Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Giăng buồm’ pháp lý cho điện gió ngoài khơi

Lưu Minh Sang (*) - Nguyễn Đình Thức (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Điện gió ngoài khơi cần hệ thống quy định rõ ràng và đơn giản để triển khai hiệu quả.

Điện gió Duyên Hải, Trà Vinh. Ảnh: N.K

Với đặc thù địa lý, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Theo nhận định Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) (2020), tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi tại Việt Nam khoảng 599 GW với 261 GW móng cố định và 338 GW móng nổi.

Đồng thời, WB (2021) cũng đưa ra các kịch bản tăng trưởng điện gió ngoài khơi cho Việt Nam, trong đó, với kịch bản tăng trưởng cao, điện gió ngoài khơi có thể đạt tỷ lệ 27% tổng các nguồn cung cấp điện vào năm 2050.

Bức tranh điện gió ngoài khơi

Hơn 10 năm kể từ ngày Quy hoạch điện VII được phê duyệt, thị trường điện chứng kiến sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế cùng với những bước phát triển nhanh, mang đến nguồn cung dồi dào cho thị trường, trong đó có sự đóng góp bước đầu của điện gió.

Tính đến tháng 11-2021, 84 dự án điện gió đã vận hành thương mại với tổng công suất hơn 3.980 MW. Tuy nhiên, các dự án này đều là dự án điện gió trên bờ hoặc gần bờ, chưa có dự án điện gió móng cố định ngoài khơi nào được hoàn thành tại Việt Nam.

Nhìn chung, thị trường điện gió đã có những bước tăng trưởng, rõ nét nhất là giai đoạn từ năm 2018-2021 với mức công suất đã tăng gấp 10 lần. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng không đạt được kỳ vọng, đặc biệt là đối với điện gió ngoài khơi.

Quy hoạch điện VII phê duyệt cuối năm 2019 có những điểm thay đổi đáng kể là mở ra cơ hội nhiều hơn cho điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Việc được chính thức “điểm mặt chỉ tên” trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, thị trường điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ sớm phát triển để có thể khai thác được tiềm năng và lợi thế của nguồn tài nguyên ngoài khơi của Việt Nam.

Nếu Quy hoạch điện VIII được thiết kế bài bản thì Việt Nam đã đi được một phần ba chặng đường của tiến trình xây dựng thành công ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Bởi theo WB (2021), để xây dựng được ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi thành công thì Chính phủ phải đảm bảo ba khía cạnh: xác định được tầm nhìn trung và dài hạn; hoàn thiện các quy trình pháp lý gắn với vòng đời của các dự án và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng (hệ thống truyền tải điện, cảng biển).

Điện sạch cần một quy trình pháp lý sạch

Lộ trình tiếp theo cần phải khẩn trương tiến hành sau khi có Quy hoạch điện VIII là phải hoàn thiện môi trường pháp lý để làm “bệ đỡ” cho việc triển khai các dự án.

Để thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam phát triển trên tinh thần phù hợp với định hướng vừa khai thác tiềm năng tài nguyên sẵn có vừa đảm bảo hài hòa về các yếu tố cạnh tranh thị trường, bảo vệ môi trường, thì hệ thống quy định pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào kỳ vọng phát triển này.

Tuy nhiên, cần nhìn thẳng thực tế là hệ thống quy định pháp luật hiện nay liên quan đến phát triển dự án điện gió ngoài khơi còn chồng chéo và chưa được quy định rõ ràng thống nhất.

Ngày 15-1-2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BCT quy định về việc thực hiện phát triển điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió (được sửa đổi bởi Thông tư 42/2019/TT-BCT ngày 18-12-2019) (gọi là Thông tư 02).

Thông tư 02 đã có những quy định liên quan đến vận hành và phát triển một dự án điện gió từ bước lập bổ sung dự án điện gió và quy hoạch phát triển điện lực, yêu cầu về đo gió, thực hiện nghiên cứu khả thi cho dự án, điều kiện khởi công và thi công công trình điện gió.

Tuy nhiên, Thông tư 02 vẫn thiếu “một bức tranh pháp lý” mang tính chất toàn cảnh chi tiết về đường đi nước bước đối với việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi chủ yếu dựa trên khung pháp lý về điện gió nói chung. Các quy định phù hợp với đặc thù của điện gió ngoài khơi vẫn đang còn là một khoảng trống của khung pháp lý, từ quy trình cấp phép đến tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường xã hội, tiêu chuẩn an toàn lao động,…

Kinh nghiệm thực tế của người viết cho thấy, để có thể “thu thập” được đủ giấy phép và các chấp thuận nhằm mục đích phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư phải trải qua rất nhiều “đầu luật”, văn bản dưới luật cũng như các cơ quan phụ trách khác nhau như Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Mỗi văn bản luật yêu cầu ít nhất một giấy phép con - chấp thuận chuyên ngành để phát triển dự án như: giấy phép môi trường; quyết định quy hoạch không gian biển; văn bản cho phép và giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển; giấy phép nhận chìm ở biển; giấy phép xin độ cao tuabin; giấy phép sử dụng chất nổ để đào móng trụ tuabin; giấy phép xin phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên biển cùng nhiều thủ tục khác.

Theo thống kê của người viết, các thủ tục theo khung pháp lý hiện hành liên quan đến không dưới 13 cơ quan quản lý, tổ chức có thẩm quyền và ước tính mất khoảng 2-3 năm (bao gồm thời gian của giai đoạn đo gió). Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng kinh nghiệm từ các dự án điện gió đang vận hành thì thời gian có thể từ 3-5 năm.

Theo WB (2021), chỉ với giai đoạn phát triển dự án sơ bộ có thể mất 24 tháng và giai đoạn phát triển dự án có thể lên đến bốn năm, chưa tính đến các giai đoạn xây dựng và vận hành.

Khảo cứu kinh nghiệm nhiều quốc gia có thể thấy chìa khóa thành công trong việc phát triển năng lượng sạch nói chung và năng lượng điện gió ngoài khơi nói riêng là một môi trường pháp lý sạch với một quy trình cấp phép rõ ràng, minh bạch, hiệu quả.

Quy trình này được thực hiện bởi một cơ quan có trách nhiệm rõ ràng và có thẩm quyền ra các quyết định hoặc một nhóm các cơ quan/tổ công tác với một cơ chế liên thông, phối hợp theo mô hình “một cửa”.

Bên cạnh đó, đối với một thị trường còn mới và mang nhiều ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế và an toàn xã hội như điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, quy hoạch phát triển không gian biển để thực hiện hiện dự án là một trong những vấn đề pháp lý cũng quan trọng không kém.

Các quy hoạch không gian biển gắn liền với dự án điện gió ngoài khơi cần được thông qua trên cơ sở đảm bảo vừa khai thác được nguồn năng lượng ngoài khơi vừa tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản và không có tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước.

Từ thực tế pháp lý nêu trên và kế hoạch dự kiến của Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương với vai trò cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện cần sớm đề xuất trình Chính phủ hoặc ban hành một khung pháp lý rõ ràng hơn để phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại thị trường Việt Nam.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(**) Luật sư, Đoàn Luật sư TPHCM

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới