Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gỡ ‘nút thắt’ cho phát triển năng lượng tái tạo

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hạn chế tối đa các rủi ro cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cấp mạng lưới truyền tải điện để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư là những nhiệm vụ mà các nhà quản lý lĩnh vực năng lượng tái tạo cần ưu tiên hiện nay.

Thị trường năng lượng tái tạo (NLTT) hiện đang ở trạng thái “ngủ đông” chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Theo đó, có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Nhưng do không kịp vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 nên gần một năm qua vẫn đang chờ giá bán điện mới.

Một góc tổ hợp điện gió tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh hoạ: H.Thắng

Các dự án điện mặt trời còn có 452,6 2MW công suất lắp đặt cũng đang chờ xác định giá bán điện mới.

Với điện mặt trời mái nhà, gần 2 năm qua trôi qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Những “điểm nghẽn” lớn

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đến thời điểm hiện tại các chính sách liên quan như Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai chiến lược cũng như các bước tiếp theo.

Nói cụ thể hơn về những khó khăn, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chỉ ra 3 nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, các cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập. Cụ thể, với dự án điện sinh khối, các dự án đồng phát chỉ hoạt động trong vụ mùa ép mía (4-5 tháng), thời gian còn lại trong năm (7-8 tháng) ngừng hoạt động.

Các dự án điện đồng phát có thể điều chỉnh kỹ thuật để tiếp tục hoạt động như nhà máy điện sinh khối sử dụng nguyên liệu khác như gỗ vụn, vỏ cây, phụ phẩm nông nghiệp… để phát điện. Song nếu giá điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế do phải tăng thêm chi phí mua nhiên liệu sinh khối.

Với các dự án điện gió và điện mặt trời hiện cơ chế hỗ trợ hết hiệu lực từ ngày 1-11-2021, chưa có chuyển tiếp nên 62 dự án/phần dự án điện gió đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào vận hành do chưa có cơ chế giá.

Các dự án NLTT còn gặp khó khăn từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các dự án NLTT có thể kết hợp sản xuất điện với sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn phải thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến kéo dài thực hiện, chưa tạo được sự đồng thuận của người nông dân.

Thứ hai, những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án NLTT với lưới điện truyền tải. Các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện…

Thứ ba, khó khăn về tài chính. Các dự án NLTT có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khó hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.

Còn ông Nguyễn Hoài Bắc, Giám đốc công ty cổ phần điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam, cho biết tổng công suất lắp đặt nguồn điện NLTT đạt 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện tính tới cuối năm 2021. Nhưng vẫn còn một số dự án năng lượng tái tạo chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Thậm chí các nhà đầu tư bỏ vốn vào các dự án năng lượng tái tạo nhưng chưa khai thác vẫn đang phải chịu lãi suất ngân hàng hoặc chưa thể thu hồi vốn.

Ngày 20-12-2022, Bộ Công Thương đã có báo cáo trình Chính phủ, trong đó có đưa ra giải pháp: cho phép thí điểm cho 1000 MW được bán điện trực tiếp.

Giải pháp này, theo ông Bắc, là giải pháp tốt và theo thông lệ của thế giới, nhưng hiện mới dừng ở đề xuất.

Ngoài ra, hệ thống lưới điện hiện đang quá tải ở một số khu vực nên có dự án NLTT không thể đấu nối được vào đường truyền, trong khi yếu tố mấu chốt để phát triển năng lượng tái tạo là trạm điện và đường truyền tải.

Chung tay tháo gỡ những nút thắt

Để thị trường NLTT Việt Nam thực sự phát triển, ông Nguyễn Văn Vy cho rằng cần sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm cơ sở triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo mới, thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng tái tạo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bắc cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII, xem xét việc xác định giá điện cơ sở để đảm bảo khả thi và phù hợp với thực tế… nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án năng lượng tái tạo để hướng đến mục tiêu năm 2050 có năng lượng xanh, sạch để sử dụng.

Trước đó, tại dự thảo Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050), Bộ Công Thương đã đề xuất các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trong đó có các chính sách đẩy mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời với giá thành hợp lý, gắn với an toàn vận hành; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo quy mô nhỏ, phát triển điện đồng phát, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác thải rắn, từ các phụ phẩm nông nghiệp và các nguồn năng lượng thân thiện môi trường.

Liên quan tới Quy hoạch điện VIII, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết cơ quan này đang nỗ lực rà soát, hoàn thiện quy hoạch với những ưu tiên chính về phát triển nguồn NLTT và năng lượng sạch.

Bộ Công Thương cũng nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển NLTT, qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Cũng theo ông Hùng, với công nghệ năng lượng tái tạo ngày càng phổ biến, giá thành ngày càng giảm thì các cơ chế khuyến khích này cần có thời gian nhất định và cần chuyển sang cơ chế cạnh tranh tiếp cận thị trường. Sau khi kết thúc cơ chế khuyến khích hiện nay, theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nhà đầu tư sau khi được lựa chọn sẽ tiến hành lập đàm phán với bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

“Theo Luật điện lực, để đảm bảo tính tự quyết của bên mua điện, bên bán điện, Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn về trình tự lập thẩm định và ban hành khung giá bán điện, trên cơ sở đó nhà đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ đàm phán về giá điện”, ông Hùng cho biết.

Với vấn đề truyền tải điện, ông Nguyễn Hoài Bắc đề xuất xem xét xã hội hoá đường truyền, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân xây dựng và phát triển đường truyền tải điện.

Với môi trường đầu tư, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận, cho biết,Việt Nam vẫn luôn mời gọi đầu tư vào ngành NLTT và không ít “đại bàng” đã đến để “làm tổ”. Để giữ “đại bàng” ở lại thì phải cải thiện môi trường đầu tư.

Theo ông Thịnh, công tác quy hoạch hiện nay về năng lượng tái tạo còn nhiều tồn tại, quy hoạch được đưa ra rõ ràng, chi tiết, nhưng việc thực thi quy hoạch lại không được như kỳ vọng, ách tắc, chậm trễ. Chẳng hạn, Quy hoạch điện VIII còn nhiều ách tắc. Bối cảnh này khiến các doanh nghiệp không thể ồ ạt đầu tư do khó có thể đáp ứng được về mặt chiến lược.

Ngoài ra, hiện vẫn còn có những khoảng trống về chính sách, khiến hàng loạt các dự án đã và đang thực hiện, trong đó có những dự án đã đi vào hoạt động đến 15 tháng qua nhưng vẫn chưa có giá, chưa có hợp đồng đàm phán mua bán điện.

Bên cạnh đó tình trạng giải phóng mặt bằng cũng được cho là rất chậm, chưa phù hợp với quy hoạch đề ra. Chẳng hạn, một số dự án tại Bình Thuận hay Ninh Thuận, dù theo quy hoạch thì sẽ hoàn thiện xong giải phóng mặt bằng trong năm nay, tuy nhiên, đã trải qua 4 năm, thì mới thực hiện giải phóng xong 50% tiến độ đề ra.

“Để ngành NLTT phát triển, thu hút được các nhà đầu tư, giữ chân họ ở lại, thì cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế tối đa các rủi ro cho doanh nghiệp”, ông Thịnh cho biết.

1 BÌNH LUẬN

  1. Làm nguồn thì quá dễ so với truyền tải, phân phối, điều hành nguồn khó trăm lần, đòi hỏi nguồn vốn cũng như các phần mềm phần cứng cao cấp, như điện mặt trời chỉ cần có đám mây bay qua là tụt cả gigawatt lấy gì bù vào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới