(KTSG Online) - Theo kế hoạch số 84 về phát triển thị trường lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến năm 2025, thành phố hướng đến mục tiêu có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt từ 75-80% trong tổng số lao động xã hội. Thành phố sẽ ưu tiên các nguồn vốn trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
- Đào tạo, chuyển đổi nghề cho 50.000 ngư dân từ đánh bắt sang nuôi trồng hải sản
- Tháo gỡ khó khăn về giấy phép lao động cho người nước ngoài
Trong bản kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển thị trường lao động trên địa bàn đã được phê duyệt, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động nông thôn đạt khoảng 25% tổng lao động xã hội; bình quân của tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 7%/năm.
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt từ 75-80%, trong đó, lao động đã qua bằng cấp, chứng chỉ đạt hơn 55%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt từ 50% và có 40% số lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các trung tâm có vai trò là đầu mối thông tin thị trường lao động như trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm; thực hiện nhiều loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội; tạo nhiều việc làm mới, việc làm xanh.
Các đơn vị, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng phân luồng và đảm bảo quyền lợi của học viên là vừa được học nghề, vừa học văn hóa ngay tại cơ sở đào tạo; đồng thời, theo dõi và đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án nghiên cứu đầu tư vào địa phương.
Thành phố sẽ ưu tiên các nguồn vốn nhằm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động như bố trí vốn ngân sách nhà nước theo quy định về ngân sách và phân cấp ngân sách nhà nước, kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án liên quan và từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Về tình trạng thiếu việc làm cục bộ, đơn vị liên quan sẽ đề ra các giải pháp để phát triển những hình thức giao dịch việc làm theo hướng áp dụng công nghệ số, thích ứng với những biến động thị trường, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng cung – cầu lao động.
Đối với giải pháp tạo việc làm bền vững, thành phố sẽ đầu tư nguồn nhân lực vào dự án mà tạo được việc làm bền vững, việc làm mang lại năng suất cao; nghiên cứu và đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động mang tính đặc thù, lao động yếu thế; đặc biệt là tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện khi hoàn thành nhiệm vụ.
Có chính sách khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút lao động, chuyển dần lao động từ phi chính thức sang lao động chính thức.
Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động như thêm nhiều gói dịch vụ an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm, phát triển nhà ở xã hội và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, các chính sách về hỗ trợ tín dụng…