(KTSG Online) - Tháng 1-2023, giá trị giao dịch bình quân đối với các giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 28.217 tỉ đồng/phiên, giảm gần 34% so với tháng trước đó.
- Tăng tỷ lệ ký quỹ chứng khoán phái sinh lên 17% từ 15-12
- Thị trường chứng khoán phái sinh cần đa dạng hóa sản phẩm
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, thị trường chứng khoán phái sinh có giao dịch sụt giảm khá mạnh trong tháng 1-2023 trong bối cảnh Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ban đầu hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tối thiểu từ 13% lên 17%, áp dụng từ ngày 15-12-2022, theo TTXVN.
Mặc dù chỉ số VN30 đóng cửa tháng 1-2023 tại mức 1.125,07 điểm, tăng 11,93% so với tháng 12-2022 song giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm khá mạnh so với tháng trước.
Khối lượng giao dịch bình quân đạt 262.708 hợp đồng/phiên, giảm 35,72% so với tháng trước, tương ứng giá trị giao dịch bình quân (theo danh nghĩa hợp đồng) đạt 28.217 tỉ đồng/phiên, giảm gần 34% so với tháng trước. Phiên giao dịch ngày 4-1-2023 có khối lượng giao dịch cao nhất tháng đạt 342.409 hợp đồng.
Nguyên nhân giao dịch phái sinh giảm mạnh trong tháng 1-2023 có thể là do việc VSDC tăng tỷ lệ ký quỹ từ 13% lên 17%. Đồng thời, tâm lý giao dịch cầm chừng vào dịp gần kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến giao dịch phái sinh kém sôi động hơn.
Về cơ cấu nhà đầu tư, trong tháng 1-2023, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm so với tháng 12-2022, chiếm 1,76% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tỷ trọng giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán giảm so với tháng trước, chiếm 1,35% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh vẫn tiếp tục có xu hướng tăng. Tại thời điểm cuối tháng 1-2023, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 1.195.216 tài khoản, tăng 1,24% so với tháng trước.