Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giao dịch kỳ lạ của cổ phiếu ‘kỳ lân’ VNG

D.Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bắt đầu niêm yết từ đầu tháng 1-2023 với mức định giá 240.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VNZ của Tập đoàn VNG bất ngờ tăng trần mạnh nhiều phiên, đẩy thị giá tăng gấp 5 lần. Tuy nhiên, đi cùng với điều này là những diễn biến kỳ lạ.

VNG là công ty internet Việt Nam hiếm hoi được đánh giá là kỳ lân trong giai đoạn 2015-2017. Ảnh minh hoạ: DNCC.

Sau phiên giao dịch ngày 17-2, cổ phiếu VNZ (niêm yết sàn UPCoM) đã giảm sàn (mức 15%), nối tiếp phiên giảm 4,32% trong phiên giao dịch liền trước, đồng thời  chính thức phá chuỗi tăng trần 13 phiên liên tiếp kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM ngày 5-1-2023.

Thị giá VNZ tính đến hết ngày 17-2 đạt gần 1,22 triệu đồng/cổ phiếu, tăng gấp hơn 5 lần kể từ khi niêm yết, ghi nhận là cổ phiếu đắt nhất trên sàn chứng khoán nếu xét về thị giá.

Diễn biến này giúp vốn hoá thị trường của VNZ cũng tăng mạnh lên hơn 35.000 tỉ đồng từ mức gần 6.900 tỉ đồng hồi mới niêm yết. Mức vốn hoá này giúp VNZ lên vị trí top 6 cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất trên sàn UPCoM (xếp sau một số công ty như Lọc hoá dầu Bình Sơn, Hàng tiêu dùng Masan hay Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam). Còn nếu so sánh với sàn HOSE, vốn hoá của VNZ vượt qua một số ngân hàng như TPBank, SHB, MSB hay một số công ty như PNJ, REE, POW.

Nguồn dữ liệu: Vietstock

Giao dịch cổ phiếu VNZ nhận được nhiều sự chú ý trong bối cảnh tập đoàn VNG được giới công nghệ đánh giá là “kỳ lân” (tức mức định giá một tỉ đô la Mỹ). Trước đó, năm 2017, VNG dự định niêm yết trên sàn cổ phiếu Nasdaq (Mỹ), đến năm 2021 tờ Bloomberg có nhắc đến kế hoạch này với ước tính giá trị khoảng 2-3 tỉ đô la, tuy nhiên sau đó VNZ bất ngờ lại niêm yết trên sàn chứng khoán UPCoM, vốn có tiêu chuẩn thấp hơn sàn HOSE nhưng biên độ giao dịch cổ phiếu lại lớn hơn nhiều (15% so với 7%).

Tập đoàn VNG hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến dịch vụ internet. Hiện VNZ có bốn mảng chính là phát hành phát triển trò chơi, truyền thông, thanh toán điện tử và dịch vụ đám mây.

Từ nhà phát hành trò chơi trực tuyến, VNZ lần lượt phát triển nhiều mảng dịch vụ khác liên quan đến internet, trong đó có một số sản phẩm đáng chú ý như Zalo. Một số cột mốc chào bán cổ phần tiêu điểm được chú ý đến như bên dưới, ngoài những đợt chào bán cổ phần cho người lao động với mức giá 20-30.000 đồng/cổ phiếu.

Vốn điều lệ của VNG chỉ hơn 350 tỉ đồng nhưng khoản lợi nhuận giữ lại còn rất lớn, giúp duy trì vốn chủ sở hữu ở mức cao. Nguồn dữ liệu: Vietstock.

Một trong những điểm đáng chú ý khác là VNZ kinh doanh thua lỗ trong thời gian gần đây. Theo báo cáo đánh giá cổ phiếu VNZ của Công ty chứng khoán SSI, tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và tỷ suất EBITDA của tập đoàn giảm xuống từ năm 2018, do đầu tư vào Tiki và ZaloPay, khiến giá vốn hàng bán và chi phí quản lý tăng mạnh.

Nguồn dữ liệu: Vietstock

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới