Thứ Sáu, 28/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hai chiều lợi ích trong xu hướng chuyển sàn của các doanh nghiệp niêm yết

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, hoặc chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE thường giúp các cổ phiếu có định giá cao hơn, qua đó mang lại cơ hội đầu tư sinh lời cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân cần cảnh giác trước các tin đồn, thông tin có tính chất ‘bơm thổi’ để tránh thiệt hại đáng tiếc.

Những kỳ vọng từ ‘làn sóng’ niêm yết

Những tháng gần đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) ghi nhận nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ chuyển sàn hoặc có kế hoạch niêm yết mới thời gian qua. Theo đó, bốn doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết mới gồm: Công ty cổ phần chứng khoán DSC, Công ty cổ phần chứng khoán DNSE, Công ty cổ phần điện lực Gelex – Gelex Electric, Công ty cổ phần sản xuất và đầu tư Hoàng Gia.

Kế hoạch chuyển sàn của doanh nghiệp mang theo kỳ vọng của nhiều người về cơ hội đầu tư sinh lời trong ngắn hạn. Ảnh: LÊ VŨ

Với DNSE, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, cụ thể niêm yết trên sàn HoSE vào quí 3-2024, là thông điệp được lãnh đạo doanh nghiệp gửi tới nhà đầu tư thềm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đầu năm 2024.

Theo quy định tại Nghị định 155/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019, một trong các tiêu chí để một doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên sàn là đã giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM tối thiểu 2 năm hoặc là doanh nghiệp đã IPO, doanh nghiệp cổ phần hóa. IPO trở thành một công ty đại chúng, như cách DNSE thực hiện, là con đường ngắn hơn tiến đến niêm yết, thay vì chờ đợi 2 năm ở sàn UPCoM.

Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư của DNSE cho biết đơn vị chọn lên sàn năm 2024 vì đó là giai đoạn thuận lợi khi có sự đồng thuận từ Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình nâng hạng TTCK và môi trường lãi suất thấp.

“Đây là thời điểm thuận lợi để công ty chứng khoán niêm yết lên sàn, từ đó tăng quy mô hoạt động, cũng như quy mô thị phần. Số liệu đến cuối năm 2023 cho thấy, thị phần mở mới của chúng tôi chiếm hơn 30%, cho thấy nhu cầu đầu tư của người dân cũng như quy mô của thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển”, ông Hoà giải thích.

Bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết, một số doanh nghiệp lớn cũng có kế hoạch đưa cổ phiếu của công ty con/công ty thành viên chuyển từ sàn UpCoM sang HOSE trong năm nay.

Với Masan, quyết định chuyển sàn với Masan Consumer – vốn được chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang ví như “viên kim cương gia bảo” của Tập đoàn – hướng tới mục tiêu huy động vốn. Trước đó, Masan Consumer từng tiến hành nhiều đợt phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm của Masan Consumer trong vòng 6-7 năm qua là cơ sở khi xét đến việc thực hiện kế hoạch IPO. Đồng thời kỳ vọng đợt chào bán cổ phiếu của Masan Consumer sẽ giúp nâng định giá cổ phiếu đang bị giao dịch ở dưới giá trị nội tại trên sàn UPCoM.

Bên cạnh những yếu tố trên, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, việc IPO công ty con hoạt động hiệu quả sẽ tạo thêm ‘hàng’ mới hấp dẫn cho thị trường, qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn mà không phải tăng thêm gánh nặng lãi vay. Thậm chí, có thể giải quyết vấn đề vốn cho cả công ty con và công ty mẹ.

Với trường hợp công ty con phát triển tốt sau khi niêm yết sẽ là “phao cứu sinh” để dần phục hồi công ty mẹ.

“Không ít doanh nghiệp đã đuối vốn, khả năng trả nợ cũng ở mức yếu nên việc huy động vốn qua kênh trái phiếu vẫn khó khăn. Ngoài ra, việc tiếp cận tín dụng cũng vướng nhiều rào cản, dù mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp”, ông Huân nói với KTSG Online.

Cũng theo ông Huân, việc các doanh nghiệp lớn chọn giai đoạn này để thực hiện IPO và chuẩn bị kế hoạch niêm yết là tín hiệu tích cực trong bối cảnh cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam dần hiện hữu.

Theo đó, thị trường Việt Nam có thể được chính thức nâng hạng từ cận biên lên mới nổi vào tháng 9-2025 nếu đáp ứng được đủ các tiêu chí của FTSE. Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) ước tính giá trị dòng vốn thụ động tối thiểu chảy vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 882 triệu đô la khi quyết định nâng hạng của FTSE có hiệu lực, còn dòng vốn chủ động có thể lớn hơn gấp 10 lần.

Như vậy, những cổ phiếu lên sàn giai đoạn này có thể hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư gián tiếp trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đô la chảy vào Việt Nam.

Nâng cao chất lượng nhà đầu tư là một trong những điều kiện cần để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, việc chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang HoSE sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do độ minh bạch về thông tin cao hơn, qua đó thu hút thêm nhiều đối tượng nhà đầu tư và tăng tính thanh khoản.

Như vậy, những doanh nghiệp thực sự tốt và triển vọng, có lợi thế cạnh tranh trong nghành sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào nắm giữ và hưởng chênh lệch giá cho đầu cơ ngắn hạn hoặc đầu tư trung dài hạn.

Nhà đầu tư cá nhân nên cẩn trọng

Thực tế, cổ phiếu của các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển sàn luôn được nhà đầu tư săn đón. Với Masan Consumer, hiệu ứng chuyển sàn cùng những kỳ vọng của lãnh đạo doanh nghiệp đã sớm phản ánh vào giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu MCH mỗi phiên, giúp không ít nhà đầu tư hưởng lợi.

Cụ thể, trong vòng một tháng sau cuộc họp ĐHĐCĐ, thị giá cổ phiếu MCH tăng hơn 30%, quy mô vốn hoá của doanh nghiệp vượt mốc 5 tỉ đô la Mỹ. Đồng thời, thanh khoản các phiên đều lên đến vài trăm nghìn đơn vị cổ phiếu.

Tình huống tương tự diễn ra với cổ phiếu MCM của Mộc Châu Milk, khi thông tin chuyển sàn niêm yết không chỉ là cú hích giúp cổ phiếu MCM xác lập kỷ lục giá mới, mà thanh khoản cũng tăng từ mức vài chục nghìn đơn vị lên vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.

Việc đầu tư theo kế hoạch chuyển sàn của doanh nghiệp cũng từng mang lại nhiều lợi nhuận, nên nhiều nhà đầu tư có xu hướng ‘canh’ mua cổ phiếu trên sàn cũ khi có thông tin về thời gian dự kiến chuyển sàn. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào chuyển sàn cũng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhất là các cổ phiếu có yếu tố đầu cơ, ‘bơm thổi’ thông tin ngắn hạn, hoặc hoạt động nội tại chưa tốt.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã: DXS) được giới thiệu là “bom tấn” của thị trường năm 2021. Nhưng sau khi đạt đỉnh giá 25.460 đồng một cổ phiếu khi kết phiên ngày 21-3-2022, thì liên tục giảm, chỉ còn 7.900 đồng một cổ phiếu khi kết phiên ngày 28-5-2024. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng liên tục lao dốc sau khi lên sàn.

Điều này khiến Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn phải trích lập dự phòng 26,28 tỉ đồng tính tới cuối quí 1-2024, sau khi đầu tư 60,3 tỉ đồng mua cổ phiếu DXS vào quí 3-2021.

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt lưu ý nhà đầu tư tránh mua theo tâm lý hưng phấn, theo câu chuyện bị thổi phồng, tin đồn, thông tin chưa xác thực. Theo đó, cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp dự định mua vào, triển vọng ngành nghề kinh doanh, và lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh không ít mã cổ phiếu có giá trị giao dịch tương đương hoặc cao hơn rất nhiều so với mức định giá phù hợp từ trước khi niêm yết/chuyển sàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh, nhà đầu tư cá nhân thường là đối tượng chịu thua thiệt do bất bình đẳng thông tin so với các đối tượng đầu tư khác, như: doanh nghiệp, tổ chức trung gian là công ty chứng khoán. Cụ thể, các công ty chứng khoán được tiếp xúc nhiều hơn với doanh nghiệp qua mỗi buổi gặp gỡ nhà đầu tư và cổ đông lớn để cập nhật dự báo về lợi nhuận, kế hoạch triển khai các dự án lớn, bán các tài sản tài chính… trong khi cổ đông nhỏ lẻ thường không được mời.

“Những ‘tay chơi lớn’ này không chỉ vượt trội về năng lực vốn so với nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà luôn có lợi thế hơn cả về thông tin một cách miễn phí”, ông Huân nói và lưu ý việc định giá, xác định triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp rất trừu tượng, phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các bên tham gia.

Cũng theo vị này, các cơ quan quản lý cần cải thiện các quy định và nâng cao quy chuẩn về công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời, có giải pháp công nghệ và khung pháp lý để hạn chế giao dịch nội gián, nhất là khi thị trường luôn tồn tại tin đồn, mà nhiều tin đồn sau đó thành thật.

“Điều này cho thấy đã có những nguồn tin rò rỉ trước khi công bố chính thức. Đặc biệt, các thông tin liên quan đến mua/bán dự án, số liệu backlog, các hợp đồng sắp ký lại xuất hiện từ các công ty chứng khoán. Thậm chí, thông tin về kế hoạch phát hành cổ phiếu, giao dịch của các cổ đông nội bộ bị rò rỉ trước khi được gửi tới cơ quan quản lý”, ông Huân cho hay.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới