(KTSG Online) - Theo thông tin của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thứ nhất và thứ hai ở Việt Nam đều là bạn và từng ở chung nhà tại Dubai. Theo lịch trình ban đầu, bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai sẽ nhập cảnh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Tuy nhiên, người này đã được bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ nhất khuyên nên nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
- Sau ca đậu mùa khỉ đầu tiên, HCDC cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm ca bệnh ở TPHCM
- TPHCM: Chủng virus ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên khác với Trung Tây Phi
Ngày 20-10, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, thông tin về mối liên hệ giữa bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên và thứ hai vừa được ghi nhận, ông Lê Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết qua các thông tin thu thập của HCDC, bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thứ nhất và thứ hai đều là bạn và từng ở chung nhà tại Dubai. Tuy nhiên, ngành y tế chưa đủ thông tin để khẳng định họ có tiếp xúc với nhau hay không.
Nữ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam từng đi du lịch tại Dubai từ hồi tháng 7-2022 đến ngày 22-9 thì về Việt Nam. Còn bệnh nhân thứ hai đã nhiều lần qua Dubai, lần gần nhất từ ngày 29-9 và về Việt Nam ngày 18-10.
Khi bệnh nhân thứ hai về nước, nhân viên y tế sân bay đã cách ly, đưa ngay đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để điều trị và hiện sức khỏe đã ổn định. Những người từng tiếp xúc bệnh nhân thứ hai vẫn đang ở Dubai.
Ông Tâm cũng cho biết thêm bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai của Việt Nam thường trú tại tỉnh Tuyên Quang. Theo kế hoạch trước đó, người này sẽ nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Tuy nhiên, bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên (điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã xuất viện) khuyên người bạn (bệnh nhân thứ hai) thay đổi lịch trình và nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó, bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã tự giác báo cho cơ quan y tế về thông tin bạn mình (bệnh nhân thứ hai) sắp nhập cảnh. Vì vậy, ngành y tế TPHCM đã có phương án phối hợp, xử lý, điều trị kịp thời.
Nói về nguyên nhân tại sao thời gian về nước giữa hai bệnh nhân khá xa nhưng vẫn bị lây nhiễm, Phó giám đốc HCDC lý giải bệnh đậu mùa khỉ lây qua vết bỏng nước, mủ, dịch… nên có thể vết mụn chứa dịch của bệnh nhân thứ nhất còn bám trên một số vị trí của ngôi nhà tại Dubai, khi bệnh nhân thứ hai sang đến nơi và tiếp xúc những bề mặt này nên lây nhiễm.
Về công tác phòng, chống dịch đậu mùa khỉ, ông Tâm cho biết ngay từ khi Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh, HCDC đã lên nhiều phương án phối hợp với các đơn vị y tế như Viện Pasteur TPHCM, Trung tâm cấp cứu 115… để lên kế hoạch điều trị, xử lý ca bệnh. Với tình hình hiện nay, ngành y tế thành phố vẫn có thể kiểm soát được các ca bệnh mọi người không phải quá lo lắng. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ nên báo cơ quan chức năng cách ly, chữa trị để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.