự, Eclat Textile cũng đang tìm cách thiết lập nhiều trung tâm sản xuất khu vực nhỏ hơn, có thể nhanh chóng phục vụ khách hàng. Nhà cung cấp quần áo thể thao cho Nike và Lululemon Athletica đã rời Trung Quốc vào năm 2016 để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Thế nhưng giờ đây, Chủ tịch Hung Cheng-hai cho biết nhà sản xuất dệt may này sẽ không xem xét tăng thêm hoặc mở rộng nhà máy tại Việt Nam trong ít nhất ba năm tới. Thay vào đó, công ty sẽ đầu tư vào các cơ sở mới ở các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia hoặc Campuchia, với 80 triệu đô la Mỹ để thiết lập 120 dây chuyền sản xuất trong khu vực. Những địa điểm chính thức sẽ được hãng quyết định vào cuối năm nay.

Kỳ vọng vào triển vọng hồi phục

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang “chờ xem” tình hình Covid-19 và hoạt động sản xuất ở Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào. Những thách thức được dự báo có thể gia tăng khi kỳ nghỉ cuối năm đến gần. Nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG nhận định rằng các vấn đề sản xuất ở Việt Nam có thể chưa có nhiều ảnh hưởng trong quí 3, nhưng ảnh hưởng sẽ rõ rệt trong quí 4 và có thể là cả giai đoạn nửa đầu năm 2022. “Nhiều thương hiệu đã chủ động cắt giảm đơn hàng vì lường trước sự hạn chế công suất và tình trạng ùn ứ đơn hàng một khi các nhà máy mở cửa trở lại sau giãn cách”, bà Lyon cho biết.

Theo BTIG, những sản phẩm trước đây thường mất ba tháng để sản xuất ở một số nơi tại châu Á giờ phải mất thêm 12 tuần. “Có thể phải mất tới 5-6 tháng để các nhà máy hoạt động bình thường trở lại sau thời gian giãn cách”, bà Lyon nhận định. “Khoảng thời gian này bao gồm 4 - 5 tuần để nhập nguyên vật liệu và thêm tám tuần nữa để nhà máy giải quyết xong lượng đơn hàng bị ùn”. BTIG cũng cảnh báo, các nhà máy ở Việt Nam có thể gặp khó khăn về lao động sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Tuy vậy, một số nhà bán lẻ vẫn bày tỏ hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện. Nhà sản xuất đồ tập Lululemon dự báo các nhà máy ở Việt Nam sẽ bắt đầu dần mở cửa trở lại từ giữa tháng 9. Chuỗi bán lẻ đồ nội thất cao cấp RH cho rằng nhà máy ở miền Bắc Việt Nam sẽ nối lại hoạt động trong tháng 10. Công ty này hy vọng đến cuối năm sẽ tăng sản lượng lên mức hết công suất. Do sản xuất gián đoạn, cộng với thời gian vận chuyển hàng hóa dài hơn và chi phí vận chuyển tăng, RH đã buộc phải hoãn ra mắt bộ sưu tập nội thất đương đại sang mùa xuân năm sau.

Với các chuyên gia kinh tế, ngay cả khi các số liệu dự báo tăng trưởng bị cắt giảm, câu chuyện toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ không thay đổi. Ví dụ như HSBC mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 từ 6,1% xuống còn 5,1%. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC vẫn nhận định rằng: “Bất chấp những thách thức trước mắt, triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn rất khả quan với những yếu tố cơ bản vững chắc”.

Trước đó, Annabelle Hsu, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC, cũng chia sẻ với Nikkei Asia rằng, bất kỳ trở ngại nào đối với Việt Nam, vốn đã nổi lên như một địa điểm sản xuất thay thế quan trọng cho Trung Quốc, có thể chỉ mang tính tạm thời. “Chúng tôi nhận thấy có một số tác động đến dây chuyền sản xuất và sự chậm lại trong chuyển dịch năng lực sản xuất do dịch Covid-19 và các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng các biện pháp nghiêm ngặt như vậy sẽ được áp dụng trong thời gian quá lâu, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và năng lực sản xuất đang phát triển của nước này.”

Nguồn: Financial Review, CNBC, Nikkei, Industryweek, QZ.com, Supplychain Dive, Furniture Today, The Star

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngân sách Nhà nước đẫ chi rất nhiều cho chống dịch, vốn doanh nghiệp đã hoặc gần cạn kiệt, Người dân lao động thì không cần phải nói nhiều nữa, đã khó khăn từ cách đây nhiều tháng. Chỉ mong các Bộ, Ngành đưa ra quyết sách đúng đắn tạo diều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, người dân cũng được quay lại cuộc sống bình thường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới