(KTSG Online) - Hôm thứ Tư tuần trước, ngày 12-4, một bài đăng trên website CNN cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa đưa ra cảnh báo về việc sử dụng cổng sạc điện thoại di động (ĐTDĐ) tại các địa điểm công cộng. Cảnh báo này nhằm tránh tình trạng dữ liệu của người dùng lọt vào tay hacker (người xâm nhập mạng trái phép) thông qua các phần mềm độc hại.
CNN dẫn nguồn chi nhánh FBI tại thành phố Denver, bang Colorado, nói rằng kẻ xấu có thể sử dụng các cổng sạc pin USB để tung mã độc theo dõi phần mềm trên ĐTDĐ, một thông báo của FBI tại Denver đăng trên mạng xã hội Tweeter cho biết.
“Hãy dùng thiết bị sạc pin, dây sạc của chính mình và chọn một ổ cắm điện thông thường thay vì [cổng sạc USB công cộng]”, thông báo nói trên viết. Tuy nhiên, FBI không đưa ra giải thích chi tiết.
Nhiều người có thói quen sử dụng cổng sạc USB không tốn tiền cho ĐTDĐ tại các trung tâm thương mại, phi trường, cửa hàng và khách sạn.
Tuy nhiên, dù các cổng sạc công cộng như vậy được người sử dụng rất ưa thích mỗi khi ĐTDĐ của họ gần hết pin, các chuyên gia đã từ lâu nêu lên quan ngại của họ về vấn đề này. Hơn 10 năm trước, họ đã tạo ra thuật ngữ “juice jacking” (tấn công qua cổng sạc, thường gặp với USB) để chỉ nguy cơ đó.
“Chỉ cần cắm ĐTDĐ của mình vào một nguồn điện hay ổ cắm sạc có nguy cơ, điện thoại của bạn có thể ngay lập tức nhiễm mã độc và các dữ liệu của bạn có thể gặp nguy hiểm”, CNN dẫn lời một chuyên gia thuộc lĩnh vực này trong một bài viết cách đây sáu năm.
Chính sợi cáp nối thiết bị di động với nguồn điện cũng được dùng để gửi dữ liệu từ ĐTDĐ đến các thiết bị khác. Vì thế, qua một cổng sạc bị nhiễm mã độc, hacker có thể truy cập dữ liệu chứa trong ĐTDĐ - bao gồm cả thư điện tử, các thông báo, hình ảnh và các địa chỉ liên lạc trong đó.
Theo CNN, chi nhánh FBI tại Denver cho biết FBI cùng với các cơ quan cộng sự của họ thường xuyên phát đi lời nhắc nhở và thông báo như vậy đến công chúng Mỹ, dặc biệt là những người đang trên các chuyến đi.
Bộ phận truyền thông của cơ quan này đã cập nhật thông báo một ngày trước đó, cảnh báo rằng cổng sạc ĐTDĐ bị nhiễm mã độc có thể giúp kẻ xấu khóa ĐTDĐ, trích xuất dữ liệu cá nhân hoặc các mật mã.
“Trong một số trường hợp, bọn tội phạm cố tình để lại dây cắm [có mã độc] tại cổng sạc pin”, thông báo viết. “Chúng tôi cũng đã ghi nhận báo cáo về vấn đề các sợi dây cắm được phân phát như quà tặng khuyến mãi”.
Chỉ một ngày sau thông báo của FBI nói ở đầu bài, Radio New Zealand (Đài Tiếng nói New Zealand) đăng bài cho biết một chuyên gia trong lĩnh vực này tỏ ra ngạc nhiên vì còn rất nhiều người ở quốc gia này vẫn chưa hề ý thức được nguy hiểm tiềm tàng khi họ cắm dây sạc điện thoại vào các cổng sạc pin tại nơi công cộng.
Theo nguồn tin của Radio New Zealand, các chuyên gia nước này đồng tình với cảnh báo từ phía Mỹ. Họ cho rằng người sử dụng không nên cắm trực tiếp ĐTDĐ hay máy tính xách tay vào cổng sạc USB công cộng.
“Tốt hơn là nên dùng thiết bị sạc pin của chính mình. Có thể cắm chúng vào ổ điện trên tường để sạc cho thiết bị”, chuyên gia khuyên người dùng.
Các ổ sạc pin USB thường có tại phi trường và ở từng phòng tại một số khách sạn. Ngay cả một số xe buýt công cộng cũng có ổ cắm loại này. Tương tự, chúng cũng xuất hiện trên phi cơ. Thế nhưng, tốt hơn hết là không nên dùng chúng, vị chuyên gia nói tiếp.
Theo một chuyên gia khác, ông rất ngạc nhiên khi biết rằng dù nguy hiểm gây ra từ ổ sạc USB công cộng là một kiến thức phổ thông, khi trao đổi với bạn bè và người thân trong gia đình, ông thấy rằng nhiều người trong số họ không nhận ra được mối nguy đó.
Vị chuyên gia này cho rằng cảnh báo mới nhất của FBI có thể phản ảnh các cuộc tấn công mạng liên quan đến cổng sạc pin ĐTDĐ đang gia tăng tại Mỹ.
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến thiết bị sạc pin ĐTDĐ, một bài báo đăng trên tờ Forbes cách đây bốn năm từng cảnh báo người dùng không nên mượn thiết bị sạc pin ĐTDĐ từ người khác.
Bài báo cho biết đây là thói quen rất phổ biến khi người ta làm lạc mất hay quên cục sạc ở nhà. Tuy nhiên, thói quen này có khi dẫn đến hậu quả tai hại: dữ liệu cá nhân bị đánh cắp.
Một chuyên gia trong bài báo của tờ Forbes còn diễn đạt hài hước như sau: “Có những thứ trong đời mà chúng ta không nên đi mượn. Chẳng hạn, nếu đang đi du lịch mà bạn nhớ ra mình quên mang đồ lót, bạn đâu có hỏi người cùng đoàn để mượn đỡ những thứ đó. Điều bạn sẽ làm là ghé một cửa hàng mua mà dùng”.
Chuyên gia này cho rằng nên cẩn thận hơn với những gì chúng ta cắm vào các thiết bị điện tử của mình. Đó chẳng qua chỉ là vấn đề giữ “vệ sinh về kỹ thuật” (tech hygiene) mà thôi, chuyên gia này nói.
---------------
(Nguồn: cnn.com; msn.com; forbes.com)