(KTSG Online) - Mặc dù có sự sụt giảm mạnh đơn hàng tại các thị trường nhập khẩu lớn trong vài tháng gần đây nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 3 quí đầu năm vẫn tăng 7%, ước đạt 12,4 tỉ đô la Mỹ.
- Doanh nghiệp gỗ điêu đứng vì đột ngột bị hủy đơn hàng
- Chật vật làm ăn trong mùa bão lạm phát toàn cầu
Kết quả trên được giới kinh doanh trong ngành và các chuyên gia cho là khả quan trong bối cảnh lạm phát leo thang ở hai thị trường lớn gồm Mỹ và châu Âu cũng như những bất ổn, biến động của thị trường trên thế giới.
Chia sẻ về hoạt động của ngành tại VietnamWood 2022, một triển lãm thiết bị công nghệ phục vụ chuyên ngành chế biến gỗ được khai mạc ngày 18-10 tại TPHCM, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho rằng kết quả trên là nỗ lực tận cùng của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành.
Đồng thời, ông lưu ý, ảnh hưởng của lạm phát, những bất ổn về kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ nói riêng và các mặt hàng khác nói chung của Việt Nam trong những tháng cuối năm nay.
"Tất cả những yếu tố trên, gồm cả nội tại lẫn từ bên ngoài, đã đặt ra cho ngành và doanh nghiệp thách thức lớn: vừa giải quyết các vấn đề nội tại, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám... để giữ và đón khách hàng mới", ông Khanh nói, và cho rằng: "Hơn hết, doanh nghiệp phải linh hoạt để đón đầu những thay đổi trong tương lai, hòa nhịp xu thế phát triển bền vững, mà nổi bật lên hai vấn đề: nguyên liệu và công nghệ".
Về công nghệ, một số nhóm doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu. Nhưng các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là của năm 2010, khá cũ so với hiện nay. Theo ông Khanh, với sự lên ngôi của xu hướng tự động hóa sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ, nhằm giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ máy móc, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng định hướng được dòng sản phẩm sản xuất theo hướng chuyên môn hóa.
Riêng về nguyên liệu, nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước gồm rừng trồng và cây phân tán hiện nay đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ. Ông cho rằng, với tốc độ phát triển của ngành gỗ, trong thời gian tới cần thiết phải có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, đa dạng về chủng loại để phục vụ cho mọi phân khúc thị trường.
VietnamWood đã trở thành sự kiện công nghệ mang tính đại diện cho ngành ở quy mô quốc gia, mang tính dẫn dắt cho những những sáng tạo công nghệ trong sản xuất.
Tại lễ khai mạc VietnamWood 2022, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương), cho biết sau một năm tạm hoãn do đại dịch Covid-19, VietnamWood đã trở lại với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp đến từ 25 quốc gia. Đặc biệt VietnamWood thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế như Canada, Pháp, Đức, Mỹ, Úc….
VietnamWood 2022 và Furnitec 2022 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21-10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), song song với nền tảng trực tuyến ra mắt vào ngày 18 đến 24-10.