Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hai hiến kế quan trọng của Anh hùng Lao động Thái Hương trước Thủ tướng Chính phủ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sáng 21-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, Tập đoàn TH, Cơ điện lạnh (REE).

Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân – khu vực đóng góp tới 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, sáng 21-9. Ảnh trên: Thủ tướng và doanh nhân Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, một số doanh nghiệp tư nhân lớn trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tổng tài sản của các doanh nghiệp lớn tham gia hội nghị hôm nay ước tới 70 tỉ đô la Mỹ, tính tới cuối 2023. Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp lớn "chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới". "Các doanh nghiệp cần giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở lĩnh vực khác", ông nói.

Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về mong muốn tiên phong trong những việc lớn, việc khó, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong các ý kiến, thảo luận tại hội nghị, đại diện Tập đoàn TH gây chú ý với đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường và hiến kế phát triển kinh tế rừng.

Đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường

“Từ tâm nguyện góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt và bề dày kinh nghiệm của mình trong công cuộc cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt, Tập đoàn TH đề xuất xây dựng một bộ luật riêng tên là Luật Dinh dưỡng học đường”, Nhà sáng lập Tập đoàn TH phát biểu tại Hội nghị.

Anh hùng Lao động Thái Hương phân tích, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sữa tươi là nguồn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Như vậy, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.

Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại Hội nghị.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, từ năm 1954, đã có Luật Dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Tại Thái Lan, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường. Và tại Indonesia, Tổng thống mới đắc cử đã cam kết sẽ triển khai chương trình Bữa trưa miễn phí cho học sinh từ năm 2025,…

Trước thực trạng dinh dưỡng học đường và bữa ăn học đường đang tồn tại nhiều bất cập, đề xuất của Anh hùng Lao động Thái Hương và Tập đoàn TH về xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường được đánh giá là cần thiết, nhất là trong bối cảnh cũng đã có căn cứ khoa học, thực tiễn từ các nghiên cứu thực nghiệm bài bản của các cơ quan như Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Giáo dục & Đào tạo,...

Đáng chú ý có thể kể đến như “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các chuyên gia độc lập, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển trên thế giới (Nhật Bản) thực hiện năm 2020-2021.

Trên cơ sở các nghiên cứu, mô hình đã có kết quả thực nghiệm khoa học, bà Thái Hương cho rằng, Luật Dinh dưỡng học đường cần được xây dựng một cách bài bản, cẩn thận, chỉn chu, bao trùm nhiều nội dung về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Giải pháp toàn diện cho phát triển kinh tế rừng

Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, chúng ta có đất đai rộng nhưng thực tế sử dụng chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt với diện tích rừng sản xuất, một số diện tích rừng thuộc các công ty lâm nghiệp của Nhà nước (hoặc cổ phần hóa) quản lý đang tiến hành trồng nhưng kém hiệu quả, chủ yếu là trồng cây keo, một năm thu hoạch chỉ cùng lắm được 7-8 triệu trong chu kỳ 5-7 năm.

Theo bà, thực trạng chung cho thấy rừng Việt Nam đã cạn kiệt đi nhiều, nguy cơ mất rừng rất cao, do đó việc cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng trồng rừng - điều này cũng góp phần hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà chúng ta cam kết với quốc tế.

Bà Thái Hương đề xuất với Chính phủ hai giải pháp để giải quyết thực trạng rừng và kinh tế rừng hiện nay. Một là Nhà nước cần cấp nguồn kinh phí đủ để đánh giá lại thực trạng rừng. Cần đánh giá lại hoạt động của các công ty lâm nghiệp, nếu họ quản lý không có hiệu quả thì trả về địa phương để địa phương đưa doanh nghiệp có dự án khả thi. Đất do dân đang lấn chiếm cũng vậy, nếu dân có phương án khả thi, nạp được thuế đất thì giao cho dân, còn không thì phải cưỡng chế thu hồi để giao cho đơn vị khác để phát triển rừng.

Thứ hai, cần có chính sách để lôi kéo tầng lớp doanh nhân đủ Tâm - Trí - Lực vào lĩnh vực này. “Phải có các doanh nhân, các doanh nghiệp có đủ Tâm – Trí – Lực đầu tư, phát triển, tạo môi trường và động lực lôi kéo người nông dân tiến lên trong nền sản xuất hiện đại. Để thu hút các doanh nghiệp này, Chính phủ cần có các chính sách phù hợp với từng dự án, từng thời kỳ, giúp kinh tế rừng phát triển bền vững”, bà cho biết.

Tập đoàn TH trồng thảo dược dưới các tán rừng ở Mường Lống – Nghệ An.

Tập đoàn TH cho biết đã triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế rừng ở các địa phương và có đủ kinh nghiệm để triển khai các dự án thí điểm. Ví dụ ở Tuần Giáo – Điện Biên, TH đã phát triển các cánh rừng trồng mắc ca, tiến tới sẽ chế biến sâu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Tại vùng Tây Nguyên, TH cũng đang xây dựng đề án thí điểm kinh tế rừng, bao gồm trồng cây đa tầng, chế biến sâu, phát triển thương hiệu hàng hóa vùng miền. Và tiến tới bước tiếp theo là phát triển các khu nghỉ dưỡng, dưỡng lão, du lịch sinh thái, du lịch vùng miền trên những cánh rừng này…

5 BÌNH LUẬN

  1. Tôi đánh giá cao về những đề xuất của tập đoàn TH, đề nghị sớm triển khai dự án bò sữa tại huyện Sa Thầy, Kon Tum để phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số hiện còn nhiều khó khăn

  2. Hiến kế rất đúng và trúng, giải quyết được nhiều mục tiêu, thể hiện rõ tầm nhìn sát thực. Mong được sự quan tâm ủng hộ và triển khai ngay, chỉ đạo thực hiện ngay của chính phủ

  3. Thực ra để giải quyết dk vấn đề biến đổi khí hậu thì rừng thực sự phải là rừng tự nhiên, nhiều loài cây, nhiều tầng tán mới giải quyết dk nhiều vấn đề, còn rừng trồng sản xuất thì ko ăn thua, thậm chí còn làm tăng khí thải, vì nhiều cánh rừng khi thu hoạch họ lại đốt cây làm cho đất bị khô và khí thải rất nhiều. Nếu có canh tác thì chúng ta cũng chỉ nên canh tác ở 1 phần 3 của ngọn đồi thôi, phần trên phải giữ nguyên rừng tự nhiên. Và phải có luật phạt thật nặng kẻ nào xâm lấn rừng khi chưa dk cấp phép.

  4. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước, dù sao lợi nhuận cuối cùng họ làm ra cuối cùng đều dành cho nước nhà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới