Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giữ gìn hương vị Tết dân tộc ở Erfurt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giữ gìn hương vị Tết dân tộc ở Erfurt

Mỹ Huyền

(TBKTSG Online) - Sang Đức từ năm 1994, năm nay là hơn năm 20 năm chị Liên Nguyễn đón Tết ở thành phố Erfurt thủ phủ bang Thuringen, Đức. Trong những năm qua, ngày 30 tháng Chạp âm lịch nào chị cũng cùng chồng là anh Hùng Trần đóng cửa gian hàng ở chợ thật sớm để về nấu nướng đón Tết cổ truyền trên xứ người.

 

Giữ gìn hương vị Tết dân tộc ở Erfurt
Buổi họp mặt "Hà Nội xưa và nay" của cộng đồng người Việt đón Xuân Canh tý ở Erfurt. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chiều tối giao thừa ở Việt Nam (ngày 24-1) vẫn là buổi sáng tại Erfurt nên chị Liên vẫn cùng chồng ra chợ bày hàng quần áo của mình ra bán. Có rất nhiều người bán hàng trong chợ là người Việt nên chị Liên và các bạn hàng khác có dịp chia sẻ cùng nhau về mâm cỗ chuẩn bị cho đêm giao thừa 30 Tết Canh Tý 2020

Trong chợ có đủ thực phẩm Việt, nào là dưa chua, củ kiệu và bánh chưng đủ cho những người Việt ở Erfurt đón một dịp lễ lớn trong năm mà họ gọi bằng cụm từ thân quen là Tết dân tộc. Nhiều người đã lâu không có dịp về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, người thân nhưng vẫn giữ truyền thống cúng ông bà tổ tiên và cúng trời đất (thiên địa) trong đêm giao thừa. Chiều khoảng 3 giờ, các sạp hàng của người Việt đều đóng cửa và mọi người tíu tít về nhà nấu cỗ.

Người Việt ở đây đã tranh thủ cùng nhau tổ chức Tết sớm vào cuối tuần trước đó để họp mặt cùng đồng hương với chủ đề "Hà Nội xưa và nay" ở nhà hàng Sen Hồng, thành phố Erfurt. Các bạn hàng trong chợ chủ yếu đến từ các vùng miền phía Bắc ở Việt Nam đã hẹn nhau cùng mặc trang phục dân tộc đến trình diễn các bài hát Việt mà mình đã tập từ lâu.

Ngoài giao lưu, buổi họp mặt còn có các tiết mục trình diễn thời trang áo dài, nhảy hiện đại do các bạn trẻ trình bày. Một năm tụ họp một lần, nhưng buổi họp mặt đầu năm này đã được hình thành từ rất lâu nên cũng không còn ai nhớ rõ nó bắt đầu từ lúc nào. Nhờ hoạt động thường niên này mà cộng đồng người người miền Bắc tại đây mới có sợi dây kết nối truyền thống và tình đồng hương.

Cũng như bao người Việt ở đây, lúc này chị Liên tràn đầy cảm xúc. Chị để chồng ở lại dọn hàng vì phải về hầm canh măng gà, tất tả vừa đi bộ về nhà vừa gọi điện cho con cái. Anh chị có một con gái lớn đang làm việc ở thành phố khác, còn con trai nhỏ đang học xa nhà cũng không về được.

Thực ra vợ chồng chị cũng quen cảnh đón giao thừa chỉ có 2 người vì 2 người con cũng không biết về Tết Việt nhiều. Lúc nhỏ, các con còn thức khuya cùng cha mẹ đón giao thừa nhưng khi lớn lên các con chỉ nhớ đến lệ hội Oktoberfest, Giáng sinh và Tết Dương lịch, cũng là các dịp lễ quan trọng của người Đức. Giờ các con đã trưởng thành, không nói được tiếng Việt và cũng hiếm có dịp về Việt Nam thăm gia đình nội ngoại nên cũng không quan trọng câu chuyện về nhà đón Tết Nguyên đán cùng cha mẹ.

Từng làm kế toán ở Việt Nam, nhưng sang Erfurt đã lâu chị Liên vẫn chưa nói sõi tiếng Đức. Tiếng Đức của chị chỉ đủ để bán hàng và mặc cả nên chỉ nói tiếng Việt với con. Con hiểu và chỉ đáp lại “ya, ya” là chị cũng vui. Rồi chị lại kể với con những món ăn Việt chị sắp nấu, bên kia điện thoại tiếng con đáp lại bằng tiếng cười,” ya, ya” rồi một vài câu tiếng Đức mang ý nghĩa chúc cha mẹ một mùa Tết thật vui.

Về đến nhà, chị Liên vào bếp ngay để hầm canh măng trước. Mâm cỗ của chị gồm canh măng gà, xôi xéo, chả lụa và bánh chưng. Chỉ có 2 vợ chồng nên chị cũng không làm thịnh soạn. Chị xếp ngay ngắn cành hoa đào cũng mua ở chợ được chị trước hình ảnh ông bà trong phòng khách là lúc anh Hùng về tới và hai anh chị cố dọn nhanh nhà cửa đón giao thừa.

Hai anh chị lại gọi điện về Việt Nam, chỉ có người em trai đang ngủ vẫn tiếp điện thoại của anh chị trong dịp Tết. Chị Liên ở trong chung cư nên không thể đốt nhang và tiền vàng bạc được nên dặn người em trai các thủ tục cúng bái, dù biết giao thừa ở Việt Nam đã qua và em trai mình nhớ rõ hơn mình. Người em cũng ậm ừ cho chị vui.

Sau khi bày mâm cỗ trước ảnh ông bà, anh chị cũng vái lạy như giống như ký ức mình còn nhớ lúc ở Việt Nam. Rồi hai anh chị ra ban công ngắm trời đất rồi tỉ tê nói chuyện và tưởng như đang đợi nhang tàn.

Chỉ có dịp này trong năm là hai vợ chồng có thời gian tán gẫu cùng nhau chuyện xưa nay. Chị Liên ít có mối quan hệ bên ngoài hơn vì không thông thạo tiếng Đức nên anh Hùng là người tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn. Anh đã từng đi hợp tác lao động và sống ở Đức hơn 2/3 cuộc đời nên rất thông thuộc tình hình kinh tế-xã hội tại đây. Khi nói chuyện với vợ, anh thường cập nhật các từ ngữ mới cho vợ quen dần và thường nhắc vợ một trong những cách học tiếng Đức nhanh là “xem ti-vi nhiều thêm đi.”

Khi rảnh thì chị Liên cũng xem ti-vi để nghe và hiểu thêm tiếng Đức nhưng vẫn yêu thích các chương trình Việt Nam hơn. Hai vợ chồng rất ít đi chơi vì phải đi lấy hàng xa rồi bán ở chợ quanh năm. Các con của họ sống ở hai khu vực khác nhau và dù con đã tự lập nhưng theo nếp suy nghĩ của người Việt, anh chị vẫn lo chỗ ăn ở cho con và vẫn tiếp tục buôn bán, vun vén, dành dụm cho các con sau này.

Đến thời khắc giao thừa, anh Hùng và chị Liên vui vẻ chúc nhau một năm mới việc kinh doanh thuận lợi, hanh thông và chúc cho con mình được thành đạt. Dù ở xứ người lâu năm nhưng họ vẫn cảm thấy tâm hồn mình ở quê nhà. Mỗi năm họ chỉ chờ đến dịp hè về quê Bắc Giang thăm gia đình, được thưởng thức các món ăn dân dã miền Bắc vì dù bên này có đủ gia vị để nấu món Việt cũng không có được hương vị của quê hương.

Vậy là đã hết Tết cổ truyền Việt Nam trên xứ người. Dù có ngắn ngủi nhưng vợ chồng chị Liên vẫn cố giữ truyền thống và luôn tự nhắc nhở về xuất thân của mình. Chị Liên lại bất giác quay sang chồng, “hay là mình khuyên con học lớp tiếng Việt nhé anh”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới