Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giới trẻ và thần tượng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giới trẻ và thần tượng

Dương Trọng Huế

Giới trẻ và thần tượng
Những ngôi sao lõi đời thường biết cách đánh bóng hình ảnh mình qua việc khai thác hành vi của người khác.

(TBKTSG) - Tuần rồi, báo chí đưa tin cựu danh thủ David Beckham đến Việt Nam và được một số giới trẻ chào đón cuồng nhiệt. Ảnh hưởng của ngôi sao đã giã từ sự nghiệp sân cỏ này quả là lớn. Ngay cả khi anh ta đã đi nơi khác tiếp tục chiến dịch quảng bá cho hãng rượu nào đó, thì vẫn còn lại đằng sau những bàn tán của giới hâm mộ.

Hâm mộ và thần tượng hóa cá nhân không phải là hiện tượng xã hội mới mẻ. Ngành công nghiệp quảng cáo và giải trí từ lâu đã nắm bắt và tận dụng sự liên kết về mặt tâm lý này giữa người hâm mộ và thần tượng để kiếm lợi nhuận. Khoảng 25% quảng cáo ở Mỹ sử dụng người nổi tiếng bảo trợ cho sản phẩm. Các chương trình giải trí truyền hình đua nhau mọc ra nhờ vào tâm lý chuộng người nổi tiếng của khán giả.

Công nghệ truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội giúp người nổi tiếng nhanh chóng có được mạng lưới người hâm mộ rộng khắp toàn cầu. Hãy nhìn trang hâm mộ trên Facebook của Beckham. Nó có đến hơn 50 triệu thành viên, rất nhiều trong số đó đến từ Việt Nam.

Nhìn chung, nhu cầu hâm mộ và yêu thích người nổi tiếng không có gì là xấu cả. Đôi lúc còn tạo ra hiệu ứng tích cực khi cá nhân được hâm mộ đó là tấm gương sáng để người hâm mộ noi theo. Cố công nương Diana của hoàng gia Anh được yêu mến không chỉ bởi sự hấp dẫn từ những câu chuyện nửa thật nửa huyền bí từ truyền thông, mà còn vì sự giúp đỡ từ trái tim cô với các chương trình rà phá bom mìn nhân đạo ở các quốc gia nghèo khó.

Nhưng sự hâm mộ này cũng có thể mang lại hiệu ứng xã hội tiêu cực rất lớn. Cũng ở Anh vào năm 2011, một vụ bạo loạn do những người trẻ khơi mào đã xảy ra, bắt đầu từ khu Tottenham ở thủ đô London lan rộng sang nhiều thành phố và thị trấn xung quanh. Hàng ngàn thanh niên đã bị bắt, gây ra sự hỗn loạn xã hội ở quốc gia nằm trong nhóm phát triển kinh tế - xã hội hàng đầu châu Âu này.

Tờ Guardian sau đó đã đăng tải một nghiên cứu xã hội học về vụ bạo loạn để hiểu thực chất của vấn đề. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính đến từ sự bất bình đẳng xã hội, vấn đề chủng tộc và mối quan hệ tồi tệ giữa cảnh sát và người dân. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học giải thích rằng đóng góp không nhỏ đằng sau những nguyên nhân đó là sự đổ vỡ của giá trị gia đình đối với người trẻ. Tỷ lệ ly dị gia tăng khiến những nam thanh niên lớn lên mà thiếu vắng sự hiện diện của người bố trong gia đình. Và để tìm sự thay thế, họ quay sang các nhân vật nổi tiếng của lĩnh vực thể thao và giải trí. Các ngôi sao bóng đá ở giải ngoại hạng Anh nghiễm nhiên có vị thế thượng phong trong lựa chọn hình mẫu của giới trẻ do sự phổ biến của môn thể thao này ở đất nước sương mù.

Vậy nhưng trong làng túc cầu Anh, không phải ngôi sao lớn nào cũng là hình mẫu xứng đáng cho giới trẻ.

Ryan Giggs thông dâm với người yêu của em trai, John Terry ngủ với vợ bạn thân, Rooney chửi tục thẳng vào mặt khán giả... Sự đổ vỡ hình ảnh thần tượng dễ kéo theo tâm lý chán nản và mất niềm tin vào cuộc sống của người trẻ. Cây bút Charlie Brooker của tờ Guardian đã viết: “Chúng ta được bảo rằng các cầu thủ là hình mẫu để noi theo... Nhưng họ không hài lòng với số tiền khổng lồ kiếm được nhờ vào chạy quanh bãi cỏ và đá vào quả bóng. Họ ký các hợp đồng béo bở quảng cáo cho các hãng nước uống hay dao cạo râu, trong đó họ được tô điểm như những người tốt. Đó là sự giả dối. Họ nợ chúng ta”.

Sẽ có người cho rằng việc hâm mộ tài năng chuyên môn và lối sống ngoài đời là hai thứ khác nhau. Tuy nhiên, cái ranh giới đó là vô cùng mờ nhạt, nhất là với trẻ em và người trẻ tuổi. Người Mỹ từng tranh cãi việc những người nổi tiếng nên quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội hơn khi tham gia cổ vũ cho những sản phẩm gây hại cho xã hội như hút thuốc lá và uống rượu. Bộ phim Người nhện đã phát đi thông điệp rất hay “quyền lực lớn đi liền với trách nhiệm lớn”.

Sự hâm mộ thái quá cũng không phải là tốt, đôi khi còn cực kỳ phản cảm do người hâm mộ lẫn lộn giữa giá trị ngưỡng vọng mang tính phương tiện và giá trị cốt lõi là thứ gắn bó và vun đắp cuộc sống của họ suốt đời. Việc một bà mẹ đang chạy xe máy chở con nhỏ, đầu không mũ bảo hiểm, cố gắng chụp ảnh Beckham trên đường phố Hà Nội dường như phản ánh điều này. Rút cuộc thì cái gì là giá trị cốt lõi cần ưu tiên, tính mạng của mình và con nhỏ hay bức ảnh, chữ ký thần tượng của mình?

Còn với nhân vật được bà mẹ trẻ chụp tấm ảnh đó, như những ngôi sao giải trí lõi đời khác, anh biết ngay cách đánh bóng hình ảnh mình qua việc khai thác hành vi của người khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới