(KTSG) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 120/2020/TT-BTC, Thông tư 119/2020/TT-BTC, Thông tư 121/2020/TT-BTC và Thông tư 96/2020/TT-BTC, trong đó tập trung xử lý hai vấn đề chính là (1) cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán và (2) các hoạt động liên quan đến công bố thông tin công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
- Đề xuất cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán không cần ký quỹ
- Sửa đổi thuế ưu đãi hiện hành để bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài
Thay đổi để sớm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường
Trong các kỳ cập nhật nâng hạng gần đây của FTSE Russel, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí cần cải thiện gồm thanh toán chi phí liên quan đến giao dịch thất bại, chu kỳ thanh toán, đối tác bù trừ trung tâm, hay nói cách khác là yêu cầu ký quỹ trước khi thực hiện giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với MSCI thì có các tiêu chuẩn khó hơn và Việt Nam còn cần phải cải thiện liên quan đến vấn đề giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại), quyền bình đẳng của nhà đầu tư trong và ngoài nước (về thông tin, luồng thông tin), khả năng thanh toán bù trừ, khả năng chuyển nhượng.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh nhiều biện pháp đồng bộ để sớm đáp ứng được các tiêu chuẩn nâng hạng của FTSE Russel trong năm nay và MSCI trong năm tiếp theo. Một trong số các giải pháp đang được tiến hành bao gồm: phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết vấn đề liên quan đến sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu áp dụng mô hình chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) như Thái Lan, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin bằng tiếng Anh, đẩy nhanh nghiên cứu mô hình thanh toán bù trừ trung tâm…
Gần đây nhất, Bộ Tài chính vừa ban hành dự thảo thông tư mới nói trên để giải quyết vấn đề liên quan đến ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài - liên quan đến vấn đề thanh toán bù trừ, và vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh nhằm đảm bảo yếu tố bình đẳng về thông tin giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tác động tích cực lên kỳ vọng của thị trường
Rõ ràng những bước triển khai của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về mặt quy định đã và đang tác động tích cực lên kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng, giúp cho thị trường phục hồi trong thời gian vừa qua.
Nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, sẽ có một lượng vốn đầu tư nước ngoài không nhỏ chảy vào Việt Nam, qua đó giúp thị trường tăng tưởng nhanh hơn. Và quan trọng hơn, việc TTCK nâng cao tiêu chuẩn sẽ giúp hình ảnh Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và dòng vốn sẽ tiếp tục vào trong dài hạn.
Hơn nữa, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ 100% trước khi thực hiện giao dịch cũng có thể khiến cho giao dịch của khối ngoại trở nên sôi động hơn thông qua các nghiệp vụ mua trước trả tiền sau (cấp tiền T+0, T+1).
Hiện nay, nhu cầu vốn tín dụng của Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, chiếm khoảng trên 125% GDP (tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2022 là 125%, năm 2023 là 133%), thuộc mức cao của thế giới. Vì thế, việc TTCK phát triển hơn sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn đẩy mạnh huy động vốn qua kênh này, hạn chế phụ thuộc vào kênh tín dụng.
Việc triển khai thông tư mới sẽ không gặp nhiều vấn đề
Về phía công ty chứng khoán
Dự thảo thông tư đã quy định rất rõ, công ty chứng khoán và khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài cần ký một thỏa thuận liên quan đến việc ký quỹ trước khi giao dịch, trong trường hợp nhà đầu tư không thanh toán sau giao dịch thì công ty chứng khoán sẽ là bên đứng ra thanh toán thay cho khách hàng.
Do đó, trước khi thực hiện nghiệp vụ này, công ty chứng khoán cần xây dựng thêm một bộ tiêu chuẩn quản trị rủi ro mới, trong đó nêu cụ thể:
- Phân loại đối tượng khách hàng, loại chứng khoán được phép mua và từ đó đưa ra tỷ lệ đảm bảo ký quỹ trước tương ứng. Trong đó, độ tin cậy của nhà đầu tư càng cao, loại chứng khoán mua càng an toàn thì tỷ lệ đảm bảo trước thực hiện giao dịch càng thấp.
- Công ty chứng khoán có thể xem xét việc mở thêm cho khách hàng một tiểu khoản mới để thực hiện nghiệp vụ này hoặc cũng có thể sử dụng chung trên tiểu khoản có sẵn của khách hàng.
Ngoài ra, khi thực hiện nghiệp vụ kinh doanh này cũng tùy theo khách hàng đang lưu ký tài sản tại công ty chứng khoán hay tại ngân hàng lưu ký. Trong trường hợp lưu ký ngay tại công ty chứng khoán thì công ty chứng khoán có thể cho ký quỹ ngay bằng danh mục có sẵn của nhà đầu tư. Ngược lại, nếu đang lưu ký tại ngân hàng lưu ký thì cần phải ký một thỏa thuận ba bên giữa công ty chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư đang lưu ký tài sản về quy trình thanh toán và xử lý tài sản bảo đảm.
Hiện nay, chu kỳ thanh toán chứng khoán đang là T+2 ngày (có thể bán chứng khoán đã mua T+0 vào chiều ngày T+2), do đó công ty chứng khoán có thể mở ra một dịch vụ cho vay thanh toán T+2 với nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể sử dụng thêm dịch vụ này như là một công cụ đòn bẩy trong giao dịch ngắn hạn, sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh hơn. Khi thực hiện nghiệp vụ này, công ty chứng khoán cũng phải đảm bảo nguồn vốn của mình đủ để đảm bảo thanh toán cho các rủi ro thanh toán trong trường hợp khách hàng không thanh toán sau giao dịch.
Về phía các doanh nghiệp niêm yết
Liên quan đến vấn đề công bố thông tin thì các doanh nghiệp niêm yết cần thực hiện theo lộ trình. Trong đó, đối với công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn, cần công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh từ sau 1-1-2025 và công bố thông tin bất thường bằng tiếng Anh từ 1-1-2026 trở đi. Các công ty niêm yết và đại chúng không thuộc các đối tượng trên thì được lùi thời gian thêm một năm theo các mốc tương ứng.
Để triển khai nhanh vấn đề này, về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cần ban hành ngay biểu mẫu công bố về các thông tin định kỳ và bất thường (hay gặp) bằng tiếng Anh, các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó để triển khai.