(KTSG Online) – Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu năm 2023 đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng miễn phí cho 14.720 người lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng.
- Hà Nội: Ưu tiên vốn cho hoạt động đào tạo nghề
- Hà Nội, TPHCM kết nối việc làm cho người lao động sau Tết
Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND về chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng miễn phí cho 5 nhóm lao động trên địa bàn Hà Nội năm 2023, gồm: phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo cho 14.720 người, trong đó 14.202 lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học và có nhu cầu học nghề; 500 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện lưu ý nhóm người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa có tối thiểu 6 tháng làm việc liên tục trước khi tham gia khóa đào tạo; nhóm lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền; người lao động thuộc hộ kinh doanh, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải chuyển chỗ ở có nhu cầu đào tạo nghề và trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các đối tượng đủ điều kiện được đào tạo nghề có mức hỗ trợ đào tạo theo quy định của UBND thành phố ban hành. Trường hợp, người đồng thời thuộc các đối tượng ưu tiên hỗ trợ thì được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.
Đặc biệt, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ, mức hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 4285/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, hưởng từ 4.027.000 – 9.822.000 đồng/người/nghề.
UBND thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tham gia chương trình đào tạo này phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đặng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đào tạo nghề, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt và có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết thêm, để nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn, nawm2023 Hà Nội tiến hành tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ cao đẳng cho ít nhất 25.500 người; trình độ trung cấp cho 28.500 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 14.720 người lao động yếu thế và hưởng một số ưu tiên đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, giải quyết việc làm.
Thành phố sẽ tập trung đầu tư 4 trường cao đẳng công lập: Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội thành trường chất lượng cao theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN với một số nghề trọng điểm: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...