Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giăng bẫy săn chim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giăng bẫy săn chim

Ông Xén đang chuẩn bị bấy cho chuyến săn chim. Ảnh: Hồ Hùng

(TBKTSG) – Nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm vẫn âm ỉ, nhưng với những người bẫy chim đó là chuyện nhỏ. Nhu cầu của giới chơi chim kiểng và cả những người mê món ăn “hoang dã” khiến họ vẫn ngày ngày tìm săn những chú chim trời…

“Chao… chao… cháo…” – chú chim trao trảo lông màu xám sáng, to bằng bụm tay, đang nhảy cuồng loạn, kêu chí chóe trong bẫy. Bên cạnh, chú chim mồi vẫn ung dung đậu ở một góc, như chẳng có gì xảy ra. Đó là chiến lợi phẩm đầu tiên trong buổi sáng này của ông Hai Xén, sau hơn hai giờ ngồi lỳ ở góc vườn.

Ở khu vực Thới Hòa này, dù mang danh là thuộc phường Thới An Đông (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), nhưng vườn ruộng vẫn còn đầy, chim trời nhiều vô kể. Hơi mạ non ngoài cánh đồng kế cận thốc vào vạt vườn xoài thơm lừng, tiếng chim đó đây véo von réo rắt. Vừa ngả lưng canh bẫy chim đặt tít trên ngọn cây, vừa ngắm mây trời trong cái không gian vùng quê tĩnh mịch, kể cũng thú!

“Tại bữa nay mình đi trễ, chứ treo bẫy lúc rạng sáng thì trúng hơn! Lúc đó nó đang đói mồi, vô cả lúc hàng chục con”, ông Xén tỏ vẻ tiếc nuối. Cái bẫy chim của ông được làm khá đơn giản, đan bằng tre, không khác gì những cái lợp đặt tôm, cá dưới sông. Chỉ có điều, phía trên nóc – cạnh nơi đặt trái chuối chín làm mồi nhử, được thiết kế một khoảnh “sân” giả như một cái bập bênh. Chim chỉ cần đặt chân lên là lọt vào bẫy không cách nào thoát ra được.

Ông Xén kể, với cái bẫy này ông còn bắt được cả chim bìm bịp, tu hú…

Sáng nay, ông Xén cũng cho “ra quân” cả chiếc bẫy chim chìa vôi và con chim mồi vừa tậu được. Chiếc bẫy được đan bằng dây kẽm, thiết kế hai mái. Ngay giữa hai mái lồng là hai miếng lưới vừa khít được cài sẵn, hễ chú chìa vôi nào đáp xuống là sập lưới ngay. “Cái bẫy này phải tốn một chầu nhậu và 100.000 đồng. Còn con chim mồi này, tui phải đổi một cái xe đạp cũ, hơn 70 con cá thia thia kèm 50.000 đồng”, ông Xén khoe.

Ông chọn một cây xoài um tùm, nhưng lại tìm chỗ thoáng, dễ thấy để treo chiếc lồng chim. “Chim chìa vôi có tật đố kỵ, vùng nó đang sinh sống mà nghe tiếng chim lạ là nó kéo đến gây chuyện ngay. Chim mồi mình bỏ vào trong lồng, nó cứ đậu bên trên gây hấn là sập bẫy”, ông giải thích.

Treo bẫy xong, ông lấy một cây sáo nhỏ làm bằng ống nhôm, một đầu có ống thụt ra thụt vào để thổi “mồi” cho chim hót. Tiếng sáo thổi không khác gì tiếng chim chìa vôi! Vừa nghe xong, chú chim trong lồng đã liên tục hót ríu ran.

Ở miệt này, “tay tổ” trong nghề bẫy chim chìa vôi phải kể đến ông Ba Oanh ở rạch Gừa. Hôm rồi, đang ngồi nhậu bên kia kênh Nóng, nghe tiếng chim hót réo rắt đầu vườn, mấy bạn nhậu chắc mẫm con chim đó không lâu sẽ sa vào tay ông Oanh. Quả đúng như vậy! Mới tám giờ sáng hôm sau, ông Oanh đã thu dọn chim mồi, bẫy, đạp xe cọc cạch trở về và trên cạp quần treo lủng lẳng chú chim kia.

Ông Oanh kể rằng, nghề bẫy chim đã “vướng” vào ông từ thời trai trẻ. Đầu tiên là bẫy chơi, nuôi thử. Chừng có người hỏi mua, rồi dần có mối lái, ông lấy luôn nghề này làm kế sinh nhai. Với chiếc xe đạp cà tàng, cái bẫy, cùng chú chim mồi, ông lang bạt cả vùng Bình Thủy, Ô Môn, rồi lên tận Cờ Đỏ, cách nhà 50 – 60 ki lô mét.

Chim chìa vôi được giới chơi chim ưa chuộng vì có giọng hót réo rắt. Bộ lông chim phủ đen bóng, nhưng ức và hai cánh lại điểm trắng, trông khá “sang” và rắn rỏi. Khi hót, chim cứ đứng nguyên vị trí trong suốt 15 – 30 phút. Loài chim này còn có đôi chân vừa cao, vừa nhỏ, trông thì không cân đối nhưng lại rất khỏe khi sử dụng để đá nhau. Bởi vậy, cũng có người mua chim này luyện để đá.

Những ngày “trúng lớn”, ông Oanh có thể bẫy được 20 – 30 con chìa vôi. Trong người ông có hàng chục cái túi vải nhỏ, khoét lỗ hai đầu để “rộng” chim. Những người không chuyên, hay dùng cái lồng nhỏ để rộng chim bẫy được, nhưng làm vậy vô tình khiến chim chạy nhảy tứ tán, hư bộ lông, bán mất giá. Còn ông Oanh, chim bẫy được cứ cho vào túi bó cột khít thân và hai cánh, phía trên có lỗ vừa đủ để chim ló đầu ra, phía dưới dành cho cái đuôi được thong thả, cứ thế dắt vào cạp quần cả ngày chim cũng không chết.

Thông thường, giá chim mái chỉ chừng 50.000-100.000 đồng/con, trong khi chim trống “ngoại hình” bắt mắt giá lên đến 200.000-300.000 đồng/con. Tại mấy sạp bán chim ở công viên Lưu Hữu Phước, đại lộ Hòa Bình (Cần Thơ)… những con chìa vôi đã được thuần dưỡng đúng cách, hót khỏe, giá trên 1 triệu đồng cũng không hiếm.

Nhưng cái nghề bẫy chim chẳng thể giúp những người như ông Oanh có của ăn của để vì không phải lúc nào cũng trúng. Hồi dịch cúm gia cầm bùng phát, hơn cả năm ông phải bỏ nghề vì chim bán chẳng ai mua. Ba đứa con bỏ dở chuyện học hành vì cha mải mê theo cánh chim trời. Hôm rồi có người phục rượu cả buổi trời, nài nỉ mua hai con chim mồi của ông với giá 600.000 đồng/con, nhưng ông vẫn lắc đầu.

Tuy không chuyên nghiệp bằng ông Oanh, nhưng ông Xén cũng là tay bắt chim có cỡ ở khu vực kênh Nóng. Trong nhà ông hiện có hai chú chim cu cườm (chim gáy), một con trao trảo và một chú chìa vôi chuyên dùng làm chim mồi. “Cứ muốn bẫy loại chim nào thì dùng chim mồi ấy”, ông Xén nói.

Thực ra, cách bẫy chim của ông Xén và ông Oanh còn chưa đáng sợ bằng những loại bẫy lưới sập, bẫy keo… mà nhiều người vùng này chuyên dùng để bắt chim sẻ, chim cú lý… Chỉ cần một khoảnh ruộng trống, một chú chim mồi là người ta có thể bắt hàng trăm con mỗi lần bẫy lưới sập. Hay chỉ cần nấu mủ cây sa kê trộn với gạo là đã có “keo” để trét lên những cành cây khô, chim đậu vào là mắc cứng… Ứng dụng “công nghệ cao” hơn, người ta còn dùng máy thu âm nhại tiếng chim bìm bịp, chim quốc để dụ chim trời. Men đến bao nhiêu, chim sập lưới bấy nhiêu… Nhiều khu chợ ở vùng quê, chim được cột chân thành từng chùm, bán đầy rẫy…

Cơn mưa đầu mùa bất chợt đã phá hỏng chuyến đi bẫy chim của ông Xén. Những chú trao trảo bắt được cứ kêu réo thảm thiết trong lồng. “Chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn”. Đành vậy! Nhưng với kiểu tìm bắt tận diệt như vậy, rồi cũng đến lúc những chú chim trời sẽ im tiếng, tàn hơi!

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới