Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gọi vốn cộng đồng: nhận diện mô hình, xác định quyền lợi

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vừa qua, dư luận khá xôn xao về thông tin liên quan đến một dự án khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng gọi vốn cộng đồng nổi tiếng - Indiegogo. Một số người cáo buộc doanh nghiệp gọi vốn có hành vi gian dối, “lùa gà” khi họ đã bỏ ra một số tiền đóng góp vào dự án nhưng nhận lại hàng hóa kém chất lượng. Từ câu chuyện này, vấn đề quyền lợi của những người đóng góp vốn cho các dự án thông qua mô hình gọi vốn cộng đồng được gợi lên kèm theo nhiều dấu chấm hỏi.

Mô hình nào quyền lợi đó

Gọi vốn cộng đồng (GVCĐ) là một hình thức huy động nguồn lực tài chính từ đông đảo công chúng để thực hiện các dự án. Thông thường, GVCĐ được thực hiện thông qua một nền tảng trực tuyến (platform), hay có thể qua trang web riêng của doanh nghiệp gọi vốn hoặc qua mạng xã hội.

GVCĐ gắn liền với hai đặc trưng: (i) hoạt động được diễn ra trên một nền tảng trực tuyến, nền tảng này là trung gian kết nối bên gọi vốn và công chúng, điển hình như các nền tảng nổi tiếng thế giới Indiegogo, Campfire, Kickstarter, Patreon; (ii) sự tham gia của một số lượng lớn người đóng góp vốn, phần lớn là cá nhân với những khoản tiền nhỏ.

Hoạt động GVCĐ gắn liền với mối quan hệ giữa ba chủ thể: (i) doanh nghiệp huy động vốn; (ii) đông đảo người đóng góp vốn; (iii) doanh nghiệp vận hành nền tảng trực tuyến. Theo đó, doanh nghiệp huy động vốn sẽ niêm yết thông tin về dự án kèm theo thông tin xác định rõ mục tiêu huy động vốn và thời gian dự kiến đạt được mục tiêu này.

Thông tin này sẽ được công bố rộng rãi đến công chúng và nền tảng sẽ đứng ra tiếp nhận tiền đóng góp vốn cho dự án từ cộng đồng.

Việc thiếu quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ gọi vốn cộng đồng dẫn đến tình trạng thiếu một cơ sở pháp lý cụ thể và phù hợp để áp dụng trong trường hợp phát sinh tranh chấp, đặc biệt trong việc quản lý tiền đóng góp từ cộng đồng, tính minh bạch trong hoạt động công bố thông tin và mức độ tuân thủ cam kết của bên gọi vốn.

Sau khi kết thúc thời hạn huy động vốn, nếu số tiền nhận được đạt được mục tiêu huy động vốn thì toàn bộ sẽ được chuyển cho doanh nghiệp huy động vốn. Nếu kết thúc thời hạn, số tiền huy động vốn vẫn không đạt mục tiêu thì tùy vào quy chế của nền tảng, số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho những người đóng góp vốn hoặc vẫn được chuyển cho các chủ dự án.

Trong quá trình thực hiện dự án, nền tảng cũng sẽ là kênh kết nối doanh nghiệp huy động vốn và cộng đồng người đóng góp vốn để cập nhật tiến độ dự án và xử lý các vấn đề phát sinh.

Mô hình chung là như vậy thế nhưng GVCĐ tồn tại nhiều loại khác nhau. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp gọi vốn và người đóng góp vốn có nhiều sự khác nhau tương ứng với từng loại.

Dựa trên thực tiễn của hoạt động này, có thể nhận thấy đang tồn tại bốn loại GVCĐ phổ biến: (i) tặng cho/tài trợ (donation-based/crowddonating), (ii) đổi quà tặng (reward-based/crowd-supporting), (iii) cho vay (lending-based/crowdlending), và (iv) đầu tư (equity-based/crowdinvesting).

Với loại tặng cho/tài trợ, thông thường số đông đóng góp vốn với mục đích hỗ trợ tài chính cho chủ dự án thực hiện những công việc mang ý nghĩa xã hội và không yêu cầu bất kỳ lợi ích vật chất nào.

Quan hệ giữa bên gọi vốn và bên góp vốn thuộc loại này có nhiều yếu tố tương đồng với quan hệ tặng cho có điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (điều 457) hay quan hệ tài trợ doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 (điều 10) trong trường hợp bên gọi vốn là một doanh nghiệp xã hội.

Do đó, nghĩa vụ của bên gọi vốn là phải sử dụng nguồn tài chính đúng mục đích đã công bố công khai trên nền tảng. Nếu vi phạm, bên góp vốn có thể yêu cầu hoàn trả lại tiền dựa trên cơ sở bên nhận tặng cho đã vi phạm điều kiện của hợp đồng tặng cho hoặc vi phạm quy định về mục đích sử dụng tiền tài trợ của doanh nghiệp xã hội.

Công chúng cần chủ động trong việc tìm hiểu, thẩm định thông tin của dự án, độ uy tín của chủ dự án, quyền lợi của người đóng góp vốn cũng như những cảnh báo, tuyên bố của nền tảng trước khi quyết định tài trợ cho bất kỳ dự án nào.

Với loại đổi quà tặng, bên đóng góp vốn sẽ được nhận hàng hóa hoặc dịch vụ trong tương lai từ kết quả của dự án. Bản chất của quan hệ này vẫn còn là vấn đề chưa đạt được sự thống nhất. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến nhất vẫn xem đây là một loại quan hệ mua bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ trả trước với những điều kiện ưu đãi như quyền ưu tiên.

Theo đó, bên gọi vốn đóng vai trò như bên bán và người đóng góp vốn như một người tiêu dùng. Quyền của người đóng góp vốn sẽ được bảo vệ bởi quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa/hợp đồng cung ứng dịch vụ và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Quan điểm này phù hợp trong bối cảnh của các quốc gia chưa ban hành khung pháp lý riêng điều chỉnh GCVĐ hoặc sử dụng những chế định sẵn có để điều chỉnh mối quan hệ này, điển hình như Việt Nam.

Tuy vậy, cũng có quan điểm cho rằng, tư cách của bên đóng góp vốn trong trường hợp này mang tính hỗn hợp giữa một nhà đầu tư với một người tiêu dùng nên không phù hợp khi xem xét họ với tư cách của một người mua hàng/sử dụng dịch vụ và không thể điều chỉnh quan hệ giữa các bên dưới góc độ của một hợp đồng mua bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ.

Dù theo quan điểm nào thì dường như có sự thống nhất chung rằng, quyền lợi của người đóng góp vốn trong trường hợp này sẽ được luật pháp bảo vệ như một người tiêu dùng vì tồn tại hành vi sử dụng hàng hóa/dịch vụ được cung cấp từ doanh nghiệp là chủ dự án.

Với loại cho vay, tồn tại hàng loạt hợp đồng vay tiền giữa doanh nghiệp huy động vốn với số đông người đóng góp vốn. Bản chất quan hệ này là khá rõ ràng và chịu sự điều chỉnh của chế định hợp đồng vay tài sản của pháp luật dân sự.

Theo đó, doanh nghiệp vay vốn có nghĩa vụ sử dụng tiền đúng mục đích đã công bố và hoàn trả lại tiền gốc, lãi theo đúng cam kết. Nếu vi phạm, bên đóng góp vốn có thể sử dụng quyền truy đòi và yêu cầu áp dụng các chế tài kèm theo như lãi chậm thanh toán.

Với loại đầu tư vốn, chủ dự án sẽ kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng và đổi lại là quyền sở hữu cổ phiếu/trái phiếu do chính công ty phát hành. Loại này có bản chất của hoạt động phát hành chứng khoán để huy động vốn truyền thống nhưng được tiến hành theo một phương thức đơn giản và nhanh gọn hơn. Người đóng góp vốn trong trường hợp này có tư cách của một nhà đầu tư (cổ đông hoặc trái chủ) và có các quyền lợi tương ứng với tư cách của một cổ đông hay trái chủ.

Với bản chất là hướng đến số đông công chúng đầu tư nên hoạt động này thường thỏa mãn các tiêu chí của một đợt chào bán chứng khoán ra công chúng và phải chịu sự điều chỉnh của luật về chứng khoán. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn khắt khe của luật về chứng khoán là một rào cản vô cùng lớn đối với GVCĐ, vốn được xem là một hình thức huy động vốn thay thế và phù hợp với những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở những giai đoạn đầu.

Do đó, một số quốc gia đã ban hành quy định riêng điều chỉnh GVCĐ theo loại này hoặc bổ sung quy định miễn trừ áp dụng một số điều của luật về chứng khoán. Tại Việt Nam, GVCĐ loại này rất khó thực hiện vì dễ dàng vi phạm quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng của Luật Chứng khoán Việt Nam.

Thiếu khung pháp lý, nhiều rủi ro

Trong thực tế hiện nay tại Việt Nam, GVCĐ chưa được quy định bởi một khung pháp lý riêng biệt và do đó, các quan hệ liên quan chủ yếu phụ thuộc vào pháp luật dân sự.

Việc thiếu quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ GVCĐ dẫn đến tình trạng thiếu một cơ sở pháp lý cụ thể và phù hợp để áp dụng trong trường hợp phát sinh tranh chấp, đặc biệt trong việc quản lý tiền đóng góp từ cộng đồng, tính minh bạch trong hoạt động công bố thông tin và mức độ tuân thủ cam kết của bên gọi vốn.

Đối với cam kết về bảo vệ khách hàng, một số nền tảng khẳng định trách nhiệm pháp lý của họ chỉ giới hạn, bất kể Việt Nam có quy chế pháp lý cho GVCĐ hay không. Mặc dù điều này không sai, nhưng người dùng có thể cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt hơn ngoài những cam kết đơn thuần trên trang web chính thức, bao gồm cả việc hoàn tiền, yêu cầu kết nối với dự án, trách nhiệm theo dõi và giải ngân có điều kiện, cũng như việc thiết lập quỹ dự phòng.

Bên cạnh đó, cơ chế thẩm định chất lượng dự án hoặc ý tưởng và năng lực của bên gọi vốn cũng chưa được làm rõ. Một số nền tảng tuyên bố sẽ tham gia vào việc thẩm định các dự án và ý tưởng của bên gọi vốn, nhưng tiêu chí và quy trình cụ thể không được công bố. Do đó, không thể loại trừ trường hợp các dự án chỉ là “bánh vẽ” để lừa đảo tiền từ cộng đồng hoặc sử dụng tiền một cách sai trái.

Thực tế cho thấy việc công bố số liệu tài chính để chứng minh quá trình sử dụng tiền huy động vẫn khá hạn chế và thiếu độ tin cậy. Cơ chế giải quyết khi dự án chậm tiến độ hoặc thất bại cũng được thể hiện một cách sơ sài trong các điều khoản của nền tảng.

Hơn nữa, đối với các nền tảng GVCĐ mang tính xuyên biên giới, tính rủi ro càng cao hơn vì sự phức tạp trong việc xác định pháp luật điều chỉnh hay cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc khởi tạo một vụ tranh chấp để đòi lại quyền lợi dường như là bất khả thi và hoàn toàn không phù hợp với bản chất của GVCĐ (thường các khoản đóng góp có giá trị khá nhỏ).

Vì vậy, công chúng cần chủ động trong việc tìm hiểu, thẩm định thông tin của dự án, độ uy tín của chủ dự án, quyền lợi của người đóng góp vốn cũng như những cảnh báo, tuyên bố của nền tảng trước khi quyết định tài trợ cho bất kỳ dự án nào.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
Tài liệu tham khảo:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp (2023), Huy động vốn cộng đồng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo: các khuyến nghị chính sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới