Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Góc nhìn từ chuyện chi phí sản xuất nông nghiệp tăng quá cao

Đông Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tháng 5-6 vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch lúa đông-xuân, chuẩn bị giống phân cho gieo sạ lúa hè-thu và trồng trọt nhiều loại cây trái. Có thể nói, vựa lúa của cả nước, thủ phủ trái cây lớn nhất nước bước vào cao điểm tiêu thụ phân bón, nhu cầu chăm bón cho ruộng lúa, vườn cây tăng cao nhất trong năm.

Trên thị trường phía Nam, giá phân bón duy trì ở mức cao, phân u-rê khoảng 16.000-16.500 đồng/kg, phân kali 18.000 đồng/kg, phân DAP từ 22.000-26.500 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng 20-30% so với mùa trước. Từ giống, một số dịch vụ, vật tư nông nghiệp, công thuê cắt và chuyên chở… tất cả đều tăng hơn 40% so với trước dịch, đấy chưa tính công lao động của chủ ruộng, vườn.

Các loại chi phí trên khiến người nông dân than thở là quá cao, và theo chuyên gia phân tích kinh tế, TS Ngô Trí Long khi trả lời VOV, giá phân bón và các chi phí phát sinh đã chạm ngưỡng chịu đựng của người nông dân.

Tại sao người nông dân với “bờ xôi ruộng mật”, bao năm vẫn khó sống và làm giàu bằng nông nghiệp?

Theo ông Long, chi phí sản xuất đang quá cao so với tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp mà người nông dân thu được. Họ lao động vất vả, lại phải đối mặt với quá nhiều rủi ro: thiên tai, dịch bệnh, sự bấp bênh của thị trường tiêu thụ, dẫn tới nhiều nông dân không còn mặn mà với ruộng vườn. Nếu tình trạng này tiếp tục, thu nhập của nông dân vốn đã thấp lại càng giảm sâu hơn.

Về lâu dài, một bộ phận nông dân với diện tích nhỏ, thu nhập không đủ sống sẽ bỏ ruộng, vườn.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu lo lắng về hiện trạng giá phân bón thế giới tăng cao kỷ lục do đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột Nga-Ucraina…

Trong khi đó các bộ ngành liên quan vẫn chưa có động thái kịp thời bảo vệ người nông dân trong cơn bão giá phân bón. Có cảm giác cơ quan quản lý vẫn “thả nổi” thị trường và để quên công cụ hữu hiệu là thuế để kiểm soát giá.

Phải mãi cuối tháng 5-2022, trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT mới đề xuất Chính phủ áp thuế 5% đối với xuất khẩu phân bón và hiện vẫn còn phân vân về việc, nên hay không giảm thuế nhập khẩu đối với đầu vào nguyên liệu cho sản xuất phân bón.

Sự chậm trễ này, cộng thêm 2 năm dịch bệnh hoành hành đã dẫn đến hàng loạt nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên thu hẹp sản xuất hoặc bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều tỉnh có diện tích đất bỏ hoang lên tới vài trăm héc-ta.

Nói đi phải nói lại. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, chi phí sản xuất tăng cũng chưa thể là nguyên cớ tạo nên tình cảnh trớ trêu ấy của người nông dân.

Lạm dụng phân bón để tăng năng suất cây trồng, thói quen sử dụng vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật nhiều năm qua, chính người nông dân với tư duy manh mún, vì lợi nhuận trước mắt bất chấp quy luật cân bằng tự nhiên, đã tự làm bạc màu mảnh đất của mình, làm thoái hóa nhiều giống cây trồng của chính mình, và cũng tự mình đẩy mình vào thế phát triển thiếu bền vững hơn.

Chỉ một vài đợt dịch bệnh, chỉ một vài vụ thương lái ngưng gom mua hàng, người nông dân “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” lại đâu vẫn đó, đủ ăn đã may mắn lắm rồi…

Câu chuyện về HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hoà (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) có 30 thành viên với tổng diện tích 249 héc-ta chuyên trồng lúa giống ST25 liên kết với các doanh nghiệp thương mại là ví dụ cho việc thoát đầu tư manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân hiện nay(1).

Doanh nghiệp chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ toàn bộ chi phí từ giống đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến khi thu hoạch, toàn bộ lúa được bao tiêu, người nông dân chỉ việc bỏ công chăm sóc, không còn lo đội vốn đầu tư do giống, phân, vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay.

Hay như mô hình trồng chuối xuất khẩu của Công ty Musa ở Hà Nội. Công ty liên kết với người nông dân các vùng trung du Bắc bộ trồng chuối hữu cơ, giữ đất không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, sau nhiều năm, chuối của công ty đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Các phụ phẩm lá chuối, thân chuối được ép lấy nước sinh học hỗ trợ tưới hàng héc-ta tía tô, nho, xoài phục vụ xuất khẩu; thân chuối được ép chế biến thành sợi cho đan lát các sản phẩm thủ công…(2)

Những mô hình bền vững như trên có diện tích không lớn, chi phí đầu vào thấp do sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm dân gian để phòng bệnh cho cây trồng, năng suất cũng không cao nhưng giá trị sản phẩm đem lại vô cùng lớn, là những mô hình đang được khuyến khích trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Làm gì để giúp người nông dân trở thành những ông chủ trên chính mảnh đất yêu thương của mình?

Về chính sách, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam, trong hội thảo do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây cho biết, khi giá bán nội địa tăng hơn mức giá biến đổi được duyệt đến 20-30% thì bắt đầu áp thuế suất xuất khẩu (ví dụ 5%), nhưng nếu thị trường tăng giá đến 50%, 70%, 100%… thì mức thuế xuất khẩu sẽ tăng lũy tiến lên 10%, 30%, 50%…, thậm chí đến 100% để bảo đảm nguồn cung, hạ nhiệt giá phân bón tại thị trường nội địa(3).

Ngược lại, khi giá trong nước sát chi phí biến đổi, nguy cơ nhà sản xuất lỗ thì thuế nhập khẩu lập tức được kích hoạt theo chiều ngược lại và thuế xuất khẩu tự động bị triệt tiêu. Như vậy sẽ tránh được biến động thị trường và tác động tiêu cực đối với người nông dân.

GS.TS Võ Tòng Xuân trên Vnexpress cho biết, giá phân bón tăng là thách thức vô cùng lớn với người nông dân, song cũng là cơ hội để họ thay đổi tư duy, từ bỏ việc lạm dụng phân bón để tăng năng suất. Người nông dân không quyết định được giá lúa, phân bón nhưng có thể giảm chi phí, năng suất giảm, về tổng thể lợi ích vẫn đảm bảo do thúc đẩy những xu hướng sản xuất phân hữu cơ, nông sản sạch, nuôi vịt, cá trên ruộng lúa, nuôi trồng thuận thiên phát triển. Ông cũng nói, để giảm phụ thuộc phân bón, người nông dân trồng lúa trước mắt cần giảm lượng giống gieo sạ, vừa tiết kiệm giống lại không làm giảm năng suất(4).

Đã có những ý kiến cho rằng hãy khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt…) để vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học.

Vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hiện đại, canh tác theo hướng an toàn và bền vững nhằm tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí đầu tư, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nông nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chúng ta hoàn toàn không mong muốn sản xuất nông nghiệp bị bỏ bê, ruộng đồng bị bỏ hoang hóa vì không có người làm, hoặc không có người muốn làm.

Chúng ta mong muốn những ruộng vườn màu mỡ, phì nhiêu của bao đời ông cha khai phá, gìn giữ phải được nâng niu, cải tạo để những “bờ xôi ruộng mật” luôn là nơi chúng ta đau đáu trở về…

———

Tài liệu tham khảo:

(1) https://infodoanhnghiep.com/thong-tin/HOP-TAC-XA-DICH-VU-NONG-NGHIEP-PHUOC-HOA-18019.html

(2) https://doanhnghiephoinhap.vn/doanh-nhan-bui-khanh-dung-va-loi-giao-uoc-tu-nhung-soi-to-chuoi.html

(3) https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/co-nen-ap-thue-xuat-khau-phan-bon-post948981.vov

(4) https://vnexpress.net/nong-dan-dieu-dung-vi-gia-phan-bon-tang-cao-4462486.html#:~:text=V%E1%BB%9Bi%20gi%C3%A1%2010%20ngh%C3%ACn

1 BÌNH LUẬN

  1. Nông dân ta rất chăm chỉ và thông minh, linh hoạt, đủ sức thích nghi với mọi hoàn cảnh thử thách. Đất đai ta không rộng nhưng đủ để làm nông nghiệp lớn, nông nghiệp công nghệ sâu. Chỉ với hai yếu tố đó là có thể làm chủ cuộc chơi. Vấn đề còn lại chỉ là cơ chế chính sách hợp lý, thông thoáng, khoa học, và dành đủ nguồn lực xứng đáng, tương xứng với vai trò “yên dân/ ổn quốc” của lĩnh vực này. Nghị quyết mới đây về nông nghiệp nông thôn của Đảng phải tạo ra bằng được sự bứt phá và đột phá, nhất là về tầm nhìn và hành động. Cơ hội lớn đang mở ra, cần phải nhanh chóng nắm bắt và triển khai ngay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới