Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gỡ rối quy định về đất đai

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Luật Đất đai liên quan tới hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, bởi vậy, giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định là rất quan trọng trong tiến trình sửa đổi luật này.

Các quy định “dính dáng” tới đất đai hiện nằm ở rất nhiều bộ luật, dự án luật. Ảnh: H.P

Tuần tới (14-11-2022), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tiến trình sửa luật kéo dài ba kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 10-2023.

Phát biểu khai mạc kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra một số vấn đề các đại biểu Quốc hội cần quan tâm trong quá trình cho ý kiến vào dự thảo luật rất quan trọng này. Trong đó có việc phải giải quyết các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông, giải phóng tối đa nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Các quy định “dính dáng” tới đất đai hiện nằm ở rất nhiều bộ luật, dự án luật. Trong một hội thảo gần đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật Đất đai hiện hành - Luật Đất đai năm 2013 - liên quan đến... 186 luật khác. Rất khó để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai trong bối cảnh như vậy, nhất là khi chất lượng soạn thảo luật vẫn đang “có vấn đề”!

Trên thực tế, ông Tuấn cho hay, vì sự xung đột, chồng chéo không có lối ra giữa các luật, cơ quan thực thi ở địa phương cũng rất khó thực hiện nên có những dự án phải “nằm yên” trong nhiều năm. Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ từng đạo luật thấy không có nhiều vướng mắc nhưng nhìn theo một quy trình của dự án thì phải trải qua rất nhiều khâu thủ tục, phải “lòng vòng” giữa các sở, ngành.

Dù giải pháp nào được chọn, thì có một việc cơ quan soạn thảo vẫn cần phải tiến hành kỹ lưỡng và bài bản mới mong xử lý được mối quan hệ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai. Đó là nghiên cứu xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong điều khoản thi hành của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trước đó, quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cũng ghi nhận nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các luật có liên quan “làm khó” cả cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp, khiến đất đai chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Bởi vậy, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan là một yêu cầu quan trọng đặt ra trong tiến trình sửa luật.

Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi đến Quốc hội dài tới 69 trang giấy A4 (chưa kể phần phụ lục) một lần nữa cho thấy mối quan hệ rộng khắp, chằng chịt và phức tạp của dự luật này (chứ không phải Luật Đất đai năm 2013) với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Chính phủ đã rà soát 112 bộ luật, luật có mối quan hệ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 88 bộ luật, luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai và 24 luật không có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai nhưng có ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất. Kết quả cho thấy có 22 bộ luật, luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và thể hiện Luật Đất đai là luật căn bản về đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật (điều 4); trong đó phân loại các nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của luật khác.

Cụ thể, điều 4 quy định như sau: Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với các luật khác về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; thu hồi, trưng dụng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai; phân loại đất; điều tra, đánh giá đất đai; chế độ sử dụng các loại đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Còn lại, việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu giá tài sản; việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu thầu; việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Quá trình thẩm tra, trong Ủy ban Kinh tế có hai loại ý kiến khác nhau về hướng xử lý này. Một bên thống nhất với cách tiếp cận tại dự thảo luật này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật trong thời gian qua.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ những nhóm quan hệ trong quản lý, sử dụng đất áp dụng Luật Đất đai, nhóm quan hệ áp dụng theo các luật khác trong dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi và tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện. Một bên đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật do việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vấn đề này Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến cuối cùng! Dù giải pháp nào được chọn, thì có một việc cơ quan soạn thảo vẫn cần phải tiến hành kỹ lưỡng và bài bản mới mong xử lý được mối quan hệ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai. Đó là nghiên cứu xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để kịp thời khắc phục những điểm chồng chéo hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong điều khoản thi hành của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

2 BÌNH LUẬN

  1. Không nên là “gỡ rối” nữa. Càng gỡ sẽ càng rối, không có hồi kết. Tổn thất quá nhiều rồi, cả người và của. Phải sắp xếp lại trật tự giang sơn, cương thổ. Lấy Luật đất đai là trung tâm, tối thượng. Những luật nào có liên quan đến đất đai phải lấy Luật đất đai làm chuẩn. Cần tạo ra nền tảng căn bản nhất về những nguyên tắc quản lý, định đoạt, quy hoạch, phân bổ… nguồn lực đất đai vô giá, một cách hợp lý, công bằng, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Khi có nền tảng rồi, những thứ khác tự khắc đi dần vào khuôn khổ.

  2. Nút thắt nằm ở khung giá bất động sản theo giá thị trường. Doanh nghiệp lo lắng không thể đàm phán đền bù giải tỏa với dân để giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Dân thì có tâm lý bị ép buộc phải giải tỏa, thiệt đơn, thiệt kép. Dùng dằng mãi cũng không thể xong việc. Lưu ý rằng, đất đai ở ta thuộc sở hữu toàn dân. Do đó không thể tuân thủ quy luật thị trường hóa đầy đủ, cần phải có những thiết chế pháp luật độc lập, trung gian, đủ mạnh để xác lập niềm tin và kết nối thành công giữa các bên liên quan trong giao dịch bất động sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới