(KTSG Online) - Liên quan đến thông tin một công ty lương thực ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ nợ tiền bán lúa nông dân như KTSG Online đã thông tin, đại diện Tập đoàn quản lý doanh nghiệp này cho biết, lý do nợ vì bị gián đoạn dòng tiền của gói thầu bán gạo cho Indonesia...
Trao đổi qua điện thoại với KTSG Online, đại diện của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - đơn vị quản lý doanh nghiệp nêu trên cho biết, trước đó doanh nghiệp đã trúng thầu bán khoảng 65.000 tấn gạo cho Bulog (Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia) với giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong đó, có khoảng 900-950 tỉ đồng tiền hàng, tức mua lúa gạo để giao cho đối tác. Trong kinh doanh thì doanh nghiệp cũng có lúc bị gián đoạn một dòng tiền chút xíu với các đơn hàng xuất khẩu.
“Mình vừa phải mua gạo, vừa phải giao hàng qua bên kia (Bulog), xong phải đợi tiền bên kia trả về. Chính vì dòng tiền bị “gián đoạn” trong đơn hàng của Bulog cho nên chậm tiền mua lúa của bà con nông dân. Doanh nghiệp cũng đang giải quyết từ từ mỗi ngày vài chục tỉ đồng cho nông dân", đại diện Tập đoàn Lộc Trời giải thích
Thông tin phản hồi bằng văn bản gửi đến báo chí, phía Tập đoàn Lộc Trời xác nhận, một vài tuần qua dòng tiền ngân hàng có một số xáo trộn. Điều này cũng khiến việc thu xếp tiền mặt để chi trả cho bà con nông dân bị chậm trễ. Doanh nghiệp cũng đã thu xếp với các ngân hàng mở tài khoản cho bà con nông dân để chuyển khoản trực tiếp được nhanh chóng và chính xác.
“Trong thời gian này, Lộc Trời đang cùng với các ngân hàng thu xếp lượng tiền mặt cần thiết để chuyển đến bà con nông dân trong thời gian sớm nhất”, nội dung phản hồi nêu rõ.
Trước đó, trong bài viết “Gấp rút gieo sạ, cung- cầu lúa gạo bị ‘quá tải’?”, nhiều hộ nông dân phản ánh tình trạng lúa bán cho một công ty lương thực ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, nhưng phía công ty này chậm thanh toán tiền.
Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn Cọp, ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ (hộ có hơn 5 héc ta sản xuất giống Đài Thơm 8) cho biết, ngoài việc phải giảm giá bán lúa theo yêu cầu từ phía công ty (từ 8.500 đồng/kg xuống còn 8.300 đồng/kg), thì nông dân không nhận được tiền bán lúa theo thỏa thuận.
“Điều khoản thanh toán của thoả thuận mua bán là tiền mặt”, ông Cọp cho biết, nhưng thông tin, lúa vụ hè thu 2024 nông dân sạ đã lên xanh nhưng vẫn chưa nhận được thanh toán tiền của vụ đông xuân, dù phía công ty đã ít nhất hai lần cam kết thanh toán.
Trong khi đó, ông Phan Văn Quân, ngụ ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ cũng cho biết, tiền bán lúa cho công ty vẫn chưa được thanh toán, dù công ty đã 3 lần “hứa” thanh toán.
Không nên chiếm dụng tiền của nông dân. Họ nghèo và khó mà. Thiếu vốn thanh toán, các ngân hàng sẵn sàng cho vay.