Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giữa thiên nhiên khắc nghiệt

Đoàn Tuấn Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Jody và Chú nai con là tác phẩm nổi tiếng của nữ văn sĩ người Mỹ Marjorie Kinan Rawlings. Khi ra mắt vào năm 1938, nó ngay lập tức trở thành hiện tượng và nhanh chóng được trao giải Pulitzer chỉ một năm sau đó. Bằng cách viết gần gũi và câu chuyện thu hút, cuốn sách đã cho thấy vẻ đẹp tự nhiên, sức sống quật cường và tình người đẹp đẽ.

Tác phẩm Jody và Chú nai con xoay quanh gia đình Baxter sống “một mình một cõi” trong vùng đất trũng của rừng Florida hoang vu. Tại đây, cha Penny, mẹ Ory, cậu bé Jody và chú nai con Flag đã cùng nhau trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn để sống cuộc đời tự cung tự cấp. Hàng xóm của họ chỉ có gia đình Forrester kề bên có cùng cách sinh nhai nhưng tính khí thô lỗ, cọc cằn nên họ không mấy thân thiết với nhau. Sống tự do giữa vùng đất ấy, họ phải trải qua muôn vàn khó khăn, từ đối đầu với thú hoang dã cho đến thời tiết khắc nghiệt. Nhưng với sự kiên trì không bỏ cuộc, những nông dân Mỹ vào cuối thập niên 1930 này vẫn kiên gan bám trụ và sống yên bình ở vùng đất ấy.

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến những nhà văn miền Nam nước Mỹ, người ta vẫn hay nhớ đến những cây bút đoạt giải Nobel Văn chương, như John Steinbeck hay Williams Faulkner chứ ít người biết đến Marjorie Kinnan Rawlings, vì phụ nữ vốn bị xem nhẹ dù họ rất nổi trội. Jody và Chú nai con cũng ra đời trong bối cảnh tương tự khi Marjorie Kinnan nhận thấy công việc báo chí không thể phát triển do định kiến giới. Bà cùng chồng đã mua lại một vườn cam bạt ngàn ở Florida, từ đó vừa chăm sóc chúng và vừa viết lách. Chính tại nơi đây, bà đã gặp được những người nông dân như nhà Baxter, từ đó quan sát và rồi mang họ vào trong trang viết.

Một nghiên cứu thực địa về thiên nhiên và môi trường

Có thể bởi sống giữa thiên nhiên nguyên sơ và mới mẻ, mà những trang viết của nữ tác giả cũng đầy thơ mộng và đẹp đẽ. Nó đến từ việc miêu tả những loài cây bản địa tỏa hương khoe sắc mỗi độ xuân - hè, cũng như cuộc sống êm đềm của gia đình ấy với những tiếng ngựa hý ngoài cổng, bê bò lép nhép, đàn gà loẹt quẹt, bầy chó sủa trăng... Ngoài điều đó ra, ta còn nhìn thấy được sự đa dạng với thú rừng và những cuộc đi săn kỳ thú, chạm mặt từ gấu mèo, chó sói, gấu, cá sấu…

Chính những miêu tả nói trên khiến cuốn tiểu thuyết vừa có màu sắc nhẹ nhàng, êm đềm, nhưng cũng đồng thời có thể coi đây là một nghiên cứu thực địa về thiên nhiên và môi trường của Florida vẫn còn hoang dã vào thập niên 1930-1940, khi xu hướng nghiên cứu nhân học về các vùng đảo và lãnh thổ xa xôi sau Đệ nhất thế chiến bỗng dưng bùng nổ, kéo theo sự quan tâm của nhiều cây bút nổi tiếng.

Sống trong bức tranh đa dạng ấy, nữ tác giả cũng cho ta thấy hai trạng thái đặc biệt của con người khi đứng trước tự nhiên, đó là tôn trọng cũng như bất tuân. Hai hướng này được khai thác thông qua hai mô típ nhân vật là nhà Baxter và Forrester. Trong khi cha con Penny, Jody quý trọng tự nhiên, họ không tấn công khi các con vật đang ở trạng thái vô hại như khi đang ăn hoặc giao phối, họ cũng thả đi những con cá nhỏ hoặc những con cái mang thai để quần thể sinh vật có thể cùng nhau phát triển một cách đa dạng… thì nhà Forrester lại có thái độ khác hẳn. Họ coi mình là sinh vật cao nhất trong chuỗi thức ăn, từ đó bắn giết kiểu vô tội vạ...

Giới hạn của sự tôn trọng

Sự tôn trọng cũng có giới hạn. Rawlings đã không “hồng hóa” việc sống giữa thiên nhiên là yên bình, nhẹ nhõm, mà phơi bày hết khó khăn và sự khắc nghiệt. Điều đó thể hiện ở trận chiến không cân sức giữa hai cá thể có phần tương đồng từ cả “tuổi tác đến kỹ năng” là Lão Thọt - biệt danh của con gấu bị mất một móng thông minh chuyên trộm gia súc để không bị bắt - và ông Penny - người bị thiệt hại và muốn tiêu diệt nó. Tuy coi trọng thiên nhiên, thấu hiểu loài nào cũng phải sinh tồn dẫn đến trộm cắp gia súc phần nào thuộc về bản năng, nhưng vì bị đẩy vào bước đường cùng hoặc cả nhà chết đói hoặc là con thú sẽ phải dừng lại mà ông Penny đã quyết lên đường để săn lùng nó.

“Cuộc chiến” này gợi cho ta nhớ đến tuyệt tác Moby Dick của Herman Melville, khi nhân vật thuyền trưởng Ahab vì để trả thù con cá voi lớn đã dong thuyền ra biển, quyết chiến với nó trong nhiều năm ròng. Ta cũng nhìn thấy một điều tương đồng ở Ông già và biển cả của Hemingway, mà thú vị thay, ông cũng là một nhà văn thường xuyên trò chuyện qua thư với Rawlings. Nhưng nếu Ahab có mối thù uất hận khi “kẻ thù” ấy cắn cụt chân ông thì “ông già” của Hemingway mãi chìm trong suy ngẫm riêng, còn ông Penny chọn đây là trận chiến sinh tồn, do đó nó hợp lý, bình đẳng và đầy vẻ đẹp giữa hai cá thể trong tự nhiên. Điều này còn được tiếp nối với sự kính trọng sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ từ ông Penny: “Vậy đấy, bạn già, mày đúng là một kẻ địch tàn bạo khốn kiếp, nhưng tao vẫn sẽ nể trọng mày”.

Bức chân dung chân thật về tự nhiên

Không chỉ kình chống riêng với Lão Thọt, nhà Baxter cũng thường gặp nhiều khó khăn “vì thời tiết khó lường, vì trên cuộc đời này ông trời không cho một ai thuận lợi tất cả”. Rawlings có thể nói đã dành một thời gian rất dài để quan sát những người sống xung quanh mình, từ đó họa nên bức chân dung chân thật và đầy chi tiết. Đó là những trận mưa trút nước gây ra lũ lụt phá hoại mùa màng, là rắn đuôi chuông cắn suýt mất mạng, là gấu tinh ranh rất khó tiêu diệt hay bầy sói săn đi theo thành đàn…

Chính những khó khăn thách thức sức người này, ta nhìn thấy sức mạnh nội tại của từng cá thể, khi dẫu trong tình cảnh nào, họ vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ và không lùi bước. Bởi cũng như Phía Đông vườn địa đàng của John Steinbeck, Phúc lành của đất từ Knut Hamsun hay Đất lành của Pearl S.Buck, họ có niềm tin vào sự thiện lương để biết điều gì cũng có thể thay đổi, chỉ cần ta sống ngay thẳng và không dối gian.

Ta thấy điều đó ở ông Penny - một người tuy nhỏ con nhưng lại nhận lãnh trách nhiệm lo lắng cho gia đình mình bằng những chuyến săn hươu, săn gấu… kéo dài nhiều ngày. Ông cũng cày sâu cuốc bẵm trồng bắp, trồng rau, ngoài ra còn cả gánh nước đường xa vì không đào được giếng nước, trong khi luôn phải canh chừng bầy đàn gia súc cho thịt và sữa... Ngoài ra, sống giữa vùng đất không có một ai, sự cảm thông, che chở cũng được khắc họa nổi bật trong cuốn tiểu thuyết.

Điều đó thể hiện mạnh mẽ ở chi tiết dù nhà Forrester ngang tàng, không coi người khác ra gì nhưng khi nhìn thấy ông Penny bị rắn đuôi chuông cắn và nằm liệt giường, họ đã tự mình giúp đỡ nhà Baxter những công việc nặng để họ sống được qua cơn bĩ cực. Có thể thấy trong thời điểm ngặt nghèo, nhân tính vẫn còn nguyên đấy và là giá trị đáng được tôn vinh.

Từ chính những khó khăn đó, tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm của người đàn ông ở tuổi trưởng thành, bài học giúp đỡ và sống thiện lương… đã được trao truyền cho cậu bé Jody như một thông điệp của nữ tác giả hướng đến thế hệ sau này. Và để sở hữu được nó thì cậu cũng phải đưa ra không ít quyết định đau đớn và không dễ dàng như bất cứ ai trong cuộc đời này. Có thể nói qua cuốn sách này, những gì đẹp nhất và ý nghĩa nhất đã được trao gửi, và là lý do để sau gần một thế kỷ thì Jody và Chú nai con vẫn còn nguyên vẹn giá trị của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới