Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gỡ nốt những rào cản cho du lịch quốc tế

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Lượng khách quốc tế đang tăng đều mỗi tháng kể từ khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ giữa tháng 3 rồi. Tuy nhiên, giới kinh doanh du lịch cho rằng cần phải gỡ những nút thắt về thị thực, tiếp thị điểm đến và giá cả thì mới có thể giúp mùa làm ăn cuối năm nhộn nhịp hơn.

Khách quốc tế tại TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Một tháng trước, sau hơn hai năm “trùm mền”, mấy chiếc xe Jeep chở khách quốc tế tham quan TPHCM của doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Công ty Transtravel, đã được lăn bánh trở lại. Với mảng tour cho du khách người Pháp đến Việt Nam, công ty này cũng đã đón khoảng chục đoàn và bắt đầu có khách đặt tour cho mùa du lịch vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Thị trường đang dần chuyển động, đặc biệt là từ khi Việt Nam gỡ bỏ yêu cầu hành khách phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh – rào cản kiểm dịch cuối cùng vào giữa tháng 5 vừa qua.

Sự lạc quan đang trở lại

Một doanh nhân khác, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, cho biết đã bận rộn trở lại vì phải làm việc liên tục với đối tác nước ngoài để chuẩn bị cho các kế hoạch đưa du khách đến Việt Nam trong mùa tới. Với mảng hàng không, IndiGo – hãng hàng không Ấn Độ, nơi công ty làm tổng đại lý – đã chở khách đến Hà Nội và TPHCM với tần suất 5 chuyến mỗi tuần.

“Hiện giờ khách vẫn chưa quá đông. Tuần qua, hệ số chỗ chỉ đạt 55% nhưng việc máy bay có thể cất cánh, sân bay đã đông hơn mang đến hứa hẹn là du lịch sẽ sôi động trở lại”, ông nói.

Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nhận định, các quy định về khai báo y tế, xét nghiệm trước khi nhập cảnh vào Việt Nam được dỡ bỏ đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch thu hút khách quốc tế. Trong thời gian qua, không những lượng khách đến gia tăng khả quan mà lượng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam cũng tăng vọt, mang lại hy vọng cho kế hoạch từng bước phục hồi mảng du lịch quốc tế.

Cơ quan này dẫn thông tin từ Google cho thấy, Việt Nam nằm trong tốp các điểm đến có mức tăng cao nhất về lượng tìm kiếm hàng không và lưu trú du lịch. Đặc biệt, vào đầu tháng 4 vừa qua, lượng tìm kiếm tăng đến 320% so với cùng kỳ năm ngoái và đến cuối tháng đó lại cao hơn, tăng 580% so với cùng kỳ.

Những thị trường tìm kiếm về Việt Nam nhiều nhất là Mỹ, Úc, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Đức… Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là TPHCM, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Phan Thiết.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đã có 172.900 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 vừa qua, gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung năm tháng đầu năm nay, lượng khách đến đạt 365.300 lượt, tuy vẫn giảm đến 95% so với cùng kỳ năm 2019, lúc chưa xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng tín hiệu vui là lượng khách đến đã tăng cao đều đặn kể từ khi mở cửa. Cụ thể, trong tháng 3-2022, chỉ có 41.700 lượt khách đến nhưng tháng sau đó là 101.400 lượt và đến tháng vừa qua đã lên đến 172.900.

Gỡ những rào cản cuối

Đánh giá về kết quả hồi phục của mảng du lịch quốc tế sau hơn hai tháng rưỡi mở cửa, nhiều doanh nhân cho rằng, chưa thể đánh giá hoàn chỉnh do đang là mùa vắng khách của phần lớn thị trường. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện tại cùng với phản hồi của đối tác và lượng đặt chỗ ban đầu cho mùa đông khách tới thì có thể nhận định rằng, tuy thị trường đang ấm dần lên sau hơn hai năm “đóng băng” vì đại dịch nhưng tốc độ phục hồi vẫn chậm.

“Vẫn chưa có nhiều người đi du lịch. Hiện tại, số lượng đặt chỗ cho mùa cuối năm nay và đầu năm sau chưa bằng 20% so với hồi trước dịch”, ông Hà của Transtravel nói.

Doanh nhân này và nhiều người khác cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm cho mảng du lịch quốc tế phục hồi chậm. Trong đó, trừ những yếu tố khách quan như ảnh hưởng của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine và việc các thị trường lớn của Việt Nam như Trung Quốc chưa mở cửa thì có ba rào cản lớn được ghi nhận là thị thực, giá cả cao và tiếp thị điểm đến chưa hiệu quả.

