Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giới nhà giàu châu Á và châu Âu tăng đầu tư vào các tài sản của Mỹ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những cá nhân giàu có trên thế giới thách thức xu hướng “phi toàn cầu hóa” trong một thế giới đang rạn nứt, bằng cách đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ hơn nữa, chủ yếu là nhắm đến các tài sản ở Mỹ.

Giới nhà giàu ở châu Âu và châu Á đang tăng cường phân bổ vốn vào các tài sản của Mỹ bao gồm cả việc chuyển đổi tiền tệ của họ sang đô la Mỹ. Ảnh: Getty

Dữ liệu khảo sát của các công ty quản lý tài sản toàn cầu cho thấy, các gia đình giàu có ở châu Âu và châu Á tăng đầu tư nhiều hơn vào các tài sản bên ngoài khu vực quê hương của họ, với nhiều người chọn Mỹ làm nơi trú ẩn tài sản.

“Tôi rất ấn tượng với quy mô đầu tư vào Mỹ từ các khách hàng toàn cầu trong 5 năm qua. Điều này có thể nhìn thấy ở lĩnh vực bất động động sản nhà ở cũng như thị trường tín dụng và vốn cổ phần tư nhân của Mỹ, hay sự chuyển đổi tiền thành đô la Mỹ thuần túy”,  Aaron Bates, nhà chiến lược cấp cao của Bernstein Private Wealth Management, công ty chuyên tư vấn và đầu tư cho các gia đình giàu có, nói.

Theo Bates, sức hút của Mỹ không chỉ do nhu cầu đề phòng rủi ro địa chính trị, hiệu suất vượt trội của nền kinh tế lớn nhất thế giới và sức mạnh của đồng đô la, mà còn vì Mỹ dẫn đầu về các công nghệ mới bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI).

Các nhà quản lý tài sản nói rằng sự gia tăng bất ổn địa chính trị, với các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông và châu Âu cũng như căng thẳng ở eo biển Đài Loan, thúc đẩy các nhà đầu tư có giá trị ròng cao trên thế giới tìm kiếm các công ty và kênh đầu tư ổn định, lâu đời.

Theo cuộc khảo sát của ngân hàng UBS thực hiện với một số văn phòng quản lý đầu tư gia đình (WFO) giàu có nhất thế giới, địa chính trị đã trở thành mối quan tâm số một đối với các WFO có trụ sở tại châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, Thụy Sĩ và Mỹ Latin.  Đối với các WFO ở Mỹ, vấn đề này là mối quan tâm đứng thứ hai sau lo ngại về suy thoái kinh tế. Điều đó có nghĩa là quan điểm về về đa dạng hóa đầu tư trên toàn cầu đã thay đổi.

“Trước đây, chúng tôi rót tiền nhiều hơn vào danh mục đầu tư có tính thanh khoản cao ở các thị trường mới nổi, nhưng hiện tại, chúng tôi đầu tư 80-90% tài sản vào châu Âu và Mỹ”, giám đốc đầu tư của một WFO ở Đan Mạch, nói.

Một cuộc khảo sát tương tự của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy, trên toàn thế giới, các công ty quản lý tài sản gia đình báo cáo phân bổ trung bình 63% vốn vào Mỹ và 21% vốn vào các thị trường phát triển khác. Theo cuộc khảo sát, 26% WFO tìm cách tăng phân bổ vốn sang Mỹ và 27% có kế hoạch tăng phân bổ sang các thị trường phát triển khác trong năm 2023.

“Các khách hàng giàu có của chúng tôi tập trung vào các công ty có lợi nhuận lợi với tỷ suất lợi nhuận ổn định, có thể đứng vững trên thị trường đầy biến động. Xu hướng đó tạo ra một chút thiên vị cho các công ty vốn hóa lớn thường có trụ sở tại Mỹ”, Sara Naison-Tarajano, đối tác của Goldman Sachs, giải thích.
Các quỹ tín dụng tư nhân, cung cấp các khoản vay trực tiếp cho các doanh nghiệp, là một trong những động lực mới nhất thúc đẩy các WFO trên thế giới đầu tư sang Mỹ,

Bates cho biết, khi các ngân hàng ở Mỹ dừng một số hạng mục, đó thực sự là cơ hội lớn cho các WFO bước vào lĩnh vực tín dụng tư nhân, đang trỗi dậy mạnh mẽ sau những khó khăn của các ngân hàng nhỏ ở Mỹ, bắt nguồn từ cú sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank hồi đầu năm.

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết các nhà đầu giàu có ở Trung Quốc cũng đang dạng hóa hơn nữa tài sản nắm giữ bên ngoài đất nước khi nền kinh tế chậm lại.

Theo Adrian Zuercher, giám đốc đầu tư phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của đơn vị quản lý đầu tư toàn cầu thuộc UBS, các khách hàng Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến các văn phòng quản lý tài sản của UBS ở Thụy Sĩ và Singapore.

Ông nói thêm, các nhà đầu tư Trung Quốc không có xu hướng nắm giữ nhiều tài sản ở châu Âu, có thể lo ngại biến động tiền tệ.

Một nhà đầu tư giàu có của Trung Quốc nói rằng, Singapore là nơi ngày càng hấp dẫn để lưu trữ tài sản do tính ổn định tương đối của đồng tiền nước này. Bất chấp căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washinton, khách hàng Trung Quốc và Hồng Kông “vẫn rất sẵn lòng đầu tư vào Mỹ”, theo Zuercher.

Một ngoại lệ đối với xu hướng tăng phân bổ vốn ở Mỹ của cá nhân giá trị ròng là chính các nhà đầu tư Mỹ. Giới nhà giàu ở Mỹ đã phân bổ quá vốn nhiều vào thị trường quê nhà nên họ đang tìm đa dạng hóa sang những thị trường khác.

Tiger 21, một tổ chức gồm 1.300 nhà đầu tư, chủ yếu là người Mỹ, với tổng tài sản khoảng 150 tỉ đô la, cho biết đang quan tâm hơn đến các tài sản ở Ấn Độ và Tây Âu sau khi giảm niềm tin vào Trung Quốc.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới