(KTSG) - Luật Doanh nghiệp 2014 và sau đó là Luật Doanh nghiệp 2020 đã “cởi trói”, cho phép công ty cổ phần được điều chỉnh giảm vốn điều lệ. Tuy vậy, việc áp dụng các quy định mới trên thực tế vẫn vấp phải không ít bất cập và khó khăn.
- Vì sao doanh nghiệp không ngần ngại khai khống vốn điều lệ?
- Phương án tăng vốn điều lệ bằng nguồn ngân sách nhà nước của Agribank không khả thi
Giảm vốn điều lệ và quyền tự do kinh doanh
Luật Doanh nghiệp 2005 và các quy định trở về trước hầu như không tồn tại quy định cho phép các công ty cổ phần (CTCP) thực hiện việc giảm vốn điều lệ. Do đó, trong giai đoạn này, với các CTCP, vốn điều lệ chỉ có thể điều chỉnh tăng chứ không thể giảm. Tư duy này đã dẫn đến hệ lụy là làm cho vốn điều lệ có xu hướng ngày càng xa rời thực tế quy mô vốn của doanh nghiệp và xuất hiện tình trạng vốn ảo, vốn thật.
Thậm chí, công ty muốn điều chỉnh vốn ảo về thật cũng không thể làm được. Hay trong quá trình hoạt động, công ty cũng không có cách nào điều chỉnh giảm vốn điều lệ để phù hợp với sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, nguồn lực doanh nghiệp hay quy mô thị trường. Đây được xem là một ách tắc đối với quyền tự do kinh doanh khi mà doanh nghiệp không thể chủ động trong việc điều chỉnh quy mô vốn của chính mình cho phù hợp với mức vốn thực tế và chiến lược kinh doanh.
Ách tắc này được giải tỏa sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời và có hiệu lực, theo đó quy định về quyền được điều chỉnh giảm vốn điều lệ của CTCP đã được các nhà làm luật ghi nhận trong một số trường hợp. Quy định này tiếp tục được kế thừa và hoàn thiện tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Khi áp dụng quy định này trên thực tế, chúng tôi nhận thấy một số sở kế hoạch và đầu tư địa phương lại có một cách hiểu khác. Các cơ quan này có quan điểm cho rằng CTCP muốn mua lại cổ phần thì phải và chỉ được thực hiện theo phương thức mua lại cổ phần tương ứng với tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu.
Theo quy định tại điều 112.5 của Luật Doanh nghiệp 2020, CTCP có quyền giảm vốn điều lệ trong bốn trường hợp sau đây:
(i) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đó đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn hai năm kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp;
(ii) Mua lại cổ phần đã phát hành theo yêu cầu của cổ đông (khi cổ đông không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ cổ đông);
(iii) Mua lại cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức theo quyết định của chính công ty đó; và
(iv) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Việc giảm vốn trong trường hợp (i), (ii), (iii) này chỉ được thực hiện khi CTCP vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Việc Luật Doanh nghiệp cho phép cơ chế giảm vốn điều lệ như trên được đánh giá là tiến bộ, vì không những đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư và doanh nghiệp mà còn đảm bảo được quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, việc áp dụng các quy định này trên thực tế vấp phải không ít bất cập và khó khăn.
Một quy định - hai cách hiểu
Theo điều 133 của Luật Doanh nghiệp 2020, CTCP có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quyết định của hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
Trong đó, tại khoản 3 của điều này có gợi mở một phương thức mua lại cổ phần mà CTCP “có thể” thực hiện là mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty. Với phương thức này, CTCP phải thực hiện các thủ tục chặt chẽ như gửi thư thông báo bằng phương thức bảo đảm cho cổ đông, quy định rõ các nội dung về tổng số cổ phần, loại cổ phần mua lại, giá mua lại, thủ tục, thời hạn thanh toán, văn bản đồng ý bán của cổ đông.
Bên cạnh đó, khoản 2 điều này cũng có quy định về giá mua lại cổ phần, trong đó có quy định “Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này”.
Với cách quy định hiện hành, chúng tôi hiểu rằng, CTCP có thể mua lại cổ phần theo nhiều phương thức khác nhau và phương thức mua lại cổ phần theo tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu chỉ là một trong những phương thức được nhà làm luật hướng dẫn cách làm.
Tuy vậy, khi áp dụng quy định này trên thực tế, chúng tôi nhận thấy một số sở kế hoạch và đầu tư địa phương lại có một cách hiểu khác. Các cơ quan này có quan điểm cho rằng CTCP muốn mua lại cổ phần thì phải và chỉ được thực hiện theo phương thức mua lại cổ phần tương ứng với tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu.
Đồng nghĩa, việc mua lại và giảm vốn điều lệ của CTCP chỉ được chấp thuận nếu công ty mua lại toàn bộ cổ phần trên cơ sở theo tỷ lệ để sau khi thực hiện việc mua lại này, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông vẫn không thay đổi. Tức là không chấp nhận việc CTCP chỉ mua lại cổ phần từ một hoặc một nhóm cổ đông hay một phương thức khác.
Qua trao đổi, chúng tôi hiểu các cơ quan đăng ký kinh doanh cho rằng việc này nhằm tránh các cổ đông lớn hay cổ đông nắm giữ chức vụ người quản lý công ty lợi dụng quyền này để rút vốn và trốn chạy khỏi công ty sau một thời gian vận hành, hoạt động và tạo nên sự bất bình đẳng với các cổ đông thiểu số.
Về một phương diện nào đó, chúng tôi chia sẻ với “nỗi lo” của một số cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cách giải thích và áp dụng pháp luật như trình bày ở trên là không tương thích với nội dung của quy định pháp luật hiện hành. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ban hành công văn hướng dẫn các cơ quan đăng ký doanh nghiệp áp dụng đúng và thống nhất pháp luật.
Ở một góc độ khác, quy định hiện hành không thật sự chặt chẽ và tồn tại kẻ hở có thể biến “nỗi lo” của cơ quan đăng ký kinh doanh thành hiện thực. Do đó, quy định này cần được sửa đổi theo hướng:
(i) Chỉ nên giao thẩm quyền quyết định việc mua lại cổ phần cho Đại hội đồng cổ đông để tránh việc lạm quyền của hội đồng quản trị; (ii) Ngoại trừ trường hợp mua lại cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu hoặc được Đại hội đồng cổ đông thông qua, công ty không được mua lại cổ phần của các đối tượng là người quản lý, người liên quan của người quản lý hay cổ đông lớn của công ty.
Mua lại cổ phần ưu đãi hoàn lại - giảm hay không giảm?
Bên cạnh cổ phần phổ thông, CTCP có thể có các loại cổ phần ưu đãi như cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi biểu quyết hoặc các loại cổ phần ưu đãi khác. Một trong những “đặc quyền” gắn với cổ phần ưu đãi hoàn lại là theo yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần loại này CTCP sẽ hoàn lại phần vốn góp theo yêu cầu của cổ đông đó hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và điều lệ công ty.
Vấn đề đặt ra là sau khi công ty hoàn lại phần vốn góp cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại, số cổ phần này sẽ được xử lý như thế nào. Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định cho phép CTCP được giữ lại làm “cổ phiếu quỹ” sau khi hoàn lại. Như vậy, liệu rằng công ty có thể thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ để ghi nhận số vốn điều lệ mới (vốn điều lệ hiện tại trừ đi tổng mệnh giá của số cổ phần ưu đãi hoàn lại được yêu cầu công ty mua lại) hay không?
Căn cứ vào các trường hợp giảm vốn điều lệ của CTCP tại điều 112.5 như được trích dẫn bên trên, bốn trường hợp giảm vốn điều lệ của CTCP hoàn toàn không có trường hợp công ty thực hiện giảm vốn sau khi hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Trong khi đó, trên thực tế đã có nhiều trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại yêu cầu công ty mua lại, nhưng sau đó công ty đã bị từ chối thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ tại cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương vì lý do luật không quy định.
Từ quy định thiếu sót này của Luật Doanh nghiệp 2020, nên chăng đề xuất thêm trường hợp giảm vốn điều lệ của CTCP sau khi thực hiện việc hoàn lại vốn cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại hoặc có cơ chế khác để xử lý phần vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần đã được hoàn lại. Vấn đề này nên được các chuyên gia và nhà làm luật xem xét và cân nhắc để có thể hoàn thiện quy định pháp luật về doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG- TPHCM
(**) Luật sư, Đoàn Luật sư TPHCM
hay