Ông Phạm Hà, CEO của Lux Group, cho biết đã có những khách phải hủy tour vì không lấy được thị thực vào Việt Nam. Với thị thực điện tử, tuy quy định là bốn ngày làm việc nhưng khách thường phải chờ lâu hơn. Thêm vào đó, giao diện của trang web làm thủ tục này chưa thân thiện với người dùng điện thoại và chỉ dùng tiếng Anh nên người nói các ngôn ngữ khác khó sử dụng.

Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng có những đánh giá tương tự, cho rằng chính sách thị thực hiện tại chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Với thị thực điện tử, du khách không nhận được xác nhận ngày trả lời kết quả của hồ sơ, có nhiều trường hợp khách hàng không được hoàn trả phí cấp thị thực điện tử vì hồ sơ bị từ chối mà không được hệ thống thông báo lý do.

Với thị thực cấp tại cửa khẩu (visa-on-arrival), các công ty du lịch vẫn phải hỗ trợ khách làm thủ tục duyệt nhân sự qua thư “chấp thuận visa” trước khi khách khởi hành đến Việt Nam. Thủ tục xin duyệt nhân sự rất mất thời gian và càng khó khăn hơn sau dịch Covid-19.

Theo TAB, chính sách thị thực cởi mở là điều quan trọng hàng đầu mà doanh nghiệp du lịch mong đợi. Vì vậy, cùng với việc tháo gỡ những vấn đề vừa nêu, Chính phủ nên miễn thị thực cho những thị trường lớn, tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan và tăng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày cho các thị trường xa như như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu để du khách có thể đi du lịch dài ngày hơn.

Về giá cả, nhiều ý kiến cho rằng giá tour đến Việt Nam, đặc biệt là tour cho khách đến từ các thị trường xa hiện chưa hấp dẫn, nếu không muốn nói là đắt hơn so với hồi trước dịch. Lý do chính đến từ giá vé máy bay cao. “Số lượng chuyến bay chưa nhiều còn vé thì lại đắt hơn. Hiện vé của một số đường bay giữa Việt Nam – châu Âu đắt hơn từ 30% so với trước dịch”, ông Hà của Lux Group nói.

Ông Hà của Transtravel cung cấp thêm thông tin chi tiết, với đường bay Việt Nam – Pháp, hồi trước dịch công ty lữ hành mua khoảng 450 euro/vé khứ hồi thì nay giá từ 700-800 euro. Giá khách sạn cũng cao hơn ít nhất là từ 15%. “Giá cao khiến nhiều khách phương Tây chọn đi du lịch nội địa hoặc đến các điểm đến gần thay vì du lịch Việt Nam”, ông nói.

Một số doanh nhân gợi ý, nhà nước nên chung tay cùng doanh nghiệp để gỡ nút thắt về giá. Thậm chí, với những thị trường trọng điểm, nhà nước có thể chia sẻ chi phí để doanh nghiệp có thể “bay” đều đặn nhằm mang du khách đến như cách mà Dubai đã thực hiện hoặc hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp quảng cáo như việc Hàn Quốc đang làm với thị trường Việt Nam.

Truyền thông và tiếp thị du lịch ra thị trường quốc tế cũng được nhiều doanh nhân và TAB cho là mờ nhạt. Với quảng cáo qua mạng, trang web vietnam.travel của du lịch Việt Nam chỉ có hơn 287.000 lượt xem.

Trong khi đó, số lượng người xem trang web tương tự của một số nước như Thái Lan và Singapore đều cao hơn gấp đôi. Số lượng người theo dõi mạng xã hội của vietnam.travel là hơn 1 triệu người còn Thái Lan nhiều hơn gần gấp ba lần, Singapore gấp năm lần. Số liệu này được ghi nhận vào tháng 3 rồi và không có biến động quá lớn trong những tháng gần đây.

Vì vậy, cơ quan quản lý du lịch cần tổ chức các chiến dịch truyền thông quốc tế, tăng cường hoạt động tiếp thị qua trang web Vietnam.travel và các mạng xã hội cũng như có nhóm chuyên nghiệp để trả lời và tương tác với khách quốc tế qua các kênh. Với tiếp thị trực tiếp, TAB đề xuất mở lại các văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài, kết hợp với các hãng hàng không thực hiện những chương trình tiếp thị chung…

Có làm nhiều việc như thế thì cơ quan quản lý mới có thể cùng doanh nghiệp mở rộng con đường quay trở lại thị trường thế giới và giúp cho mảng du lịch quốc tế có mùa làm ăn cuối năm thuận lợi hơn sau thời gian khốn khó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới