Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gian nan tăng trưởng tín dụng

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tăng trưởng tín dụng giảm sút trong hai tháng đầu năm nay đã phần nào khắc họa được sự gian nan trong hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng. Cần những giải pháp gì để thúc đẩy tín dụng?

Việt Nam cần chủ động tận dụng thị trường tiêu dùng nội địa để thúc đẩy hoạt động sản xuất kéo theo nhu cầu vay tiêu dùng cũng mạnh mẽ hơn. Ảnh: N.K

Giảm như dự báo

Sau khi giảm 0,6% trong tháng 1-2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 2-2024 giảm 0,72% so với cuối năm 2023, tức trong tháng 2 tiếp tục giảm nhẹ thêm 0,12%, xuống còn hơn 13,47 triệu tỉ đồng. Dù vậy, nếu so với mức giảm 1% tính đến ngày 16-2, trong 13 ngày cuối tháng 2 dư nợ đã tăng lại được 0,28%, tương đương với mức tăng gần 38.000 tỉ đồng, phần nào phản ánh hoạt động vay vốn có phần khởi sắc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong vòng sáu năm qua, dư nợ tín dụng hai tháng đầu năm tăng trưởng âm. Ngay cả giai đoạn 2020-2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng dư nợ cũng không đến nỗi sụt giảm như năm nay. Kết quả này phản ánh hoạt động cho vay của các ngân hàng đang gặp những khó khăn và thách thức như thế nào.

Ngoài ra, dù kết quả này đã được dự báo khi nhìn vào mức dư nợ tín dụng tăng vọt hơn 4,2% chỉ riêng trong tháng cuối năm 2023, nhưng điều đó cũng đang gây ra không ít lo ngại, thể hiện qua hàng loạt văn bản, hội nghị thúc đẩy tín dụng của cơ quan quản lý gần đây. Nếu xét trên mức độ tăng so với cùng kỳ, dư nợ tín dụng toàn ngành sau khi tăng vọt trong quí 4-2023 và đạt đỉnh cao 13,78% vào tháng 12-2023, hiện đã giảm trở lại còn 12,99% trong tháng 1 và tiếp tục rớt xuống 12% trong tháng 2 vừa qua.

Năm 2023, trong mức tăng trưởng tín dụng tổng thể 13,78%, tăng trưởng dư nợ ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 6,97%, thuộc nhóm thấp nhất dù quy mô tín dụng của lĩnh vực này hiện ở mức rất thấp (hơn 952.400 tỉ đồng cuối năm 2023). Do đó, dư địa để phát triển tín dụng trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn và thực tế là một số ngân hàng đã bắt đầu có xu hướng chuyển dịch và đẩy mạnh cho vay ở địa hạt này nhiều hơn.

Nhiều nguyên nhân lý giải sự sụt giảm tín dụng đã được chỉ ra trong suốt thời gian qua, từ triển vọng kém tích cực của nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn nên hạn chế mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản ảm đạm làm giảm nhu cầu vay đầu tư, thu nhập cá nhân giảm ảnh hưởng xấu đến vay tiêu dùng, cho đến chính sự thận trọng của các ngân hàng vì lo ngại rủi ro nợ xấu đang gia tăng.

Một số ý kiến còn cho rằng việc tín dụng tăng vọt trong tháng cuối năm 2023 có phần thiếu tính thực chất, các khoản vay này chủ yếu ngắn hạn, không bền vững, do các ngân hàng chạy chỉ tiêu cuối năm để đạt KPI và sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao cho năm 2023, nên bước sang các tháng đầu năm 2024 những khoản vay này đã sớm tất toán. Do đó, diễn biến những tháng tiếp theo mới phản ánh rõ hơn xu hướng tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Làm sao để thúc tín dụng?

Hoạt động thương mại đang tăng trưởng trở lại, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm nay tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, nhiều đơn hàng xuất khẩu được nối trở lại, có thể góp phần thúc đẩy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước dự báo các nền kinh tế lớn - cũng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, có thể neo lãi suất cao lâu hơn để kéo lạm phát về đúng mục tiêu, nhu cầu tiêu dùng của các nước này khó phục hồi nhanh.

Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chủ động tận dụng thị trường tiêu dùng nội địa, ưu tiên người Việt dùng hàng Việt, để thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Khi thị trường đầu ra cho các sản phẩm được đảm bảo, các doanh nghiệp trong nước sẽ mạnh dạn vay vốn hơn để mở rộng các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, kéo theo nhu cầu vay tiêu dùng cũng mạnh mẽ hơn.

Các nguy cơ về khủng hoảng lương thực toàn cầu, do biến đổi khí hậu và căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự tại một số khu vực, đã khiến giá lương thực, thực phẩm leo thang trong hai năm trở lại đây và có thể sẽ chưa dừng lại. Nhiều nước thời gian gần đây đã tăng cường đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Là nền kinh tế có truyền thống phát triển nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam đã hưởng lợi tăng giá thời gian qua.

Nhưng đáng lưu ý, dù là một trong những lĩnh vực được ưu tiên vay vốn song tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực này những năm qua chỉ ở mức trung bình. Như năm 2023, trong mức tăng trưởng tín dụng tổng thể 13,78%, tăng trưởng dư nợ ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 6,97%, thuộc nhóm thấp nhất dù quy mô tín dụng của lĩnh vực này hiện ở mức rất thấp (hơn 952.400 tỉ đồng cuối năm 2023). Do đó, dư địa để phát triển tín dụng trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn và thực tế là một số ngân hàng đã bắt đầu có xu hướng chuyển dịch và đẩy mạnh cho vay ở địa hạt này nhiều hơn.

Với thị trường bất động sản - một trong những lĩnh vực hấp thụ vốn lớn nhất của nền kinh tế trong những năm qua, đã phần nào chịu ảnh hưởng trước các chính sách quản lý thắt chặt hơn, do đó cũng ảnh hưởng lên nhu cầu tín dụng. Tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực xây dựng trong năm 2023 chỉ đạt 6,23%, thấp nhất trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, điểm tích cực là nhu cầu vay của lĩnh vực này đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại, thể hiện qua mức tăng trưởng dương 0,23% so với cuối năm 2023, bất chấp tăng trưởng tín dụng tổng thể ghi nhận mức âm.

Việc lãi suất cho vay đã về mức phù hợp hơn trong một năm qua dường như đã góp phần kích thích nhu cầu vay mua nhà đất tăng trở lại, cộng thêm việc nhiều ngân hàng cũng triển khai các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi trong những năm đầu khá hấp dẫn. Điểm hạn chế là nguồn cung nhà ở hiện nay không nhiều, nhất là các dự án có giá cả phù hợp với phân khúc đại chúng, không ít dự án vẫn bị vướng pháp lý nên không mang lại niềm tin cho nhà đầu tư để rót tiền. Do đó, gỡ bỏ các rào cản, giải tỏa các điểm nghẽn về pháp lý cho các dự án là giải pháp cần thiết hiện nay.

Trong khi đó, thời gian qua các cơ quan quản lý liên tục kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản giảm giá nhà ở về mức phù hợp, nhưng thực tế chưa được như mong muốn. Thứ nhất vì các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa đến nỗi quá khó khăn để phải giảm giá bán bằng mọi giá, nhóm này vẫn đang nhận được những chính sách hỗ trợ như được tái cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ từ phía các ngân hàng.

Thứ hai, phần lớn dự án của các doanh nghiệp này đều đang thế chấp ở ngân hàng, do đó nếu giảm giá bán sẽ đồng nghĩa với giá trị tài sản bảo đảm bị sụt giảm, các doanh nghiệp phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm cho các khoản vay hiện có. Điều này chẳng khác nào “tự lấy đá ghè chân mình”, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp hiện nay gần như không còn tài sản mới để đem thế chấp vay vốn. Đây không phải là bài toán dễ xử lý trong một sớm một chiều, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía doanh nghiệp, ngân hàng và cả cơ quan quản lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới