(KTSG Online) - Sau khi vụ hối lộ để bán test kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á bị phơi bày, có ba câu hỏi cần đặt ra: Chất lượng của các bộ kit này ra sao? Hai bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế đã làm gì sau khi bộ kit của Việt Á không được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận từ hơn một năm qua? Tại sao lại có sự đánh tráo khái niệm từ việc "WHO cấp mã số" thành "WHO chấp thuận" bộ kit này?
Sở dĩ phải hỏi như vậy là vì theo công bố ngày 20-10-2020, WHO kết luận bộ test kit của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Việt Á) "không được chấp nhận" (Not Accepted) sau khi thẩm định. Trên trang web của WHO có đầy đủ thông tin và bản báo cáo "Public report for LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR kit" đối với test kit này(*).
Tháng 4-2020, Việt Á đã đăng ký với WHO để thẩm định theo quy trình EUL đối với test kit LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit (LightPower) và được cấp số đăng ký EUL 0524-210-00. EUL là quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp dành cho các tình huống khẩn cấp về sức khỏe để hỗ trợ thông tin cho các cơ quan mua sắm và các nước thành viên Liên hiệp quốc.
Trên cơ sở đánh giá EUL, các nước có thể quyết định phê duyệt, sử dụng các sản phẩm cụ thể đã được chấp thuận trong danh sách được WHO phê duyệt. Quy trình EUL bao gồm đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và kế hoạch giám sát sau thị trường của nhà sản xuất, đánh giá tài liệu cụ thể về sản xuất và tài liệu chứng minh về tính an toàn, độ hiệu quả.
Sau lần nộp hồ sơ đầu tiên, đầu tháng 6-2020, Việt Á được yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung . Đến tháng 10-2020, WHO công bố kết luận bộ kit của Việt Á "không được chấp nhận", tức là không đủ tiêu chuẩn để vào chương trình mua sắm của WHO.
Lần ngược lại thời gian, vào khoảng cuối tháng 4-2020, báo chí trong nước dẫn nguồn từ Bộ Khoa học và Công nghệ đưa tin kit xét nghiệm LightPower của Việt Á "đã được WHO chấp thuận với số đăng ký EUL 0524‐210‐00"(**). Thông tin này cũng được đăng tải trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, hiện tại bài viết này - xuất bản ngày 26-4-2020 với đường dẫn http://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=17701&tieude=bo-kit-xet-nghiem-covid--19-cua-viet-nam-san-xuat-vua-duoc-to-chuc-y-te-the-gioi-chap-thuan.aspx - đã được gỡ bỏ(***).
Đây là thông tin không chính xác vì việc WHO cấp số đăng ký chỉ có nghĩa là tổ chức này nhận hồ sơ thẩm định test kit LightPower theo quy trình EUL chớ không hề mang ý nghĩa là "được WHO công nhận" như các bản tin nói trên. Tại sao lại có sự đánh tráo khái niệm giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại một cơ quan chuyên trách quản lý khoa học là Bộ Khoa học và Công nghệ?
Điều đáng nói hơn là sau khi WHO công bố kit xét nghiệm LightPower của Việt Á không được phê duyệt đưa vào danh sách khuyến cáo mua sắm của tổ chức này từ tháng 10-2020 đến nay, thông tin này đã được xử lý ra sao? Thật khó hình dung về việc hai bộ có liên quan trực tiếp đến chất lượng và sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế lại không hay biết gì về kết quả này.
Như vậy, hơn một năm trôi qua sau khi có kết quả từ phía WHO, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Y tế đã có những động thái gì liên quan đến kiểm tra chất lượng sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á? Tại sao trong hơn một năm đó, Việt Á vẫn bán được hàng triệu bộ test kit mà không gặp phải trở ngại nào?
-------------------
(*) https://www.who.int/publications/m/item/EUL-0524-210-00
(**) https://www.sggp.org.vn/bo-kit-xet-nghiem-covid19-cua-viet-nam-duoc-who-cong-nhan-659377.html
(***) https://tuoitre.vn/bo-khoa-hoc-cong-nghe-go-tin-bo-kit-test-covid-19-cua-viet-nam-duoc-who-chap-thuan-20211220151132514.htm
Không còn biết tin vào đâu?! Không muốn nên nói thêm gì!
Mạng người như cỏ rác
Khi dịch bùng phát mạnh, có nhiều viện/ tổ chức lên truyền hình công bố thành tích nghiên cứu kit xét nghiệm, sản phẩm này khác… rất hoành tránh. Nhưng mong chờ riết vẫn không thấy công khai phổ biến, sản xuất đại trà cho dân ta sử dụng. Bây giờ vỡ lở ra mới biết rằng, nói vậy nhưng không phải vậy?
Sợ quá. Bộ kit test không được WHO chấp nhận mà vẫn được bán rộng rãi tại Việt Nam. Trách nhiệm của Bộ Y tế thế nào?
Vaccine nội địa đến giờ cũng chưa thấy có thông tin mới. Liệu có phải đã thất bại?
CDC 30 tỉ thì hỏi mấy ông cấp cao hơn hưởng bao nhiêu trong doanh thu hơn 4k tỉ.
Trung thưc là tiêu chí hàng đầu của người làm khoa học. Với khoa học sức khỏe thi tiêu chí này càng quan trọng hơn. Nếu làm ngược lại, mọi sự xem như hỏng hết.