Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gỗ Việt giữa ‘muôn trùng vây’: đơn hàng sụt giảm, giá xuống đáy

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngoài câu chuyện đau đầu vì đơn hàng sản xuất sụt giảm liên tục, các doanh nghiệp ngành chế biến đồ gỗ trong nước còn đang chịu áp lực cạnh tranh khi giá xuống đáy trong khi chi phí sản xuất vẫn ở mức cao.

Doanh nghiệp đồ gỗ cần đầu tư công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh giá đang xuống đáy do nhu cầu thị trường thấp. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Thông tin trên được ghi nhận từ cuộc họp báo về tổ chức Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023 (BIFA Wood Vietnam 2023) vào ngày 22-6 với mục đích giúp các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận với sản phẩm, công nghệ tiên tiến.

Ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty Minh Thanh, cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, yêu cầu về thời gian sản xuất và thời gian giao hàng ngày càng thu hẹp. Lượng hàng xuất khẩu ít mà thời gian sản xuất cũng ngắn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phúc Vinh, cho rằng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đang mất dần sự cạnh tranh so với các doanh nghiệp quốc tế. Bởi lẽ ở trong nước, ngành gỗ vẫn đang phải sử dụng nhiều nhân công, quy trình sản xuất còn rườm rà, cồng kềnh làm gia tăng chi phí sản xuất. Do đó, theo ông Tuấn, các doanh nghiệp cần đầu tư về công nghệ để rút gọn công đoạn sản xuất.

Nhận định nhu cầu thị trường đồ gỗ trên thế giới vẫn đang ở mức rất thấp, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành khi mà giá thành bán đang xuống đáy.

"Có một thực tế là hiện nay tại Việt Nam, giá nhân công cao, tiêu hao nguyên liệu của ngành rất nhiều, trong khi công nghệ chủ yếu là 2D trở xuống", ông Lập nói.

Hội chợ lần này sẽ tập trung vào các giải pháp giảm chi phí sản xuất, giảm tiêu hao nguyên liệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Do đó, hội chợ BIFA Wood Vietnam 2023 được tổ chức ở Bình Dương lần này giải pháp về kỹ thuật và công nghệ sẽ được coi là trọng tâm để doanh nghiệp trong ngành có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận công nghệ mới.

Ông Lập đưa ra dẫn dụ về lưỡi cưa. “Lưỡi cưa nghe đơn giản nhưng phải làm sao khi cắt ít tiêu hao gỗ nguyên liệu, đồng thời giảm đi nhân công làm việc của dây chuyền này để cạnh tranh về giá” ông Lập lưu ý, và chia sẻ: "Tôi đã từng thăm một xưởng sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, thấy một nguyên liệu có trị giá hơn 3 triệu đồng/m3 nhưng qua giải pháp và công nghệ có thể đưa sản phẩm từ nguyên liệu rừng trồng đó lên hơn 3.000 đô la Mỹ". Ông Lập nhấn mạnh thông điệp rằng Công nghệ sẽ quyết định giá trị của hàng nội thất.

Với khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ, hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số liệu hải quan cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 5 tháng đầu năm nay giảm 2,06 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4,96 tỉ đô la.

Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12-8 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương. Với hơn 100 doanh nghiệp tham gia, hội chợ sẽ có gần 800 gian hàng nhằm giới thiệu công nghệ sản phẩm máy móc, thiết bị công nghiệp về chế biến gỗ của các doanh nghiệp đến từ Ý, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan...

Ngoài ra hội chợ còn giới thiệu các phụ kiện, phụ liệu về ngành gỗ, chế biến gỗ, của các doanh nghiệp đến từ Châu Mỹ, Châu Âu và nguyên liệu gỗ nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước…

Sự kiện do Công ty cổ phần Hội Chợ Ngành Gỗ Việt Nam (VIFOREST FAIR), do 5 đơn vị là các hiệp hội ngành hàng về gỗ và thủ công mỹ nghệ lớn nhất Việt Nam (gồm VIFOREST, BIFA, HAWA, DOWA, FPA Bình Định) phối hợp với Công ty ZhongFuYing Fair tổ chức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới