Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gội đầu, hớt tóc kiểu Hàn

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hai ngày trước Tết, tôi đi cắt tóc. Tôi thường hớt tóc ở tiệm quen gần sở làm. Nhưng lần này vừa ngại xa, vừa không biết tiệm quen này còn mở cửa hay không, tôi tìm một chỗ mới gần nhà mình.

Khu tôi ở có nhiều người Hàn Quốc sinh sống, và nhiều người Hàn có máu kinh doanh, nên việc cung cấp dịch vụ riêng cho cộng đồng tại chỗ của họ cũng kiếm được tiền. Thế nên, các dịch vụ chủ yếu dành cho người Hàn ở khu này không thiếu, trong đó có một số tiệm cắt tóc.

Thế là, Tết năm nay tôi đến một tiệm cắt tóc của người Hàn. Tôi lướt qua tiệm đầu tiên mà không dừng lại vì thấy đã có nhiều khách chờ. Tôi chọn tiệm thứ hai, ít khách hơn. Ở phía ngoài tiệm này có bảng hiệu bằng tiếng Hàn và tiếng Anh, chứng tỏ người Việt như tôi không phải là khách hàng chính của họ.

Tôi được một cô nhân viên người Việt mời ngồi ở bộ ghế dành cho khách chờ. Tiệm bài trí trang nhã, sạch bong. Tiệm hớt tóc mà không thấy một sợi tóc, trừ chỗ người thợ đang thao tác cắt tóc cho khách. Tôi nghe cô nhân viên người Việt nói người đang cắt tóc là thợ chính cũng là chủ tiệm cắt tóc này. Cô bảo tôi ông chủ mình cũng là người giỏi nhất ở đây.

Sau khi người khách trước đã xong, cô nhân viên mời tôi đến ghế. Qua phiên dịch của cô nhân viên, ông chủ người Hàn hỏi tôi cần cắt tóc như thế nào. Ông hỏi rất tỉ mỉ, kiên nhẫn, chỉ dừng lại khi đã hiểu được yêu cầu của tôi.

Nhìn đôi tay chuyên nghiệp của ông chủ, tôi biết mình sẽ không uổng công chờ. Thỉnh thoảng, ông dừng lại để hỏi tôi (qua cô nhân viên vẫn đứng kế bên) xem có vừa ý hay không, rồi mới tiếp tục.

Khi ông chủ dừng lại và cô nhân viên mở chiếc áo choàng ngăn tóc trên người tôi, tôi cứ tưởng là xong. Nhưng không, cô nhân viên mời tôi vào gội đầu. Tôi bảo không cần, với tôi vậy là đủ. Nhưng ông chủ và cô nhân viên kiên nhẫn giải thích cho tôi rằng chỉ cần ít phút là xong và gội đầu là cần thiết để sau đó ông có thể chỉnh sửa mái tóc tốt nhất.

Mấy phút sau, tôi trở lại ghế, áo choàng lại phủ lên để ông chủ tiếp tục công việc. Ông chỉ dừng lại khi đã nhận được cái gật đầu chứng nhận sự hài lòng của tôi.

Tôi trả tiền ra về trong lời cám ơn của ông chủ tiệm và nhân viên của ông. Thực tình mà nói, tôi phải trả gấp mấy lần số tiền thường phải trả cho một lần cắt tóc ở tiệm quen. Tuy nhiên, theo tôi, số tiền đó xứng đáng với chất lượng dịch vụ tôi đã hưởng.

Hơn nửa tiếng đồng hồ ở một tiệm hớt tóc do người Hàn làm chủ đủ cho tôi biết thế nào là sự khác biệt về chất lượng dịch vụ.

Tôi tự hỏi vì sao nhiều người Hàn thành công ở những nơi họ đến làm ăn.

Vnexpress.net dẫn nguồn chính quyền quận 7 cho biết có khoảng 11.000 người Hàn sống ở quận này trong số chừng 90.000 người Hàn sống ở TPHCM(1). Dĩ nhiên, không phải ai trong số họ cũng có được sự chú tâm vào công việc như ông chủ tiệm cắt tóc tôi nói ở trên, nhưng nhiều người - nếu không phải là đa số - đã làm như vậy. Và đây cũng là điều mà nhiều người Việt chúng ta còn thiếu.

Nhiều người Việt vẫn chưa hiểu rằng không phải chỉ “việc lớn” ảnh hưởng đến cả xã hội, cả quốc gia, hay một giao dịch tạo ra rất nhiều tiền mới cần đến sự chú tâm đó, mà tất cả các công việc - dù lớn, dù nhỏ - đều cần được thực hiện với chất lượng cao nhất có thể. Và đây cũng là điều tạo ra sự khác biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Còn một vấn đề khác từ câu chuyện hớt tóc của tôi mà tôi không biết nên xếp vào “loại” gì, cá tính của mỗi người hay, thậm chí, “dân tộc tính”. Đó là thái độ của người chủ một cơ sở kinh doanh. Tôi thấy rất nhiều ông chủ người Việt tỏ ra mình là chủ ở mọi lúc, mọi nơi. Hễ là chủ rồi thì không có chuyện trực tiếp phục vụ khách hay kiên nhẫn, mềm mỏng với khách vì đó là chuyện của nhân viên. Ở nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt, chuyện duy nhất người chủ làm, nếu có, là… thu tiền. Còn lại thuộc về nhân viên tất!

Dĩ nhiên, ông chủ không thể làm hết mọi việc, nhưng khi cần cũng phải xăng tay áo làm như nhân viên, thậm chí phải làm tốt hơn nhiều, thì mới tạo ra sự hài lòng của khách hàng và sự nể trọng của nhân viên. Nếu ngay cả người chủ mà không phục vụ khách hàng mình một cách tốt nhất thì làm sao buộc nhân viên làm được điều này?

Như đã nói ở trên, ngay trước Tết, ông chủ tiệm cắt tóc người Hàn dạy cho tôi một bài học về sự khác biệt của chất lượng dịch vụ. Tôi chưa có cơ hội để áp dụng bài học này, nhưng tôi nghĩ các ông, bà chủ người Việt thì rất, rất, rất nên làm.

------------

(1)https://vnexpress.net/pho-seoul-o-sai-gon-4060840.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới