Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Gỡ ‘nút thắt’ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần nỗ lực từ hai phía

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khó khăn về nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được tháo gỡ một phần khi các cơ quan quản lý có giải pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng để chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng, đồng thời cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi.

Các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đại diện các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn phản ánh việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng không dễ dàng.

Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Ảnh: H.T

Vì sao DNNVV liên tục “đói” vốn?

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, cho biết cơ quan quản lý đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn. Chẳng hạn, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DNNVV, thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thông thường. Ngoài ra, là các chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của các Quỹ phát triển DNNVV.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cho biết ngân hàng đang triển khai cho vay với DNNVV với mức lãi suất thấp hơn khoảng 50% so với mức lãi suất cho vay thông thường để tạo cơ hội cho khách hàng có thể mở rộng đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Dư nợ cho vay nhóm khách hàng này của Agribank là trên 325.000 tỉ đồng, với hơn 20.000 khách hàng – chiếm tỷ lệ 80,64% dư nợ khách hàng pháp nhân.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết vẫn tiếp tục triển khai Chương trình An tâm lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng DNNVV với mức lãi suất vay cố định trong các kỳ hạn dài như 18 tháng, 2 năm, 3 năm, 5 năm và cả những kỳ hạn đặc biệt lên tới 7 năm, 10 năm với lãi suất cho vay chỉ từ 10,4%/năm trong tháng 3-2023. Trước đó, vào đầu năm 2023, Vietcombank đã dành 100.000 tỉ đồng cho chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất – kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh.

Còn số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết dư nợ tín dụng với DNNVV tính tới cuối năm 2022 đã tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%).

Hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn là vấn đề nan giải với DNNVV. Một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy có 25% doanh nghiệp DNNVV tham gia cho biết được vay vốn qua ngân hàng và các nguồn chính thống khác, còn lại vẫn phải huy động bạn bè hoặc vay mượn phi chính thống.

Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bắc Ninh, cho biết số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp còn hạn chế. Đơn cử, một doanh nghiệp sản xuất giấy đã dành tổng nguồn vốn để đầu tư – xây dựng nhà máy, đến giai đoạn sản xuất thì hết vốn. Trước đó, tài sản cố định đã được thế chấp với ngân hàng.

Với bối cảnh trên, doanh nghiệp không còn tài sản bảo đảm để tiếp tục vay vốn mới, phải đóng cửa nhà máy.

Ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật – một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cho biết phần lớn thương nhân sản xuất – kinh doanh ngành hàng lúa gạo nói riêng, sản phẩm nông sản nói chung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn lưu động.

Nút thắt chính khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, theo ông Nhật, do ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên luôn có điều kiện cho vay để đảm bảo thu hồi vốn.

Với điều kiện cho vay của nhiều ngân hàng, đại diện Công ty Hoàng Minh Nhật cho rằng phần lớn doanh nghiệp chưa đạt được, nhất là các doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo, nông sản tại ĐBSCL – vốn hoạt động theo thời vụ.

“Tôi mong NHNN xem xét để tháo gỡ điểm thắt này”, ông Nhật nói tại một hội nghị về tín dụng cho DNNVV cách đây ít ngày.

Còn bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội, thừa nhận thực tế nhiều doanh nghiệp không đáp đứng đầy đủ tiêu chuẩn vay vốn, chẳng hạn thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đáng lưu ý, những hạn chế này không thể khắc phục ngay bởi đa phần các doanh nghiệp xuất phát từ hộ sản xuất – kinh doanh nhỏ lẻ, với kiến thức về nghiệp vụ tài chính hạn chế.

Tổng kết, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết một số nguyên nhân chính khiến DNNVV khó tiếp cận vốn, gồm: quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế; nhiều doanh nghiệp có số liệu tài chính thiếu minh bạch, thiếu chính xác, thiếu tài sản bảo đảm; phần lớn doanh nghiệp không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Cũng theo đại diện Bộ KHĐT, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, tổ chức tín dụng (TCTD) không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Các TCTD cũng gặp khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều doanh nghiệp chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.

Bên cạnh đó, không ít tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn sau giai đoạn chịu ảnh hưởng từ Covid-19. Thậm chí, có trường hợp bị chuyển nhóm nợ, dù đã được ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường, nên khó tiếp cận vốn vay.

Đối tượng doanh nghiệp này cũng thường gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý với tài sản thế chấp, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Chờ đợi nỗ lực “gỡ khó” từ hai phía

Để các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng với chi phí hợp lý, đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các ngân hàng cho rằng cần có sự chỉ đạo, đồng hành từ cấp Chính phủ, tới NHNN và các ngân hàng thương mại, bởi nếu thiếu sự đột phá về chính sách thì các ngân hàng khó có thể mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp như mong muốn của NHNN.

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đề xuất Chính phủ và NHNN có cơ chế hỗ trợ với các ngân hàng thương mại khi cho vay doanh nghiệp quy mô nhỏ như chính sách tái cấp vốn, cấp bù lãi suất. Đồng thời, mở rộng quy mô, cũng nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ phát triển DNNVV.

Vị này cũng đề xuất nghiên cứu các biện pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng cho DNNVV để chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng. Theo đó, các giải pháp cần đảm bảo tính tổng thể về văn bản pháp luật, quy chế phối hợp, cơ chế thực thi đảm bảo quyền lợi các bên tham gia, rút ngắn thời gian phát hành và thực thi nghĩa vụ bảo lãnh, hỗ trợ phí bảo lãnh.

Đồng quan điểm, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng Chính phủ cần đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn vay cho các DNNVV, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết…

Còn bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT), cho biết cơ quan này đang triển khai nâng cấp cổng thông tin điện tử, dự kiến năm 2025 trên cổng này sẽ có dữ liệu về các doanh nghiệp, gồm xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Theo đó, tại mỗi địa phương cụ thể, sẽ có danh sách các doanh nghiệp – được phân loại theo hình thức tổ chức, hoạt động và được đánh giá là đủ kiều kiện và sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi sản xuất – cung ứng, dựa trên một bộ công cụ đánh giá. Đây sẽ là một nguồn thông tin để các ngân hàng tham khảo trong quá trình thẩm định khoản vay của doanh nghiệp.

“Những hỗ trợ, đánh giá của các hiệp hội hay và các cơ quan địa phương sẽ tăng thêm uy tín cho doanh nghiệp. Còn ngân hàng sẽ tự tin hơn khi cấp tín dụng khi thấy rằng các bên khác cũng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp”. bà Thuỷ phân tích.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Phương cho rằng các đơn vị cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động – quản trị, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp lâu dài, hướng tới minh bạch hóa về tài chính, đầu tư kỹ thuật – công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nhằm đáp ứng các điều kiện vay vốn tại các TCTD.

Còn ông Tô Hoài Nam kiến nghị các cơ quan quản lý kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Đồng thời, cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới