Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giới trẻ Nhật Bản đổ xô ra nước ngoài làm việc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong khi lao động ở nhiều nước châu Á tìm cách sang làm việc ở Nhật Bản thì giới trẻ nước này lại đổ xô đến các nền kinh tế phát triển khác như Úc, Canada, New Zealand để làm những công việc có mức lương cao hơn so với quê nhà.

Nhiều thanh niên Nhật Bản đến các nước phát triển khác làm việc để cải thiện thu nhập. Ảnh: Bloomberg

Xu hướng làm việc kết hợp du lịch

Vào  5 giờ sáng mỗi ngày, Tomoki Yoshihara bắt đầu ca làm việc tại một nhà máy chế biến thịt cừu ở vùng nông thôn của nước Úc. Số tiền Yoshihara kiếm được cho 50 giờ mỗi tuần làm việc ở nhà máy này cao gấp 3 lần số tiền từ mức lương anh nhận được khi còn là quân nhân ở Nhật Bản.

Yoshihara nằm trong số lượng kỷ lục thanh niên Nhật Bản được cấp thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ ở Úc trong năm tài chính vừa qua. Họ bị thu hút bởi mức lương cao hơn của Úc và thậm chí mức lương ở đây còn hấp dẫn hơn khi đồng yen suy yếu.

“Từ góc độ tiền lương, làm việc ở Úc tốt hơn rất nhiều. Nếu bạn muốn tiết kiệm tiền, Úc là nơi lý tưởng”, Yoshihara, người nhận mức lương khoảng 5.000 đô la Úc (3.300 đô la Mỹ)/tháng sau thuế và đang sống ở Goulburn, phía nam Sydney, chia sẻ.

Với các chương trình thị thực tương tự ở Anh, Canada và New Zealand đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, dòng chảy nhân tài ra ngoài có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động dai dẳng ở Nhật Bản. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy nhiều người trẻ của Nhật Bản không lạc quan với triển vọng kinh tế của đất nước sau khi thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập niên.

“Giới trẻ đang hoài nghi về triển vọng kinh tế của Nhật Bản. Đối với họ, điều kiện sống ở Nhật Bản đang khó khăn hơn nhiều so với những con số lạm phát cho thấy”, Yuya Kikkawa, nhà kinh tế của Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, bình luận.

Tháng trước, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới trong bối cảnh có dấu hiệu chu kỳ tăng lương tích cực đang thúc đẩy lạm phát do nhu cầu tăng. Nhưng ngay cả sau khi gần đây các công đoàn lao động Nhật Bản thương thuyết thành công mức tăng lương lớn nhất trong hơn 30 năm vào tháng 3, so các nền kinh tế tiên tiến khác, mức lương thực tế ở Nhật Bản vẫn còn một khoảng cách đáng kể.

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, trong năm 2022, mức lương trung bình hàng năm của người lao động ở Nhật Bản là 41.509 đô la Mỹ, so với 59.408 đô la ở Úc và 77.463 đô la ở Mỹ.

Mức lương hàng năm ở Nhật Bản hầu như đứng im trong 20 năm qua, trong khi tiền lương ở các nền kinh tế phát triển khác gồm Úc, Canada, Anh, Mỹ tăng đều đặn qua mỗi năm. Ảnh: Bloomberg

Lạm phát khiến tiền lương ở Nhật Bản “mất giá”

Người lao động Nhật Bản chấp nhận sự đánh đổi trong thời gian dài, trong đó, ưu tiên công việc ổn định hơn là tìm kiếm mức lương cao hơn. Điều này chỉ có nhiều ý nghĩa trong thời kỳ giảm phát khi giá cả hầu như không biến động. Nhưng hiện tại, khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên và mức lương không đổi trong nhiều năm, nhiều người trong số họ phải lập kế hoạch chi tiêu mỗi tháng trước khi nhận lương tháng tiếp theo.

“Tiền lương ở Nhật Bản hầu như không tăng trong 20 năm trong khi các nước phát triển khác tăng lương đều đặn. Với xu hướng đồng yen ngày càng yếu đi, khoảng cách tiền lương trở nên lớn hơn”, Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Itochu, nói.

Khoảng 14.398 người lao động Nhật Bản được cấp thị thực làm việc trong kỳ nghỉ tại Úc trong năm tài chính 2022-2023. Đó là con số cao nhất trong dữ liệu của chính phủ Úc kể từ năm 2001. Loại thị thực có thời hạn 12 tháng này cho phép những người từ 18-30 tuổi (hoặc 35 đối với một số nước) kết hợp du lịch và làm các công việc trong các ngành từ nông nghiệp đến khách sạn, điều dưỡng, xây dựng hoặc công việc văn phòng ở Úc để trang trải cho chuyến đi của họ.

Ngoài ra, loại thị thức này còn có một tùy chọn để gia hạn đến 3 năm.

Ngoài mức lương hấp dẫn, Úc còn là điểm đến ưa thích của người Nhật Bản vì xứ sở chuột túi được đánh giá là nơi an toàn, có múi giờ tương tự Nhật Bản và gần đây nới lỏng các quy định cho phép người có thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ làm việc hơn 6 tháng cho người sử dụng lao động trong một số ngành nhất định.

Kotaro Sanada, người phát ngôn của Hiệp hội những người Nhật Bản làm việc trong kỳ nghỉ, nhận xét Úc luôn có hệ thống thị thực hào phóng và những thay đổi gần đây cho phép tăng thời gian làm việc trong kỳ nghỉ khiến người lao động Nhật Bản càng có động lực đến Úc hơn.

Ngoài Úc, Canada đã cấp 7.996 thị thực tương tự cho người lao động Nhật Bản vào năm 2023, tính đến tháng 10. Trong ki đó, Anh đã cấp 898 thị thực cùng loại cho người lao động Nhật Bản trong năm ngoái. New Zealand đã phê duyệt 2.404 thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ cho công dân Nhật Bản trong năm tài chính 2022-2023. Ông Kotaro Sanada dự đoán con số này sẽ tăng cao hơn nữa khi các quy định thị thực được nới lỏng. Ông kỳ vọng Anh sẽ trở thành điểm đến phổ biến tiếp theo sau khi hạn ngạch thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ hàng năm dành cho người Nhật Bản tăng lên 6.000 từ 1.500.

Doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động trẻ trong nước

Lili Takahashi, 22 tuổi, người đã bay đến Úc trong tháng này ngay sau khi tốt nghiệp đại học, cho biết cô đặt mục tiêu dành 2 năm vừa đi làm vừa du lịch. Sau đó, cô có thể nộp đơn xin cấp thẻ thường trú nhân và kết hôn với bạn gái ở đó. Không giống như Nhật Bản, Úc cho phép hôn nhân đồng giới.

Mức lương cao hơn ở Úc, càng có giá trị hơn khi đồng yen đang ở mức yếu nhất so với đồng đô la Úc trong gần một thập niên, sẽ giúp Takahashi cân bằng cuộc sống và công việc tốt hơn.

“Tiền lương ở Nhật Bản có thể đủ sống. Nhưng thật buồn khi nghĩ rằng tôi sẽ không còn nhiều tiền dư ra để phục vụ sở thích và đi chơi với bạn bè nếu sống ở Nhật Bản”, Takahashi nói.

Sự gia tăng số lượng thị thực làm việc trong kỳ nghỉ là một phần trong xu hướng chọn sinh sống ở nước ngoài rộng lớn hơn của người dân Nhật Bản. Trong năm ngoái, số người Nhật thường trú ở nước ngoài tăng lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu khảo sát được thực hiện vào năm 1989, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Điều đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động kinh niên trong xã hội đang già hóa của Nhật Bản, nơi các công ty cạnh tranh giành nguồn nhân lực ngày càng khan hiếm.

“Ngày càng có nhiều thanh niên Nhật Bản bay ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội việc làm. Nếu xu hướng này tiếp tục, việc tuyển dụng lao động trẻ ở Nhật Bản có thể còn khó khăn hơn nữa”, Harumi Taguchi, nhà kinh tế trưởng của S&P Global Market Intelligence, nhận định.

Theo báo cáo của Teikoku Databank, hơn 2/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cho biết họ đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Trong khi đó, số vụ doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản do thiếu nhân lực đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cho phép một số lượng kỷ lục lao động nước ngoài đến nước này làm việc để giảm bớt những khó khăn về nhân khẩu học. Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Itochu, cho biết, trong thời gian tới, làn sóng lao động Nhật Bản rời đất nước phụ thuộc vào triển vọng kinh tế.

“Nếu các điều kiện tăng trưởng nhanh hơn của đất nước được duy trì vững chắc, có thể thanh niên Nhật Bản đang làm việc ở nước ngoài thấy có lý do để trở về”, ông nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới