Thứ tư, 19/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giành nhau tên miền quốc gia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giành nhau tên miền quốc gia

Thư Kỳ

(TBKTSG) -Mọi người thường nghĩ tên miền của nước nào thì do nước đó nắm giữ, quản lý và cấp phát cho người dùng. Có thể nguyên tắc này đúng với đa số trường hợp nhưng với một số nước, nhất là các đảo quốc nhỏ, tên miền của họ đang bị người khác kinh doanh thu bộn tiền, theo tạp chí Wired.

Giành nhau tên miền quốc gia
Hòn đảo nhỏ bé Niue ở Nam Thái Bình Dương đang kiện để giành lại quyền kiểm soát tên miền có đuôi là .nu, lẽ ra là tên miền của hòn đảo này, nhưng bị một công ty Thụy Điển chiếm giữ. Ảnh: TVniue.com

Cuối năm 2018, hòn đảo nhỏ bé Niue ở Nam Thái Bình Dương nộp đơn kiện đòi giành lại quyền kiểm soát tên miền có đuôi là .nu, lẽ ra là tên miền của hòn đảo này. Từ năm 2013, quyền sở hữu tên miền .nu không nằm trong tay chính quyền đảo Niue hay thậm chí một doanh nghiệp Niue nào cả, nó do một công ty tư nhân Thụy Điển ở cách hòn đảo 10.000 dặm chiếm giữ.

Trong tiếng Thụy Điển, nu có nghĩa “bây giờ” nên tên miền có đuôi .nu là loại tên miền được ưa chuộng đứng thứ ba, chỉ sau .com và .se (tên miền của Thụy Điển). Theo một luật sư đang đại diện cho Niue theo đuổi vụ kiện được tờ Wired trích dẫn, hòn đảo chỉ có 1.500 dân này đang mất ít nhất là 150 triệu đô la Mỹ doanh thu từ tên miền - gấp 10 lần tổng thu nhập hàng năm của hòn đảo này. Vì sao có chuyện trái khoáy như thế?

Thập niên 1980, khi một trong những nhân vật tiên phong trong lĩnh vực Internet là Jon Postel sáng tạo ra cơ cấu tên miền, ông mới quyết định mỗi nước nên có tên miền đặc trưng riêng nên biên soạn và phân phối tên miền loại này, đầu tiên là ba nước: .us (cho Mỹ); .uk (cho Anh) và .il (cho Israel). Một thập niên sau đó tên miền cấp cao nhất cho các quốc gia được hoàn chỉnh như .in (Ấn Độ); .br (Brazil); .au (Úc) hay .vn (Việt Nam)... Niue cũng có tên miền của mình là .nu.

Để các tên miền này hoạt động, người ta cần một nhà quản trị có nhiệm vụ cấp phát, hỗ trợ kỹ thuật, thu tiền để trang trải chi phí... Lúc đó, trong tinh thần “Internet tự do” không ai nghĩ phải giao cho từng nước quản lý, ngược lại Postel áp dụng nguyên tắc ai đến trước thì được cấp quyền; như Postel tự cấp cho ông quyền quản lý tên miền .us, trao quyền quản lý tên miền .uk cho một giáo sư ở đại học London.

Dĩ nhiên nguyên tắc này đụng chạm đến lợi ích của nhiều nước nên sau khi cấp được hơn 100 tên miền quốc gia kiểu như thế, đến năm 1994, Postel phải thay đổi chính sách. Nay người quản lý tên miền quốc gia phải có quan hệ với nước đó và các bên liên quan, tức đại diện cho chính phủ, phải ký thỏa thuận đồng ý. Thế nhưng chính sách trước đó và các sửa đổi sau này cũng đã tạo điều kiện cho hàng loạt nhân vật chủ yếu ở Mỹ và châu Âu chiếm đoạt quyền điều hành tên miền quốc gia của nhiều nước, cho đến lúc đó vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của tên miền.

Ngay cả sau ngày siết lại, vẫn còn nhiều lỗ hổng bị lợi dụng như năm 1995, Postel trao tên miền .ky cho một công chức đảo Cayman mà không biết ông này không nói gì cho cấp trên; viên công chức lại liên kết với một doanh nhân người Mỹ bán tên miền có đuôi .ky cho cư dân Kentucky thu tiền cho riêng mình. Phải hơn một năm sau chính quyền Cayman Islands mới biết chuyện. Tương tự tên miền của Libya là .ly (hiện khá phổ biến nhờ tiện ích rút gọn địa chỉ một trang web để có đuôi bit.ly) rơi vào tay một doanh nhân người Anh giả vờ đang sống ở Tripoli.

Trở lại vụ tranh chấp tên miền .nu; hóa ra năm 1997, tên miền này được cấp cho một chủ báo ở Massachusetts tên là Bill Semich. Lúc đó chính quyền đảo Niue có ký giấy thỏa thuận với Semich nhưng thật tình họ không hiểu kỹ nội dung thỏa thuận. Theo Richard Hipa, nhà quản lý hệ thống điện thoại ở Niue, lúc đó họ chỉ tưởng tên miền này chỉ như mã điện thoại quốc gia, không có giá trị gì cụ thể. Hai bên cũng không nói rõ thỏa thuận bao gồm chuyện gì: Niue thì cho rằng Semich hứa hẹn chia cho họ 25% lợi nhuận còn Semich nói đổi quyền quản lý tên miền .nu bằng cam kết cung cấp dịch vụ Internet cho đảo Niue. Năm 2000, chính quyền Niue ra một đạo luật khẳng định .nu là tài sản quốc gia thuộc quyền sở hữu của chính quyền Niue nhưng phía Semich vẫn không chịu trả lại.

Năm 2013, Semich ký hợp đồng với công ty Thụy Điển là Swedish Internet Foundation để nơi này bán tên miền đuôi .nu cho các doanh nghiệp và cá nhân người Thụy Điển, đến nay số lượng đăng ký đã lên trên nửa triệu địa chỉ. Về nguyên tắc hiện nay Semich vẫn là nhà quản trị tên miền này và vẫn nhận phần chia lợi nhuận từ việc kinh doanh tên miền.

Cùng với sự bùng nổ Internet, các quốc gia đều bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của tên miền cấp cao nhất này, nước nào cũng đã xem tên miền quốc gia là tài nguyên của nước họ như Mỹ năm 2001, Bộ Thương mại nước này thuyết phục công ty của Postel trao lại quyền quản lý tên miền .us. Chỉ có những nước nhỏ bị người khác chiếm giữ tên miền như kiểu Niue gặp khó khi cố đòi lại tên miền - một hiện tượng tờ Wired gọi là “chủ nghĩa thực dân trên Internet”.

Tờ báo này còn kể các trường hợp tranh giành tên miền thú vị khác như .tv được tạo ra cho Tuvalu một nước nhỏ chỉ có 10.000 dân. Tên miền này cũng rất được ưa chuộng (có hơn 500.000 địa chỉ đăng ký) sau khi dịch vụ Twitch của Amazon dùng nó trên địa chỉ của mình (twitch.tv). Chính quyền nơi này chỉ biết tên miền của mình bị chiếm giữ khi họ nhận fax của một người Mỹ chào mời dịch vụ khuếch trương tên miền này cho giới làm truyền hình. Khi điều tra họ mới biết tên miền .tv đã được trao cho một nhà lập trình người Mỹ; may thay họ đòi được nhưng chỉ vài năm sau lại bán cho Verisign một doanh nghiệp ở Mỹ. Hiện nay, theo Wired, mỗi năm Verisign trả cho Tuvalu 5 triệu đô la đổi quyền quản lý, cấp phép tên miền .tv - Verisign hiện cũng đang nắm tên miền .cc (cho đảo Cocos) cũng có hơn 700.000 đăng ký.

Trường hợp tên miền có đuôi .io càng kỳ lạ hơn. Giới khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ rất thích tên miền có đuôi này vì nó gợi nhớ tới khái niệm “input/output” trong công nghệ nhưng cho dù thiên hạ tranh nhau đăng ký địa chỉ có đuôi .io này, nơi chính thức được cấp là British Indian Ocean Territory không nhận được xu nào. Tên chính thức cho quần đảo này chỉ mới được Anh đặt vào năm 1965, trước đó nó mang tên Chagos Islands. Năm 1962, Mỹ thương lượng với Anh để thuê một phần đảo này làm nơi tiếp nhiên liệu cho máy bay đường dài, Anh đồng ý và thế là 1.800 cư dân nơi này phải ra đi, nhường chỗ cho các đường băng và hệ thống trữ nhiên liệu. Cả vùng này được Anh trao trả độc lập cho Mauritius vào năm 1968, nhưng trước đó Anh đã tách Chagos Islands ra khỏi thỏa thuận độc lập này và đổi tên nên cho đến nay vẫn thuộc Anh.

Năm 1997, Jon Postel trao tên .io cho một công ty tư nhân ở Anh - Internet Computer Bureau quản lý. Cư dân của British Indian Ocean Territory nay chủ yếu là giới quân sự Mỹ và Anh cùng với các nhà thầu, chừng 2.500 người, có lẽ không quan tâm đến chuyện tên miền. Những cư dân gốc gác tại đây hiện đang kiện ra tòa quốc tế để đòi lại quyền trở về cư trú trên hòn đảo của họ, trả Chagos Islands lại cho Mauritius. Với họ đảo chưa đòi lại được, nên tranh giành tên miền .io là chuyện xa vời. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới