(KTSG) - Trong khi hầu hết mọi người đang lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế sẽ diễn ra vào năm tới, các nhà đầu tư tổ chức - những người đang điều hành các quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm lại đang dồn sự chú ý tới một mối đe dọa lớn hơn: lạm phát đình trệ.
- Yếu tố nào hỗ trợ kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng năm 2023?
- Cơ hội và thách thức của ngành logistics trong bối cảnh lạm phát đe dọa kinh tế toàn cầu
Kịch bản lạm phát đình trệ
Theo Khảo sát triển vọng Natixis 2023, có tới 65% số nhà đầu tư tổ chức tin rằng, đình lạm (lạm phát đình trệ) sẽ là rủi ro lớn hơn cả suy thoái kinh tế. Với việc đang quản lý những danh mục đầu tư khổng lồ với tổng cộng hơn 20.100 tỉ đô la tài sản, các nhà đầu tư này tỏ ra nhạy cảm hơn so với các nhà đầu tư thông thường trước những rủi ro tiềm ẩn của thị trường.
Các khảo sát được thực hiện bởi các tổ chức tài chính khác cũng cho thấy những kết quả tương tự. Cuộc khảo sát của Bloomberg MLIV Pulse hồi cuối tháng 11 cho thấy, gần một nửa trong số 388 người được hỏi cho biết kịch bản tăng trưởng tiếp tục chậm lại, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, sẽ bao trùm nền kinh tế toàn cầu trong năm tới.
Trong cuộc khảo sát của Bank of America, 92% số nhà quản lý quỹ được hỏi đã dự báo về kịch bản lạm phát cao và tăng trưởng đình trệ vào năm tới, trong khi cuộc khảo sát cuối cùng trong năm 2022 của Deutsche Bank cũng mang lại những kết quả tương tự.
Lạm phát đình trệ thường được định nghĩa là một chu kỳ kinh tế mà trong đó lạm phát được duy trì ở mức cao trong thời gian dài, đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế chậm.
Ở Mỹ, ví dụ điển hình nhất về lạm phát đình trệ xảy ra vào những năm 1970, phần lớn là do cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Chỉ riêng việc kiềm chế lạm phát cao đã là một thách thức lớn đối với các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Và với lạm phát đình trệ, mọi thứ còn khó khăn hơn nhiều, bởi việc khắc phục một khía cạnh của vấn đề, như tỷ lệ thất nghiệp, có thể khiến khía cạnh còn lại như lạm phát trở nên tồi tệ hơn.
Mối lo ngại của các nhà đầu tư về lạm phát đình trệ không phải là không có cơ sở. Hơn một nửa (56%) nhà đầu tư được khảo sát dự đoán lạm phát sẽ vẫn tăng cao trong năm tới; và gần một nửa (49%) cho rằng mục tiêu “hạ cánh mềm” của Fed nhằm giảm lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng là một kỳ vọng phi thực tế.
Khi nào rủi ro trở thành hiện thực
Jack Janasiewicz, chiến lược gia hàng đầu về danh mục đầu tư của Natixis Investment Managers, mới đây cho biết cách nhìn nhận rủi ro lạm phát đình trệ sẽ phụ thuộc vào cách thức định nghĩa thuật ngữ này. Theo ông, quả thực thị trường lao động Mỹ có thể sẽ yếu đi đôi chút trong năm tới và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao hơn so với mức thấp lịch sử đã ghi nhận trong thời gian gần đây. Thế nhưng, điều này chỉ có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, chứ không thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan.
Chuyên gia Janasiewicz chỉ ra rằng, lý do dẫn đến lạm phát cao hơn là kết quả của một loạt cú sốc giáng xuống hệ thống, từ Covid-19 cho đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Những cú sốc này, về cơ bản đã thúc đẩy các cú sốc nguồn cung trên toàn thế giới. Cùng lúc đó, các biện pháp hỗ trợ, kích thích chi tiêu của chính phủ cũng khiến nhu cầu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, làm gia tăng áp lực lạm phát.
Giờ đây, với việc các chương trình kích thích đã kết thúc, và lượng tiền bổ sung trong hệ thống bắt đầu giảm xuống, áp lực lạm phát sẽ được hạ nhiệt một cách tự nhiên.
Lynda Schweitzer, Giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu toàn cầu tại Loomis Sayles, đồng ý rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng tới một cuộc suy thoái, và điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thực sự chậm lại. Tuy nhiên, bà cũng cho biết, vẫn cần có những yếu tố khác để gây ra lạm phát đình trệ.
Schweitzer cũng chia sẻ quan điểm với Janasiewicz rằng thị trường lao động là thành phần quan trọng - và là sự khác biệt tiềm ẩn - trong câu chuyện về lạm phát đình trệ. Bà nói: “Khi chúng ta nhìn vào thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp cần phải có mức tăng đáng kể để dập tắt hoàn toàn lạm phát trong năm tới. Nhưng nếu Fed đi quá xa trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, nước Mỹ có thể rơi vào tình trạng thất nghiệp cao kéo dài, và kết quả là chúng ta có thể thấy lạm phát đình trệ theo định nghĩa truyền thống hơn”.
Mức độ rủi ro khác nhau tại từng nền kinh tế
Căn cứ vào kết quả khảo sát của Natixis, Schweitzer lưu ý rằng mối lo ngại về nguy cơ lạm phát đình trệ tại một số khu vực khác sẽ lớn hơn so với Mỹ. Ví dụ như tại châu Âu - nơi phụ thuộc nhiều hơn vào những biến động giá năng lượng, các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn về mối lo lạm phát đình trệ, đặc biệt là khi các quốc gia tại khu vực này có ít khả năng ứng phó hơn.
Jim Reid, Trưởng bộ phận chiến lược tín dụng và nghiên cứu chuyên đề của Deutsche Bank cũng chia sẻ quan điểm trên khi cho biết, rất nhiều người được hỏi đã tăng mức dự báo về khả năng xảy ra lạm phát đình trệ trong năm tới với mức độ khác nhau tùy vào từng khu vực.
“Tại Mỹ, kỳ vọng lạm phát đình trệ đã tăng từ 33% lên 62%, trong khi tại châu Âu là từ 42% lên 86%, còn Vương quốc Anh là từ 63% lên 92%. Mức độ rủi ro tại châu Á được đánh giá là cân bằng hơn”, ông Reid cho biết.
Các nghiên cứu của Deutsche Bank cho thấy, về tổng thể, lạm phát đình trệ sẽ là đặc trưng của nền kinh tế châu Âu trong năm 2023, khi suy thoái sẽ diễn ra từ quí 4 năm nay đến quí đầu năm sau, chủ yếu là do khủng hoảng năng lượng đang tác động tiêu cực tới tăng trưởng, thu nhập thực tế và làm suy giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh.
Tuy vậy, Deutsche Bank cũng cho rằng, cú sốc hiện tại có thể sẽ nhẹ hơn so với lo ngại ban đầu, và dự báo GDP của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã được nâng từ mức -1,2% lên -0,6% trong năm 2023.
Các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa rủi ro
Với việc rủi ro lạm phát đình trệ gia tăng, vấn đề đang được giới đầu tư quan tâm là cách thức phòng ngừa rủi ro trước những biến động của thị trường. Mike Burnick, chuyên gia phân tích cấp cao của TradeSmith chỉ ra rằng, những lo ngại trên thị trường chứng khoán hiện tại khiến ông nhớ lại thị trường chứng khoán của những năm 1970, thời kỳ cũng được đánh dấu bởi chiến tranh, việc ngân hàng trung ương in tiền quá mức và cổ phiếu tăng trưởng bị đè bẹp.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể sử dụng lịch sử làm kim chỉ nam, để không chỉ bảo đảm an toàn trong thời kỳ lạm phát đình trệ, mà còn tiếp tục đạt được lợi nhuận. Chuyên gia Mike Burnick chỉ ra rằng, khi nhìn lại cuộc suy thoái trong giai đoạn từ năm 1973-1975, có thể thấy rằng chính các cổ phiếu vốn hóa nhỏ (các công ty có giá trị vốn hóa thị trường từ 300 triệu đến 2 tỉ đô la) đã dẫn đường cho sự phục hồi của thị trường một năm sau đó. Trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn mang lại mức lợi nhuận trung bình 28%, thì các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mang lại lợi nhuận cao hơn gấp đôi ở mức 58%.
Theo ông Burnick, do quy mô của mình, các công ty có giá trị vốn hóa nhỏ có thể dễ dàng tăng doanh thu hơn trong nền kinh tế đang chậm lại. Ngoài ra, với sức mạnh hiện tại của đô la Mỹ, các công ty vốn hóa nhỏ có xu hướng được bảo vệ khỏi các tác động tiêu cực do biến động tiền tệ vì doanh thu và lợi nhuận của họ thường liên quan đến thị trường nội địa nhiều hơn là thị trường quốc tế.
Trong khi đó, khảo sát của Diễn đàn các Tổ chức tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) cho thấy, trước nguy cơ lạm phát đình trệ, các quỹ hưu trí và quỹ đầu tư quốc gia đang có xu hướng phân bổ danh mục đầu tư vào các tài sản an toàn giúp chống lạm phát.
Khảo sát được thực hiện với 13 quỹ hưu trí và 6 quỹ đầu tư quốc gia đang nắm giữ 3.200 tỉ đô la tài sản cho thấy, hơn 40% đang đầu tư nhiều hơn vào bất động sản và tài sản cơ sở hạ tầng, trong khi những quỹ khác phân bổ nhiều vốn hơn vào trái phiếu và các hàng hóa liên quan đến lạm phát.
Sự biến động của thị trường cũng khiến nhiều quỹ đầu tư tìm kiếm sự an toàn tại các tài sản bằng đô la, trong khi euro, yen Nhật, và franc Thụy Sỹ cũng là những lựa chọn hấp dẫn. Ở chiều ngược lại, đồng nhân dân tệ lại không phải là một lựa chọn được ưa thích.
Kết quả khảo sát cho thấy, không tổ chức đầu tư nào có kế hoạch tăng mức độ tiếp xúc với đồng nhân dân tệ, và 12% có kế hoạch giảm đầu tư vào đồng tiền này trong vòng một đến hai năm tới - một sự đảo ngược hoàn toàn so với hồi năm ngoái, khi 11% số tổ chức cho biết, sẽ tăng cường đầu tư vào đồng nội tệ Trung Quốc.
Các quỹ hưu trí và tài sản đều lo ngại về căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, cũng như những hạn chế khác của thị trường này như sự thiếu minh bạch, môi trường pháp lý và các chính sách kiểm soát vốn. Theo OMFIF, đây là “lần đầu tiên các nhà đầu tư tổ chức tỏ ra e ngại hơn là lạc quan về Trung Quốc”.
Nguồn: Fortune, Reuters, Bloomberg, Investing, Nasdaq, Seekingalpha, Natixis