(KTSG) - Chuyện xung quanh một cái giếng cổ hàng trăm năm tuổi bị đập bỏ để xây giếng mới ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vừa được báo giới đánh tiếng công luận. Dưới đây là vài câu chuyện góp nhặt từ nước Đức để chúng ta cùng suy nghĩ thêm về vấn đề trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử.
Đó là cái giếng với một cái tên khó có mỹ từ nào đẹp hơn: giếng Ngọc. Giếng Ngọc là giếng cổ, cổ lắm vì ngay cả một bô lão đã sống đến thập kỷ thứ chín ở thôn nơi có giếng cũng phải thốt lên rằng mình không biết giếng Ngọc bao nhiêu tuổi, chỉ biết khi sinh ra thì giếng đã ở đấy tự bao giờ(1).
Giếng Ngọc gắn liền với ngôi đền di tích quốc gia ở Thanh Hóa tưởng niệm nhà sử học Lê Văn Hưu (1230-1322), tác giả bộ quốc sử đầu tiên của nước nhà. Mới đây, nhiều người dân ở thôn tá hỏa khi thấy giếng Ngọc đang bị phá bỏ để “xây mới”. Nghịch lý hơn, giếng Ngọc được “xây mới” cũng là một hạng mục thi công trong công trình tổng thể trùng tu, tôn tạo đền Lê Văn Hưu nhân kỷ niệm 700 năm ngày giỗ của nhà sử học này.
Theo một bài báo trên zingnews.vn(2), đơn vị thi công cho biết họ xây giếng mới theo đúng bản vẽ thiết kế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định; còn chính quyền địa phương nói rằng do “đây là dự án có ý nghĩa rất lớn”, nên có lấy ý kiến của người dân và đa số đồng tình. Thế nhưng, người dân nêu trong bài báo lại nói họ chưa được hỏi ý kiến. Công trình “xây mới” đã tạm dừng sau khi vấp phải sự phản đối của người dân.
Vậy thì ai đúng, ai sai? Bài viết này không trực tiếp trả lời câu hỏi đó, chỉ kể vài câu chuyện tương tự để chúng ta cùng suy ngẫm.
Nhà thờ Kaiser Wilhelm ở Berlin
Kurfurstendamm là một trong những đại lộ chính ở thủ đô Berlin của nước Đức, giống như Champs-Élysées ở Paris hay Nguyễn Huệ ở TPHCM. Nằm trên đại lộ Kurfurstendamm là một trong những cột mốc (landmark) của Berlin: nhà thờ Kaiser Wilhelm (thật tình cờ đường Nguyễn Huệ cũng có cột mốc tương tự là trụ sở UBND TPHCM).
Có thể nói Kurfurstendamm là một trong những nơi phồn hoa bậc nhất ở Berlin. Thế nhưng, nằm giữa những công trình tráng lệ, nhà thờ Kaiser Wilhelm vẫn còn giữ lại phần nhà thờ cũ đã bị phá hủy bởi một trận đánh bom của Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua nhà thờ này, người ta lại thấy nửa phần còn lại của đỉnh tháp của nó sau đợt oanh tạc cách đây gần 80 năm. Chuyện gì đã xảy ra?
Hoàn thành năm 1891, nhà thờ Kaiser Wilhelm khởi thủy là công trình tưởng niệm hoàng đế Wilhelm I của nước Đức. Khi ấy, nhà thờ chẳng mấy nổi tiếng hay quan trọng gì ở Berlin. Năm 1943, trong một lần oanh tạc của Đồng minh, một phần nhà thờ bị phá hủy.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, năm 1947, người ta quyết định xây lại nhà thờ. Tuy nhiên, kế hoạch xây lại như thế nào gây tranh cãi kéo dài cho đến tận giữa thập niên 1950. Năm 1956, thiết kế nhà thờ mới được chấp thuận với phương án phá bỏ hoàn toàn nhà thờ cũ để xây một công trình mới. Tuy nhiên, nhiều người Berlin không đồng ý phá bỏ phần còn lại của nhà thờ. Cuối cùng, trước áp lực dư luận, một phần nhà thờ cũ với đỉnh tháp bị hư hại được giữ lại trong tổng thể công trình mới(3).
Ngày nay, nhà thờ Kaiser Wilhelm với phần đỉnh tháp bị hư hại là địa điểm thăm thú không thể thiếu ở Berlin. Phần nhà thờ cũ với những chỗ hư hại và ám khói bom vẫn được giữ nguyên. Người Berlin đặt biệt danh cho nhà thờ của họ là “der Hohle Zahn” (chiếc răng rỗng) và xem đó là một biểu tượng đặc trưng vừa vui vừa buồn của thành phố, nhắc nhở mọi người không quên sự tàn phá của chiến tranh.
Nhà thờ Đức Bà Frauenkirche ở Dresden
Cách Berlin khoảng 200 cây số về phía đông là thành phố Dresden, thủ phủ của bang Saxony. Ở Dresden cũng có một nhà thờ mà số phận và sự trùng tu có phần tương tự như Kaiser Wilhelm. Đó là nhà thờ Đức Bà Frauenkirche.
Nằm gần dòng sông Elbe chảy qua Dresden, nhà thờ Đức Bà Frauenkirche có lịch sử thậm chí còn lâu đời hơn công trình ở Berlin. Nguyên thủy ở địa điểm hiện tại là một nhà thờ nhỏ được xây dựng vào thế kỷ thứ 11. Năm 1727, nhà thờ này được phá đi để xây một công trình mới lớn hơn. Trong suốt thời gian tồn tại của mình cả trăm năm sau đó, nhà thờ Frauenkirche với cái mái vòm là một biểu tượng của Dresden.
Và một lần nữa trong lịch sử nhân loại, người ta lại thấy tác động hủy hoại ghê gớm của chiến tranh. Năm 1945, Đồng minh oanh tạc dữ dội Dresden và biến Frauenkirche thành một nạn nhân. Ngôi nhà thờ hoành tráng trước đó chỉ còn là một đống gạch vụn với vài bức tường còn sót lại.
Chiến tranh kết thúc, nước Đức bị chia cắt và Dresden trở thành một phần của Đông Đức. Suốt nửa thế kỷ tiếp theo, đống đổ nát của ngôi nhà thờ tồn tại như một di tích lịch sử.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và nước Đức thống nhất, ước mơ xây dựng lại nhà thờ Frauenkirche cũng sống lại, và những bước đầu tiên bắt đầu vào tháng 2-1992. Người viết bài này còn nhớ trong dịp thăm Dresden gần 30 năm trước, mình đã nghe giới thiệu về dự án này. Khi ấy, một điều khó tưởng tượng nổi với người viết là từng viên gạch còn sót lại trong đống tro tàn được xác định và đánh số bằng kỹ thuật tin học để tái sử dụng đúng vào vị trí của nó khi nhà thờ được xây lại.
Cách người ta gây quỹ xây dựng lại nhà thờ cũng là một điều khó tin ở xứ mình. Công trình này cần khoảng 200 triệu đô la Mỹ để hoàn thành. Điều lạ là ở chỗ có một nửa số tiền - 100 triệu đô la Mỹ - được đóng góp từ người dân Dresden, người dân Đức, khách du lịch và những nhà hảo tâm trên toàn thế giới. Một trong số đó là nhà sinh học người Mỹ gốc Đức Gunter Blobel, lúc nhỏ đã có dịp ngắm ngôi nhà thờ. Năm 1999, khi Blobel được trao giải Nobel sinh lý học, ông tặng toàn bộ giải thưởng trị giá 1 triệu đô la Mỹ cho quỹ xây dựng lại Frauenkirche.
Năm 2005, nghĩa là 60 năm sau khi bị tàn phá “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhà thờ Đức Bà Frauenkirche ở Dresden được “tái khánh thành” với kiến trúc nội ngoại thất giữ giống nguyên bản đến mức có thể. Thống kê cho thấy trong vòng 10 năm sau khi phục hồi, Frauenkirche đã đón hơn 20 triệu khách viếng thăm(4)!
Gìn vàng, giữ Ngọc
Trở lại với Việt Nam, phải nói rằng ý thức bảo vệ di sản - trong số đó có các công trình kiến trúc - từ phía người dân lẫn chính quyền đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cũng không hiếm các trường hợp di tích bị xóa sổ hay biến dạng đến mức không thể phục hồi, nhưng người thực hiện lại nhân danh bảo tồn di tích.
Theo người viết, một trong những điều nên tránh là não trạng cho rằng chuyện trùng tu di tích như nhà thờ Kaiser Wilhelm và Frauenkirche là không thể ở Việt Nam vì “dân trí còn thấp”, như có người đã từng phát biểu. Nước mình còn nghèo, nên bảo tồn di tích là khó. Điều này đúng, nhưng lại không đúng khi cho rằng vì “dân trí thấp” nên người dân bình thường không quan tâm gì đến các di tích xung quanh, và chính quyền toàn quyền quyết định.
Bài viết trên zingnews.vn nêu ý kiến người dân trong thôn muốn giữ lại nguyên trạng giếng Ngọc. Họ là những người dân bình thường và họ muốn giữ lại nguyên vẹn một di tích đã gắn bó với mình suốt bao năm qua. Không phải chỉ cần bảo vệ những công trình nguy nga như trụ sở ủy ban, mà những di tích quý báu khác - dù ở hang cùng ngõ hẻm nơi thành thị hay thôn xóm ở vùng quê - cũng cần được bảo vệ không kém.
Suy cho cùng, nếu chúng ta không bảo vệ khi còn có thể những di tích đó như là một phần của văn hóa bản địa, thì chúng ta sẽ bảo vệ cái gì?
-----------
(1),(2)https://zingnews.vn/pha-gieng-co-hang-tram-nam-o-den-le-van-huu-de-lam-moi-post1303692.html
(3)ttps://www.berlinpoche.de/en kaiser-wilhelm-memorial-church-berlin
(4) https://www.goodnewsnetwork.org dresden-church-rebuilt-from-wwii-ashes/