(KTSG Online) - Với người viết bài này - và tôi tin rằng nhiều người khác cũng vậy - Đà Lạt là một thành phố được yêu quý nhất dù mình không sinh ra ở đó.
Tôi cũng tin rằng, nếu có một cuộc thăm dò toàn quốc, Đà Lạt sẽ trở thành một trong những thành phố được yêu quý nhất Việt Nam bởi những người Việt xa lạ. Và như vậy, nếu “hội những người yêu Đà Lạt” ra đời, chắc sẽ có rất đông hội viên.
Thế nên, khi cơn lốc đô thị hóa và bê tông hóa tràn tới Đà Lạt từ bấy đến nay, nhiều “người xa lạ” (theo nghĩa không phải gốc Đà Lạt) đã lao tâm khổ tứ chia sẻ nỗi lo của mình về chuyện “giữ hồn cho Đà Lạt”. Họ hoàn toàn có lý và suy nghĩ này rất đáng được trân trọng khi thành phố trong mơ trong mắt họ đứng trước nguy cơ mất đi vẻ đẹp hiếm có của nó.
Nhưng có bao giờ chúng ta - những người đều muốn giữ hồn cho Đà Lạt - đặt câu hỏi “thế nào là linh hồn của Đà Lạt?”, hay cụ thể “linh hồn của Đà Lạt là cái gì?”. Câu trả lời của tôi, đó là hồn hoa, hồn phố, hồn người.
Hồn hoa
Đà Lạt được trời phú cho môi trường thiên nhiên rất tốt. Nhưng ở Việt Nam đâu phải chỉ Đà Lạt mới có những ưu đải thiên nhiên đó. Tuy vậy, Đà Lạt vẫn rất đặc biệt. Đà Lạt đẹp vì, trước hết, đó là một thành phố hoa, rất nhiều hoa, mà các nơi khác khó bì.
Vậy Đà Lạt mang hoa vào phố hay mang phố vào hoa? Tôi nghĩ rằng cả hai. Ở Đà Lạt, phố không thể thiếu hoa và ngược lại. Nếu không, cái mà chúng ta cho là “hồn của Đà Lạt” cũng sẽ không còn.
Ở nơi khác, hoa nở theo mùa. Ở Đà Lạt, hoa nở quanh năm. Đà Lạt cũng có những loài hoa nở theo mùa – dã quỳ nở tháng 10, tháng 11; mai anh đào nở khoảng tháng giêng đến tháng ba; hướng dương nở hai lần trong năm, đầu hai mùa mưa nắng; lavender nở từ tháng giêng đến tháng bảy; phượng tím nở tháng ba, tháng tư; mimosa nở từ tháng 10 đến tháng 12; cúc họa mi nở tháng 11; hoa ban trắng nở từ tháng 12 đến tháng giêng năm sau.
Ngược lại, có những loài hoa nở quanh năm suốt tháng ở Đà Lạt – gần như lúc nào cũng thấy hoa hồng, hoa cẩm tú cầu, hoa đỗ quyên, góp phần biến Đà Lạt thành thị tứ của hoa.
Riêng nhóm du khảo Đà Lạt của chúng tôi, nhiều bạn rất thích ngắm một loài hoa khá phổ biến ở thành phố sương mù này. Đó là hoa sen đất hay còn gọi là sen cạn thân gỗ (phân biệt với sen cạn thân thảo, một loài hoàn toàn khác). Sen cạn thân gỗ cùng họ với cây ngọc lan [còn gọi là ngọc lan trắng (Magnolia)], với hoa trắng giống và to bằng hoa sen.
Có điều, chắc ai cũng phải than rằng ngắm sen cạn thân gỗ rất… mỏi cổ vì hoa chỉ nở ở độ cao tối thiểu… hai mét tính từ mắt đất. Đây là loại cây thân mộc thường chỉ ra hoa khi đã mọc khá cao.
Có người cho rằng Đà Lạt có hoa trong phố và phố trong hoa. Chẳng hạn như đường Trần Hưng Đạo có thể được xem là phố của “mai anh đào” hay cung đường Quang Trung đến ga Đà Lạt là “phố của hoa ban trắng” hoặc một đoạn đường đất dài nửa cây số (cách trung tâm Đà Lạt khoảng 25 kí lô mét) với hai bên toàn dã quỳ vàng rực vào mùa hoa nở.
Các nhà quy hoạch đô thị ở Sài Gòn cũng cố “mang hoa vào phố” bằng cách đặt tên đường theo tên các loài hoa. Ví dụ như ở khu Phan Xích Long, Phú Nhuận, có một loạt các con phố mang tên hoa - như Hoa Mai, Hoa Lan, Hoa Cúc, Hoa Hồng. Nhưng cho đến nay các loại hoa này chỉ nằm trên các bảng tên đường. Đố ai tìm được bất kỳ cánh hoa nào trên lề các con đường đó. Buồn thay, ở Sài Gòn, đường hoa mà chẳng có hoa!
Hồn phố
Theo tôi, những con đường là một phần của hồn Đà Lạt, và hồn phố Đà Lạt gắn với ít nhất hai thứ - những quán cà phê và những con dốc. Bạn không tin ư? Thử tưởng tượng Đà Lạt sẽ như thế nào nếu các quán cà phê ở đó bổng nhiên biến mất.
Tôi không tìm được thông tin trên Internet cho biết Đà Lạt có bao nhiêu quán cà phê, nhưng tin rằng nếu tính được số quán cà phê bình quân đầu người, thành phố này chắc chắn phải có thứ hạng cao trong các đô thị ở nước mình.
Tôi cũng nhận ra rằng phần lớn các quán cà phê ở Đà Lạt là “boutique” cà phê, theo nghĩa giống như cụm từ “boutique hotel” (các khách sạn nhỏ với ít phòng, thường có thiết kế kết hợp giữa cổ điển và thanh lịch, cho cảm giác thân thiện).
Các quán cà phê tôi tạm đặt tên là “boutique cà phê” ở Đà Lạt cũng vậy. Không như nhiều quán hoành tráng ở Sài Gòn với hàng trăm chỗ ngồi, thiết kế cầu kỳ để gây ấn tượng, các quán cà phê ở Đà Lạt phần nhiều nhỏ hơn, nhưng lại ấm cúng hơn, thường chỉ ở trong một căn nhà nào đó trên một con phố.
Trong đoàn của tôi có cô bạn tóc xù là dân đi du lịch “chuyên nghiệp”. Nói không ngoa, hắn đi Đà Lạt như cơm bữa và rất khoái nghe nhạc jazz tại một quán trên đường Trương Công Định ở trung tâm Đà Lạt.
Tối hôm đó, cô bạn này yêu cầu bản Believe trong album Temptation do ca sĩ người Canada Chantal Chamberland trình bày. Cả nhóm chờ đến khi quán đóng cửa gần 12 giờ đêm mới rời đi. Nhưng nghe nhạc tại quán cà phê này chỉ là cái cớ để tôi may mắn có dịp thưởng thức thêm một món “đặc sản” nữa của Đà Lạt, hơn cả bắp nướng hay sữa chua.
Thay vì leo lên taxi về khách sạn, cả bọn quyết định trekking (nghĩa gốc là đi bộ qua những chỗ khó khăn) vài con hẻm trong khu trung tâm thành phố núi này. Thú thật, chúng tôi không biết đường, chỉ đi dò theo Google Map và trí nhớ mang máng của vài người về vị trí các con đường.
Hẻm ở Đà Lạt thường cũng là những con dốc. Leo lên hay leo xuống một con dốc như vậy là bạn đã đến một con đường khác. Nhưng mấy chục phút lên dốc, xuống đồi giữa đêm khuya hôm đó đã mang lại một trải nghiệm khó quên, giúp tôi khám phá một Đà Lạt khác - một Đà Lạt phố cũng là đồi, một Đà Lạt làm bằng những con dốc.
Với tôi, trekking hẻm Đà Lạt đêm khuya quá thú vị, không sợ cướp hay du côn mà chỉ sợ chó sủa làm phiền gia chủ.
Nhưng cũng như nhiều người yêu Đà Lạt khác, tôi cũng lo rằng Đà Lạt không thoát khỏi “lời nguyền đô thị hóa”. Xem ra, lời nguyền này ngày càng ứng nghiệm khi trước mắt tôi nhiều nơi ở Đà Lạt trước đây là hoa và cây trái lãng mạn thì bây giờ đã nhường chỗ cho nhà cửa, công trình san sát không còn chổ để thở!
Một bằng chứng khác: dường như Đà Lạt đã “nhập khẩu” một món “đặc sản đô thị hóa” của Sài Gòn. Đó là món “kẹt xe”. Tôi đã chứng kiến cảnh này vào giờ tan tầm hôm thứ ba trên đường ra phi trường. Thật ra, chưa nghiêm trọng lắm như ở Sài Gòn, nhưng nếu cứ tiếp diễn với đà này bằng những chiếc xe hơi đậu nối đuôi nhau, con đường đưa Đà Lạt tiệm cận với Sài Gòn chắc cũng không quá xa.
Hồn người
Bọn tôi đến một quán cà phê (lại cà phê, nhưng thăm thú Đà Lạt, khó mà tránh được… cà phê) trên đường Lương Thế Vinh. Khác với quán cà phê đường Trương Công Định đêm trước, quán này nhỏ hơn (nhưng nghe nói giá đất được định từ mấy năm trước cũng đã hơn xa một chục tỷ đồng), bày trí đơn giản như bao quán cà phê khác khắp Đà Lạt.
Chủ quán trước đây, một vị U-70, nay đã lui về vui thú điền viên, giao hết việc kinh doanh cho cô con gái. Vị này là người thân của hai thành viên trong đoàn nên chúng tôi có dịp chứng kiến cảnh trùng phùng của họ.
Chủ quán hiện nay, một cô gái Đà Lạt “chính hiệu”, không thể ngơi tay vì khách vào quán hết người này đến người khác. Một lúc sau, chủ quán cũng ngồi với chúng tôi. Một thành viên nữ trong đoàn - mà tôi tin là có giọng nhẹ nhàng khiến nhiều phát thanh viên truyền hình phải phục sát đất - khen chủ quán: “Giọng con gái Đà Lạt thật dễ thương!”. Xin nói ngay, cô chủ quán này đã có gia đình, chưa có con và dự tính năm nay sẽ có em bé.
Tôi đồng ý hai tay, hai chân với nhận xét trên. Ở miền nam, giọng Đà Lạt, đặc biệt là giọng nữ, mới dễ thương làm sao! Giọng con gái Đà Lạt nghe đến hay. Con gái trong đoàn tôi còn mê giọng con gái Đà Lạt đến vậy, huống hồ gì con trai phương xa. Theo tôi, ngoài giọng nói dễ thương, má đỏ hây hây của các cô gái Đà Lạt cũng là một phần làm thành hồn người Đà Lạt.
Cà phê ở quán rất ngon. Nhưng, với tôi, quán này có thứ còn ngon hơn cả cà phê: sữa chua (yaourt). Tôi xin khẳng định điều này sau hũ sữa chua đầu tiên. Chủ quán cho biết một số nơi ở Sài Gòn đặt hàng sữa chua của cô vận chuyển nhờ các hãng xe đò.
Chủ đề câu chuyện của chúng tôi với chủ quán chuyển sang chuyện chặt chém du khách ở Đà Lạt. Thực ra, bán quá giá đối với du khách không phải là hiếm khắp nơi trên thế giới. Việt Nam cũng vậy thôi. Nhưng liệu Đà Lạt có thể xây thương hiệu bền vững cho mình bằng cách làm khác đi được không? Hay nói khác đi, liệu người Đà Lạt có thể giữ hồn cho Đà Lạt qua những việc “đơn giản” như nói không với “chặt chém” du khách để họ trở lại lần sau? Tôi tin rằng câu trả lời của cô chủ quán cà phê là “Được!” vì hũ sữa chua chất lượng nhất đối với tôi từ trước đến nay giá tại quán chỉ có tám ngàn đồng!
Theo tôi, không nên lập luận rằng dẫu có chặt chém đi nữa, du khách vẫn trở lại Dà Lạt cơ mà. Điều này chỉ đúng một phần, vì nếu cứ mãi bị chặt chém, du khách sẽ bỏ thành phố này ngay sau khi họ tìm được một điểm đến khác tốt hơn. Đó sẽ là hậu quả của sự phát triển không bền vững.
Xin kể chuyện mua dâu ở Đà Lạt của nhóm chúng tôi. Một bên mua dâu ở trang trại ngoại ô, bên kia mua dâu ở chợ Đà Lạt. Giá dâu trang trại cao gấp ba lần giá dâu chợ. Nhưng xin đừng hiểu lầm, hình như không có chặt chém vì chất lượng khác nhau. Nếu giá gấp ba mà chất lượng đỉnh thì cũng không sao. Nhiều du khách sẵn sàng chấp nhận miễn là chất lượng thật sự tốt hơn. Người Đà Lạt chắc cũng biết rõ chuyện này.
Nhóm bọn tôi thật may mắn vì nhờ nhóm trưởng “ngoại giao rộng” mà chúng tôi có dịp ngắm Hồ Tuyền Lâm đẹp như mơ từ sân sau của Thiền Viện Trúc Lâm. Thêm một lần nữa, bọn tôi gồm mười mấy người không ai sinh ra ở Đà Lạt được dịp trả lời câu hỏi vì sao ai cũng yêu Đà Lạt và ai cũng muốn giữ hồn cho Đà Lạt.
Tiếng Việt không có từ nào tương đương với “hometown” trong tiếng Anh, nên tạm dùng cụm từ “thành phố quê hương” để diễn đạt từ này. Bọn tôi từ xa đến đều cẩn thận dọn dẹp sạch từng cọng rác nơi mình vừa đi qua như một cách giữ gìn Đà Lạt. Với những người có Đà Lạt là “hometown”, theo tôi, họ chính là những người đầu tiên và hiệu quả nhất có thể giữ hồn cho Đà Lạt!