Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gốc rễ của vấn đề là ở chỗ khác

Tấn Đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Báo VnExpress ngày 1-6-2023 đưa tin các đại biểu Quốc hội tranh luận “làm gì với 1 triệu tỉ đồng ngân quỹ tồn đọng trong ngân hàng”. Việc đại biểu Quốc hội sốt ruột vì số tiền quá lớn nhưng bị tắc nghẽn, không giải ngân được là điều dễ hiểu, vì nền kinh tế đang rất cần có nguồn động lực tăng trưởng này. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách, rất cần được Quốc hội thảo luận gấp rút, là giải pháp để khơi thông nguồn vốn trên chứ không phải là làm gì với nó.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng “Số tiền này đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác”. Vì vậy, đề xuất của một đại biểu linh hoạt bố trí tiền này để hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc hoặc xây nhà ở cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... là không hợp lý và cũng không đúng trọng tâm của vấn đề.

Cần biết rằng khó khăn của người lao động hiện nay là do thu nhập bị suy giảm, mà thu nhập giảm là do họ bị mất việc hoặc bị giảm lương do hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra không bán được. Trợ cấp cho người lao động cũng giống như cho con cá, nó không mang lại việc làm cũng như không giúp cải thiện thu nhập một cách ổn định cho gia đình họ. Trong khi đó, chi cho đầu tư cũng là chi để tạo sức mua và công ăn việc làm.

Đây mới là giải pháp căn cơ và lâu dài để hỗ trợ người lao động. Tất nhiên, Nhà nước cũng cần có các giải pháp tạm thời để trợ giúp người lao động đang gặp khó khăn, nhưng thay vì lấy tiền dành cho đầu tư công, Quốc hội nên thảo thuận tìm kiếm nguồn khác để chi.

***

Một vấn đề nóng khác được Quốc hội thảo luận là nạn “né tránh, không dám làm, sợ trách nhiệm”, căn bệnh được đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) mô tả là “đã lan rộng từ trung ương tới địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư”. Tác hại mà căn bệnh này gây ra cho nền kinh tế cũng rất rõ ràng và ngày càng nặng nề hơn, vì vậy không ngạc nhiên khi nhiều đại biểu coi đây là vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Không khó để tìm ra nguồn gốc của căn bệnh sợ trách nhiệm. Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Quốc hội phân chia cán bộ sợ trách nhiệm thành hai nhóm: “Sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm” và “đùn đẩy, không muốn làm vì không có lợi ích gì”, đồng thời cũng gợi ý luôn những giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Tuy nhiên, xác định nguyên nhân cũng như đề ra giải pháp một cách chung chung thì dễ; cái khó là ở chỗ làm sao để xác lập được giải pháp cụ thể và kế hoạch thực hiện khả thi. Chẳng hạn như làm sao để phân định được cán bộ nào sợ trách nhiệm nên không dám làm và cán bộ nào đùn đẩy, không muốn làm vì không có lợi ích gì, và ai là người phân định.

Khi đã phân định được rồi thì phải bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm” như thế nào để họ dám làm mà không sợ nữa? Còn cán bộ suy thoái, không muốn làm vì không có lợi ích gì thì thay thế bằng ai và ai có quyền ra quyết định thay thế? Đây đều là những vấn đề nói thì dễ, làm mới khó.

Vì vậy, vấn đề này không nên chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận ở hội trường Quốc hội, mà cần chuyển hóa thành một nghị quyết, trong đó đề ra những nhiệm vụ rất cụ thể cũng như những bước phải thực hiện với thời hạn xác định. Vì vấn đề cấp bách thì cũng cần phải có những hành động quyết đoán.

***

Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng là vấn đề thu hút nhiều quan tâm ở Quốc hội, trong đó mối bận tâm chủ yếu liên quan đến lãi suất tín dụng mà các đại biểu cho rằng còn cao, vượt ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp; và tình trạng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do ngân hàng lo ngại rủi ro. Tuy nhiên, có một vấn đề đáng lo khác, đó là nợ xấu trong các tổ chức tín dụng đã tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng lại ít được các đại biểu thảo luận.

Trước hết, cần hiểu rằng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là hướng tới đa mục tiêu, trong đó có vấn đề lãi suất. Điều đáng nói là các mục tiêu này nhiều khi lại mâu thuẫn nhau, nên tùy tình hình thực tế của từng giai đoạn cụ thể mà cần có thứ tự ưu tiên.

Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói rằng, giảm lãi suất phải đặt trong bối cảnh ổn định vĩ mô, tiền tệ và an toàn hệ thống ngân hàng. Phần giải thích của bà về bối cảnh thế giới và Việt Nam cũng đủ để cho thấy vì sao mục tiêu ổn định vĩ mô, tiền tệ và an toàn hệ thống ngân hàng trong năm ngoái và những tháng đầu năm nay lại vô cùng quan trọng.

Hiện nay, tình hình tuy đã dịu bớt, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm liên tục. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là mối lo rất hiện hữu. Vì vậy, việc ngân hàng lo ngại rủi ro khi cho vay lại là điều tốt. Hãy thử tưởng tượng, nếu các ngân hàng cứ dễ dãi cho vay, thậm chí không cần tài sản thế chấp như một số đề nghị, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Và khi nợ xấu tăng thì lãi suất cũng khó lòng mà giảm được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới