Thứ Bảy, 20/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hài hòa giữa lợi nhuận và lợi ích sẽ giúp phát triển hợp tác xã bền vững

Vân Ly

-

(KTSG Online) – Sửa đổi Luật hợp tác xã năm 2012 là một việc quan trọng trong tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác xã phát triển. Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng cần đẩy mạnh triển khai kinh tế số để nâng cao hiệu suất hoạt động…

Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Trong khi đó, hiện nay, cả nước có khoảng 28.000 hợp tác xã, hơn 100 liên hiệp hợp tác xã và khoảng 100.000 tổ hợp tác. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm khoảng 66%.

Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đơn vị soạn thảo dự thảo luật – lấy ý kiến của các cơ quan ban ngành, chuyên gia… để hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10 này.

Luật Hợp tác xã năm 2012 được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Theo ý kiến các chuyên gia, sau 10 năm thi hành luật đã bước đầu tác động tích cực và tạo chuyển biến đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Theo PGS.TS Bùi Thị Lý, Viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại Thương, trong những năm vừa qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và mục đích đề ra: số lượng hợp tác xã tăng lên nhưng số lượng thành viên trung bình của một hợp tác xã giảm xuống; hầu hết hợp tác xã có quy mô nhỏ, năng lực yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý yếu; nhiều hợp tác xã vẫn còn ở trong tình trạng khó khăn… Ngoài ra, trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt thấp và có xu hướng giảm, chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (tốc độ tăng trưởng của hợp tác xã năm 2003: 4,92%, năm 2005: 3,98%, năm 2010: 3,32%, năm 2020: 2,4%)…

PGS.TS Bùi Thị Lý cho rằng, những hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân từ phía quản lý nhà nước và nguyên nhân từ phía hợp tác xã. Trong đó, nguyên nhân từ những hạn chế của thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách khá lớn, còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa quy định của Luật Hợp tác xã với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác; Có nhiều quy định của pháp luật chưa phù hợp, chưa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, Quốc hội Khóa XI cho rằng cần quy định về việc kiểm toán hợp tác xã. Vì đây là việc cần thiết, nhằm tạo sự minh bạch và phản ánh “sức khỏe” của hợp tác xã cho các thành viên và các đối tác. Việc kiểm toán còn giúp hội đồng quản trị và ban giám đốc quản lý, điều hành hiệu quả, tạo điều kiện để hợp tác xã huy động vốn từ các tổ chức tín dụng bên ngoài và là cơ sở để Nhà nước hỗ trợ.

“Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần quy định hoạt động kiểm toán được thực hiện để đánh giá, xác  nhận mức độ tin cậy của các thông tin trên báo cáo tài chính, báo cáo về hoạt động của hợp tác xã. Đồng thời hoạt động kiểm toán sẽ đánh giá tình hình tài chính hợp tác xã, đánh giá và xác định các rủi ro, các sai phạm, các sai sót trọng yếu trong quản lý tài chính, trong điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh,” ông Thanh kiến nghị.

Về tần suất kiểm toán, ông Thanh cho rằng nên xác định mỗi năm một lần hoặc 2 năm một lần. Cần quy định báo cáo tài chính của các hợp tác xã nhỏ không cần phải được kiểm toán tài chính.

Cần quy định ngưỡng phải kiểm toán liên quan đến các hợp tác xã có tổng giá trị tài sản từ 10 tỉ đồng trở lên  và doanh thu  hoạt động kinh doanh  từ trên 20 tỉ hoặc trên 30 tỉ đồng. Cần xây dựng và ban hành một quy trình kiểm toán hợp tác xã đã được đơn giản hóa để áp dụng cho các hợp tác xã siêu nhỏ.

Những hợp tác xã siêu nhỏ, theo ông Thanh là hợp tác xã thỏa mãn 3 tiêu chí hoặc một trong 3 tiêu chí sau: tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán không vượt quá 5 tỉ đồng,  doanh thu hoạt động kinh doanh dưới  10 tỉ đồng, số lượng lao động ở đưới  mức trung bình là 10 người.

Công nhân làm việc tại một trang trại ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: LV

Thực tế ở Việt Nam, giai đoạn hiện nay sẽ có  khoảng một nửa số hợp tác xã đang hoạt động thuộc diện được kiểm toán bởi hình thức và quy trình kiểm toán đơn giản hóa này.

Kiểm toán đơn giản hóa theo ông Thanh sẽ được tiến hành từ xa và hợp tác xã phải cung cấp các thông tin về hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính cho đoàn kiểm toán. Nên quy định cứ 4 năm thì các kiểm toán viên mới đến kiểm toán tại chỗ, tại hợp tác xã một lần ở các hợp tác xã siêu nhỏ này.

Cần quy định, chỉ những cá nhân và đơn vị là Hội viên Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam, có thẻ hội viên, có chứng chỉ nghề nghiệp (chứng chỉ chứng nhận năng lực nghề nghiệp kế toán chuyên nghiệp, kiểm toán viên) mới được thực hiện kiểm toán hợp tác xã.

“Nhà nước không chỉ hỗ trợ phí kiểm toán cho hợp tác xã quy mô siêu nhỏ mà nên hỗ trợ cả hợp tác xã quy mô nhỏ trong ít nhất 3 năm đầu thành lập,” ông Thanh kiến nghị.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã như tài trợ kinh phí kiểm toán độc lập hằng năm cho hợp tác xã mới thành lập trong thời gian 3-5 năm.

Còn ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị sửa đổi quy định về kiểm toán độc lập trong dự thảo luật thành: kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là dịch vụ công, giao cho Liên minh Hợp tác xã  Việt Nam thành lập và quản lý để cung ứng dịch vụ kiểm toán cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đồng thời tiếp tục rà soát chỉnh sửa các nội dung có liên quan để đảm bảo tính khả thi và tạo thuận lợi cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp cận dịch vụ này.

Ông Cường cho rằng quy định như vậy là phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW và điều lệ của Liên minh Hợp tác xã  Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 585/TB-VPCP ngày 19-12-2017, Liên minh Hợp tác xã  Việt Nam đã nghiên cứu các mô hình kiểm toán hợp tác xã của Đức, Pháp, Áo… và đã xây dựng đề án kiểm toán hợp tác xã trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5-2020, các bộ ngành đã xem xét và cho ý kiến.

Công nhân làm việc tại vườn lan dendrobium. Ảnh: TL

Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam có 3 tổ chức hợp tác xã trong 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên  minh hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận (doanh số trên 1 tỉ đô la Mỹ một năm).

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co-op) cho rằngg để đưa mục tiêu thành hiện thực, việc thể chế hóa nghị quyết thông qua Luật và các quy định dưới Luật là yếu tố quan trọng hàng  đầu. Để có  được các hợp tác xã mạnh, bên cạnh những  quy định, chính sách cho các hợp tác xã nông nghiệp thì cần tạo môi trường cho các hợp tác xã phi nông nghiêp phát triển.

“Nếu ta muốn có hợp tác xã lớn thì cần phải có cơ chế, chế tài để đảm bảo các hợp tác xã phải phát triển thành viên chính thức qua các năm để đến số lượng thành viên hàng ngàn hay hàng trăm ngàn xã viên. Nên quy định điều này trong dự thảo Luật,” ông Đức nói.

Thêm nữa, đại diện Saigon Co-op cho biết, số lượng xã viên, thành viên của các tổ chức hợp  tác xã trong nhóm 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu, ít nhất là con số hàng trăm, phổ biến  là con số hàng ngàn. Có hợp tác xã đến vài trăm ngàn và cả con số lên  đến hàng triệu xã viên, thành viên.

Chính vì vậy, để có các hợp tác xã lớn, quy mô lớn  thì điều kiện tương đồng phát triển số  lượng xã viên, thành viên chính thức cần được khuyến khích. Thậm chí cần có những chế tài  đảm bảo số lượng thành viên, xã viên tương ứng với thời gian và quy mô phát triển.

Để đạt được mục tiêu có 3 hợp tác xã trong nhóm 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu, ông Đức cho rằng rất cần thiết phải xây dựng một chương trình hạt giống. Cần lựa chọn và chuẩn bị sẵn sàng, có trọng tâm cho vài chục hợp tác xã trọng điểm (theo những loại hình, ngành nghề hoạt động vừa đúng xu thế và vừa đúng thực trạng của các hợp tác xã Việt Nam) để làm “cánh chim đầu đàn” trong phong trào hợp tác xã. Trong đó  có việc quan trọng phát huy vai trò của tổ chức Liên minh hợp tác xã.

Doanh số 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu tương đương với nền kinh tế đứng hàng thứ  8 trên thế giới. Năm hợp tác xã lớn nhất thế giới tương đương GDP Việt Nam. Vì vậy  cần xác định rõ sự đóng góp của các hợp tác xã nước ta với nền kinh tế trong nước, thể  chế hóa và kế hoạch hóa trong chương trình hành động chung của bộ ngành và cả nền  kinh tế.

Trong cuộc trao đổi tại một hội nghị liên quan đến việc đưa Nghị quyết số 20 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào cuộc sống, TS. Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác cho rằng, hợp tác xã phát triển bền vững là hướng đến đề cao lợi ích tối đa cho thành viên. Ông khuyến nghị phát triển hợp tác xã phải tạo sự hài hòa giữa lợi nhuận và lợi ích. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế đặc thù, vừa đảm bảo lợi nhuận tái đầu tư, vừa mang lại lợi ích tối đa cho thành viên. Nếu chỉ chú trọng lợi nhuận thì thành viên, ban giám đốc trong hợp tác xã chỉ chăm chăm ăn chiết khấu với doanh nghiệp.

TS. Trần Minh Hải cũng cho rằng để đạt được mô hình phát triển bền vững thì hợp tác xã phải minh bạch về thông tin và tài chính. Ví dụ, hợp tác xã làm dịch vụ lãi thấp nhưng cho thành viên hưởng lợi ích nhiều thì chắc chắn sẽ phát triển bền vững hơn là chỉ chăm chăm đến lợi nhuận. Hơn nữa, nếu hợp tác xã có sổ sách kế toán, kế hoạch rõ ràng, định kỳ hàng tháng họp thành viên một lần hoặc tổ chức hội nghị thường niên thì không chỉ hạn chế được những rủi ro mà còn mở rộng được vốn góp, thu hút được nhiều thành viên sử dụng dịch vụ, từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Cũng liên quan đến nội dung quy định thành viên, phát triển hội viên của hợp tác xã, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị quy định về số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập hợp tác xã là 7 thành viên (giữ nguyên như luật cũ). Nếu quy định số lượng thành viên tối thiểu là 5 như dự thảo thì sẽ làm tăng tỷ lệ hợp tác xã siêu nhỏ, không khuyến khích hợp tác xã thu hút thành viên, tăng quy mô hoạt động…

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lấy ý kiến về vấn đề này của các hợp tác xã và 63 Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh thì hầu hết đề nghị giữ nguyên quy định 7 thành viên. Theo pháp luật hợp tác xã của một số nền kinh tế, phần lớn quy định từ 7 thành viên trở lên (Philippines 15, Hàn Quốc 5, Nhật Bản 15, Indonesia 20, Malaysia 10, Thái Lan 10, Đài Loan 50…).

Hiện việc chuyển đổi số trong các hợp tác xã mới ở giai đoạn đầu, còn nhỏ lẻ manh mún. Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các hợp tác xã phải đẩy mạnh chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu Trung ương đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Với Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 hợp tác xã, trong đó có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Trong khi đó hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún, mới ở giai đoạn bước đầu.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết hiện cả nước có 28.000 hợp tác xã. Trong đó có hơn 1.700 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh.

Các hợp tác xã chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, kinh doanh chưa được quan tâm.

Ông Bảo kiến nghị Chính phủ đầu tư, xây dựng một nền tảng hệ sinh thái số dùng chung cho các hợp tác xã để hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu – giúp hợp tác xã tận dụng, tiếp cận đúng hướng, nhanh và hiệu quả hơn với quá trình chuyển đổi số. Còn ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt thì cho biết, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê các giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ tối đa 50% chi phí giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số… nhưng hợp tác xã thì không được hưởng hỗ trợ này.

Do đó ông Thạch kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã như doanh nghiệp. Trong đó có các chính sách hỗ trợ hợp tác xã trang bị công cụ, phương tiện phục vụ chuyển đổi số; xây dựng các phần mềm cơ bản để cho tất cả các hợp tác xã có nhu cầu được sử dụng miễn phí như kế toán, quản lý sản xuất, giám sát chất lượng, bán hàng…

Trang trại nấm linh chi Đất Thép tại Củ Chi, TPHCM. Ảnh: TL

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng trong phát triển hợp tác xã. Nếu không đổi mới gắn chuyển đổi số đối với hợp tác xã thì mô hình này sẽ tụt hậu và không thích ứng được với nền kinh tế hiện đại, kinh tế số.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó có các cơ chế đặc thù cho hợp tác xã; xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung và bước đầu miễn phí; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã…

Thêm nữa, để thúc đẩy hợp tác xã phát triển, PGS.TS Đào Thế Anh cho rằng, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhà nước cần có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ nông dân – những chủ trang trại và nhà quản lý hợp tác xã chuyên nghiệp, có trình độ và kỹ năng kinh doanh.

Ngoài ra, để thúc đẩy hợp tác xã phát triển, ông Thế Anh cho rằng nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã như không thu tiền sử dụng đất xây dựng văn phòng, nhà xưởng chế biến nông sản. Nhà nước nên có chính sách tài trợ một phần lãi suất tín dụng cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao, đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị nông sản trong 3-5 năm đầu.

Chính sách tín dụng cho hợp tác xã cũng cần chuyển từ thế chấp tài sản (chủ yếu là đất đai) sang tín chấp theo dự án dịch vụ nông nghiệp khả thi – nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương thức này…

Công nhân làm việc tại một trang trại hoa ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: LV

Nội dung: Vân Ly – Hình ảnh: Lâm Vũ – Đồ họa: Thu Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây