(KTSG Online) - Lãnh đạo thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành gần 405 km đường sắt đô thị, còn TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành 200 km loại đường sắt này.
- Kéo dài niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe đường sắt đến năm 2030
- Ba kịch bản cho đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Thông tin trên được nêu ra tại hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải, diễn ra ngày 28-12, TTXVN đưa tin.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc phát triển vận tải hành khách công cộng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong đó có phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km. Hiện nay, thành phố mới chỉ hoàn thành 13 km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5 km (tuyến 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội). Như vậy, để hoàn thành gần 405 km đường sắt còn lại trong 12 năm tới như kế hoạch đề ra thì kinh phí cần bố trí thực hiện là 37 tỉ đô la Mỹ, tương đương 850.000 tỉ đồng.
Còn Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố đang tập trung quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, đặt mục tiêu đến năm 2035, hoàn thành 200 km đường sắt đô thị.
Theo TTXVN, năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó có 9 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km.
Ngành giao thông vận tải cũng đã đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài gần 724 km, 3 cao tốc trục Đông - Tây, 2 đường vành đai TPHCM và Hà Nội, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, khởi công một số dự án như Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chợ Mới - Bắc Kạn, Hòa Liên - Túy Loan.
Về hàng không, nhà ga hành khách T2, cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Về đường sắt, ngành chức năng cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch 2 dự án; đã khởi công 3 dự án gồm cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM và cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc.