(KTSG Online) – Nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến Temu của Trung Quốc đệ đơn kiện ra một tòa án ở Mỹ, cáo buộc đối thủ Shein sử dụng quyền lực thống trị trên thị trường để cưỡng ép các nhà cung cấp ở Trung Quốc không được sản xuất cho Temu.
- Thương hiệu thời trang Shein của Trung Quốc 'phả hơi nóng' vào Zara, H&M
- Thời trang giá rẻ với tham vọng sắp xếp lại thị trường hàng may mặc ở Mỹ
Financial Times đưa tin, tuần trước, Temu phát động vụ kiện chống độc quyền chống lại Shein ở một tòa án liên bang ở bang Massachusetts (Mỹ) vì cho rằng đối thủ ép buộc các nhà máy ở Trung Quốc dừng sản xuất cho Temu nhằm duy trì sự thống trị thị trường thời trang nhanh ở Mỹ.
“Các cuộc tấn công leo thang của Shein khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình”, Temu cho biết trong một tuyên bố hôm 19-7.
Shein và Temu đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng lượt tải ứng dụng bán quần áo cực rẻ và các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Temu, một nền tảng thị trường trực tuyến, được công ty thương mại điện tử Pinduoduo (Trung Quốc) ra mắt hồi năm ngoái, đang thách thức sự thống trị của Shein trên thị trường thời trang nhanh của Mỹ.
Shein, được thành lập ở thành phố Nam Kinh, miền đông Trung Quốc hơn một thập niên trước, tiên phong bán các thiết kế thời trang nhanh, giá cực rẻ cho thế hệ thiên niên kỷ ở Mỹ và châu Âu thông qua ứng dụng di động. Theo đơn kiện, vào năm 2022, Shein đạt mức doanh thu ước tính khoảng 30 tỉ đô la, cao hơn doanh thu của cả H&M và Gap.
Sự trỗi dậy của Shein để dẫn đầu thế giới thời trang nhanh và mức định giá 100 tỉ đô la của công ty này hồi năm ngoái thúc đẩy các đối thủ khác của Trung Quốc bắt chước, bao gồm cả Temu. Định giá của Shein đã giảm xuống còn khoảng 64 tỉ đô la vào đầu năm nay trong cơn suy thoái công nghệ.
Trong đơn kiện, Temu cáo buộc Shein sử dụng các chiến thuật không công bằng ở Trung Quốc để làm gián đoạn khả năng của Temu tìm nguồn cung ứng và bán những chiếc váy giá chỉ 8 đô la mà người mua sắm ở Mỹ rất thích mua.
“Shein đã tham gia vào một kế hoạch phức tạp và chống cạnh tranh nhằm cản trở hoạt động kinh doanh của Temu. Thị trường Mỹ là sân khấu chính của cuộc chiến này”, đơn kiện của Temu cho hay.
Các luật sư của Temu cáo buộc Shein lạm dụng vị thế nắm giữ 75% thị trường thời trang nhanh của Mỹ để buộc các nhà cung cấp ở Trung Quốc sản xuất độc quyền cho Shein.
Họ cho rằng Shein đang thực hiện ít nhất bốn chiến thuật để kìm hãm cạnh tranh, bao gồm phạt tiền các nhà cung cấp làm việc với Temu và buộc các nhà cung cấp phải ký “cam kết trung thành”. Shein cũng đưa ra “các thông báo phạt công khai và áp đặt các khoản tiền phạt phi pháp đối với các nhà sản xuất không tuân thủ cam kết không cung cấp sản phẩm cho Temu”.
Đơn kiện cho rằng các chiến thuật này đã ngăn cản người tiêu dùng Mỹ “tiếp cận với sự cạnh tranh trực tiếp về giá” và khiến doanh số bán hàng thời trang nhanh của Temu giảm 300-400%.
Khi sự giám sát đối với các công ty Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Mỹ và châu Âu do mối quan hệ xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh, cả Temu và Shein đều cố gắng tách biệt hình ảnh thương hiệu của họ với Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn các sản phẩm của họ. Shein đã thành lập doanh nghiệp tại Singapore hồi năm ngoái, trong khi Temu tuyên bố công ty này được thành lập tại Boston, bang Massachusetts vào năm 2022.
Nhưng đơn kiện trên cho thấy rõ chuỗi cung ứng của cả công ty này liên kết chặt chẽ với Trung Quốc như thế nào.
Temu cho biết Shein đã yêu cầu mạng lưới “8.338 nhà sản xuất hàng may mặc độc lập ở Trung Quốc” ký các thỏa thuận độc quyền để họ sản xuất cho Temu.
Đồng thời, Temu thừa nhận gần như tất cả các sản phẩm Temu bán tại Mỹ đều đến từ mạng lưới các nhà sản xuất đặt tại Trung Quốc.
Temu cho biết công ty khởi kiện Shein vì “các nhà sản xuất Trung Quốc mà Temu và Shein đang sử dụng không am hiểu hệ thống luật pháp Mỹ”.
Người phát ngôn của Shein nói: “Chúng tôi tin rằng vụ kiện này là vô căn cứ và chúng tôi sẽ mạnh mẽ bảo vệ chính mình”.
Hai công ty cũng đã đang vướng vào một cuộc chiến pháp lý tại tòa án liên bang ở thành phố Chicago (Mỹ). Hồi tháng 3, Shein kiện cáo buộc Temu đứng sau những người có ảnh hưởng chê bai Shein trên mạng xã hội và đã mạo danh thương hiệu Shein để “lừa người tiêu dùng” tải ứng dụng của Temu.
Theo Financial Times, Bloomberg