Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gỡ rối nội tại khó đến vậy sao!

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Báo chí vừa qua đưa tin Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp cùng nêu ra một số đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Kết quả điều tra vẽ ra một bức tranh không vui về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp khi có đến hơn 82% số doanh nghiệp được thăm dò cho biết hoặc sẽ giảm quy mô, hay tạm ngừng hoặc ngừng kinh doanh hẳn trong thời gian còn lại của năm nay.

Thực ra, bức tranh nêu trên không hẳn là điều gì quá mới mẻ hay bất ngờ vì từ nhiều tháng nay, cộng đồng doanh nghiệp đã lên tiếng báo động về những khó khăn mà họ đang phải trải qua. Từ năm ngoái đến nay, trừ một vài tháng đầu tiên có dấu hiệu khởi sắc, thị trường thế giới chậm phục hồi cộng với hậu quả nhiều mặt của cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến bức tranh toàn cảnh kinh tế - kinh doanh Việt Nam vẫn nằm trong vùng nhiễu động xấu. Đó là xu hướng dễ nhận ra.

Tuy nhiên, có thể nói khảo sát này cho thấy cái nhìn “định lượng” chính xác hơn trong bối cảnh khó khăn chung. Từ đó, gợi cho chúng ta cách tiếp cận cần thiết để mang lại hiệu quả tốt hơn.

Chính phủ không phải không nhận ra nỗi khổ của doanh nghiệp và đã ban hành nhiều biện pháp được xem là kịp thời, quyết liệt nhằm hỗ trợ họ vượt khó. Tuy nhiên, từ kết quả điều tra có thể thấy được phần nào hiệu quả của những nỗ lực đã thực hiện.

Theo khảo sát trên, nằm trong số các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là ba vấn đề chính sau đây. Gần 60% doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng khan hiếm nổi lên như là vấn đề nan giải nhất của họ. Kế đến, hơn 51% nói con đường tiếp cận vốn vay để kinh doanh vẫn vô cùng gập ghềnh. Khó khăn đứng thứ ba không gì khác hơn việc thực hiện thủ tục hành chính và quy định pháp luật với hơn 45% doanh nghiệp nêu ra trong cuộc khảo sát.

Thêm vào đó, thoạt tiên nghe có vẻ ngạc nhiên, nhưng lại là một thực tế khi gần một phần ba số doanh nghiệp được thăm dò (31,1%) cho rằng họ lo lắng về nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Riêng con số sau đây rút ra từ kết quả điều tra rất đáng được chính quyền các cấp chú ý: Dù đã có nhiều cam kết hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, những gì đạt được xem ra còn rất khiêm tốn bởi vì có đến 84% số doanh nghiệp đánh giá “hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương (…) kém hiệu quả”(1).

Trong kinh doanh, thời cơ có thể là tất cả. Chậm một phút, một giờ hay một ngày đều có thể ảnh hưởng lớn đến cơ hội hay kết quả sau cùng.

Thế nhưng, chắc cũng phải công nhận rằng có những vấn đề ách tắc, chậm trễ gây khó cho nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, không được giải quyết rốt ráo.

Thiết nghĩ, trong số bốn khó khăn nêu trên, ngoài chuyện đầu tiên liên quan đến đơn hàng từ thị trường thế giới ngoài tầm với của chúng ta, ba rắc rối còn lại chủ yếu liên quan đến các quan hệ nội tại. Do đó, về nguyên tắc, cách giải quyết hoàn toàn nằm trong tầm tay và chúng ta có thể giải quyết dứt điểm để trả lại con đường kinh doanh thông thoáng.

Lấy ví dụ hai rắc rối gần đây nhiều doanh nghiệp – nội lẫn ngoại – phải “kêu cứu” khắp nơi. Đó là quy định mới về an toàn phòng cháy cho công trình và quy định mới về đăng kiểm xe cơ giới.

Hai vấn đề này không phải chỉ ngày một ngày hai mà đã kéo dài hàng tháng trời, đã đến tai những người có trách nhiệm cao nhất với nhiều chỉ thị đưa ra – thế mà vẫn chưa gỡ được.

Thứ Tư tuần trước, ngày 24-5, báo Tuổi Trẻ đăng bài phản ánh bức xúc của nhiều doanh nghiệp vì không thể đăng kiểm xe của họ đúng hạn(2). Theo bài báo, ngoài chuyện thiếu hụt đăng kiểm viên và quá tải ở nhiều trung tâm đăng kiểm, doanh nghiệp muốn đăng kiểm xe còn gặp phải một số quy định “cứng nhắc” vì không hiểu tại sao phải áp dụng chúng trong tình hình này.

Trong bài báo, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết công ty ông đã kinh doanh 20 năm nay, có màu sơn xe, logo riêng. Thế nhưng, đùng một cái, theo quy định mới, màu sơn không đúng với đăng ký xe sẽ không được phép đăng kiểm.

Bài báo cho biết tiếp, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã trao đổi với Cục Đăng kiểm Việt Nam và được hứa sẽ trao đổi với phía công an để “có xem xét cụ thể”(3). Nhưng khi nào “có xem xét cụ thể” thì lại chưa có câu trả lời cụ thể.

Thử hỏi, trong tình hình hiện nay, trên tinh thần gỡ khó cho doanh nghiệp, thì sao không tạm gác lại quy định này? Chuyện đó có nằm trong tầm tay hay không?

Nếu chúng ta không giải quyết được các vấn đề nội tại do chính mình đặt ra ngay trên sân nhà – như thủ tục hành chính và quy định của pháp luật – vì điều kiện khách quan, thì nói gì đến chuyện giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên biển lớn thị trường thế giới!

----------------

(1)https://tuoitre.vn/khao-sat-10-000-doanh-nghiep-82-muon-giam-quy-mo-ngung-kinh-doanh-20230526092446435.htm

(2), (3)https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-keu-kho-tu-be-vi-dang-kiem-20230524075704559.htm

3 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện liên quan tới đơn hàng của thế giới cũng rất quan trọng. Vấn đề là giải quyết như thế nào trong tương lai, nếu không sẽ còn nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng thêm nữa. Hiện nay xu hướng của các nước là giảm bớt sự lệ thuộc vào sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, như ngành dệt may của VN phụ thuộc vào nguyên phụ liệu của Trung Quốc quá nhiều, trái lại Bangladesh thì đơn hàng làm không kịp thở vì ngành dệt may hoàn toàn khép kín với nguyên phụ liệu trong nước. Hay ngành gỗ của VN phần nhiều nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, mà Trung Quốc nhập từ nước thứ ba có nguồn gốc không rõ ràng ,dễ vi phạm các hiệp định thương mại đã ký. Nên có một chiến lược sản xuất các loại nguyên, phụ liệu trong nước cho sản xuất dù giá thành cao hơn nhưng giải quyết được thêm nhiều việc làm cho người lao động.

  2. Gỡ rối hay thay mới ? Là vấn đề nên bàn kỹ để có quyết định chuẩn xác. Nhiều khi phải chấp nhận công thức “Just once and forever/ Một lần và mãi mãi”, để thay đổi căn bản tình hình. Còn nếu cứ gỡ rối mãi, có khả năng ngày càng rối thêm.

  3. Quan trọng là phương pháp triển khai. Cần đặt tất cả vấn đề rắc rối lên bàn của cấp trên/ Chỉ rõ từng khâu, từng người phải chịu trách nhiệm/ Làm đến nơi đến chốn/ Không xong xem như không hoàn thành nhiệm vụ và cũng không có lý do gì để tiếp tục điều hành. Không nên giao nhiệm vụ chung chung, đại khái, làm đến đâu hay đến đó. Cùng lắm cuối năm kiểm điểm, bỏ phiếu tín nhiệm… là huề cả làng ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới