Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hà Nội cố gắng đẩy nhanh hơn các tuyến đường sắt đô thị

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Sau khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông sau hơn 10 năm đầu tư xây dựng, UBND thành phố Hà Nội muốn đẩy nhanh 4 tuyến đường sắt đô thị khác cũng có thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội đạt gần 90% tiến độ đối với 8 km trên cao, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 cuối năm 2022. Đây là thông tin được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin tại cuộc họp về dự án đường sắt đô thị cuối tuần trước tại Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội và ga Hà Nội-Hoàng Mai sử dụng vốn và công nghệ Pháp
Ảnh: Bộ GTVT

Theo ông Tuấn, 8 km trên cao khai thác trước thì cơ bản về đích nhưng 4 km cuối là chạy ngầm thì rất phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng. Hiện UBND TP Hà Nội đang giải phóng mặt bằng số nhà 23 Quốc Tử Giám để bàn giao cho nhà thầu vào cuối năm nay, xây dựng nhà ga S11.

Đây là dự án cũng có thời gian đầu tư đến 11 năm chưa được đưa vào khai thác và có hai vụ khởi kiện của các nhà thầu nước ngoài. Gần nhất là liên danh nhà thầu Hyundai-Ghella (HGU) khiếu nại và tiến hành khởi kiện đòi bồi thường 114,7 triệu đô la Mỹ đối với Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội vì chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, gây thiệt hại. Vụ việc đang trong quá trình đàm phán giữa các bên.

Tại cuộc họp với báo giới, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông và Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đều cho rằng điểm nghẽn lớn của các dự án hạ tầng trong đô thị là giải phóng mặt bằng. Ông Đông nói Chính phủ đã rút ra bài học này và ngày càng tách dần các dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, tách khỏi dự án chính. Ví dụ như dự án xây dựng sân bay Long Thành đã áp dụng cơ chế tách riêng dự án.

Đối với các dự án đường sắt đô thị, giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề rất đau đầu và gây ra khiếu kiện. Trước đó, dự án Nhổn-ga Hà Nội đã xảy ra nhiều tính trạng tái lấn chiếm mặt bằng đã giải phóng xong nhưng chưa thi công đến (nhà ga S2,S7…) nên chủ đầu tư đã phải đàm phán, thuyết phục nhà thầu chấp thuận tiếp nhận mặt bằng từng phần để thi công nhằm giảm thiếu thiệt hại lên dự án.

Hà Nội hy vọng đến 2024-2025 có thể đưa nốt 4 km tàu điện chạy ngầm tại dự án Nhổn-ga Hà Nội vào hoạt động cùng 8 km dự kiến hoàn thành trước và kết nối với dự án Cát Linh- Hà Đông.

Theo ông Tuấn, dự án đường sắt đô thị Hồ Tây- Hòa Lạc cũng đang trình Chính phủ với tổng vốn đầu tư 6.500 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, dự kiến phải khởi công trong giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có tổng chiều dài 39 km.

Dự án thứ ba là dự án Ga Hà Nội - Hoàng Mai (giai đoạn 2, nối tiếp dự án Nhổn-ga Hà Nội) dài 8,8 km, chủ yếu đi ngầm, dự kiến vay vốn của Chính phủ Pháp tới 1,72 tỉ đô la Mỹ. Do tuyến này chủ yếu đi ngầm nên dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng 352 nhà dân và đi vào vận hành vào cuối năm 2030.

Dự án thứ tư mà Hà Nội dự kiến là Nam Thăng Long- ga Hà Nội, UBND thành phố và các cơ quan liên quan đã trình Quốc hội, dài 11,5 km, vay vốn của Nhật bản. Do điều chỉnh một loạt nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi nên tiến độ được lùi đến 2027 và hiện đang xây dựng dở dang.

Dự án thứ năm là Nam Thăng Long- Nội Bài cũng đang nghiên cứu đầu tư.

Vấn đề của các dự án đường sắt đô thị Hà Nội nếu đang xây dựng thì đều lùi tiến độ bàn giao từ vài năm đến hơn chục năm. Những dự án còn lại thì đang thực hiện rất nhiều điều chỉnh và ông Dương Đức Tuấn nói: “Tại các dự án này đều gặp vấn đề về vay vốn ODA, năng lực quản lý hệ thống, năng lực tổng thầu EPC …”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới