Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hài hòa lợi ích thì phải giảm thuế xăng dầu

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trả lời phỏng vấn trên báo VnExpress về tình trạng gián đoạn nguồn cung, khan hiếm hàng trên thị trường xăng dầu trong những tuần qua, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, nhấn mạnh đến yếu tố hài hòa lợi ích giữa các bên trong công tác điều hành thị trường xăng dầu của bộ. Ông nói rằng “Việc điều hành mặt hàng này phải tính toán tổng thể, hài hòa các yếu tố ổn định vĩ mô, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.

Thế nhưng, thực tế công tác điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương trong hơn một năm qua thì không thể gọi là “hài hòa lợi ích giữa các bên” được. Trong ba bên mà Bộ Công Thương nêu ra, chỉ có doanh nghiệp và người dân phải chịu đựng cơn sốc giá này, thậm chí họ còn phải nộp cho Nhà nước nhiều hơn thông qua thuế.

Thuế hiện đang chiếm tới 40-42% giá bán lẻ của xăng dầu. So với cách nay một năm, hiện giá xăng dầu đã tăng khoảng 50% và trong mức giá tăng thêm mà doanh nghiệp và người dân phải trả thêm cho mỗi lít xăng, dầu đó, phần do giá thế giới tăng chiếm sáu phần và bốn phần còn lại là vào “túi” ngân sách nhà nước. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến cho số thu ngân sách trong tháng 1-2022 tăng tới 30.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, dường như Bộ Công Thương cũng đã nghĩ đến vấn đề giảm thuế xăng dầu, nhưng chưa được Bộ Tài chính đồng thuận. Ông nói rằng “theo tôi biết, trong các báo cáo, Bộ Tài chính đưa ra dữ liệu so sánh với các nước và đánh giá là vừa phải, phù hợp”.

Nếu chỉ đơn thuần so sánh con số phần trăm thuế, có thể đánh giá của Bộ Tài chính “là vừa phải” không sai, nhưng “phù hợp” thì chưa chắc vì thu nhập của người dân ở mỗi quốc gia cũng như tiềm lực kinh tế và các chính sách xã hội ở các nước rất khác so với Việt Nam.

Để hỗ trợ “hồi sức” cho doanh nghiệp và người dân sau đại dịch Covid-19 Quốc hội đã quyết định giảm thuế VAT một số nhóm mặt hàng và dịch vụ từ 10% xuống 8%. Trong bối cảnh đó, việc duy trì tỷ lệ thuế xăng dầu, mà thực chất là tăng thu nếu tính theo số tuyệt đối, chẳng khác gì tận thu của người dân và rất có thể khoản thu tăng thêm này triệt tiêu luôn cả hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT.

Ngoài vấn đề thuế thì chính sách điều hành giá xăng, dầu cũng cần xem xét lại để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Nhà nước có thể ấn định giá xăng, dầu nhưng bán hay không bán lại là quyền của mỗi doanh nghiệp, vì Nhà nước không thể buộc họ chịu lỗ để duy trì hoạt động mua bán. Doanh nghiệp cũng khó mà “chia sẻ lợi ích với mục tiêu quản lý vĩ mô của nhà nước, lợi ích của 100 triệu dân” như đại diện của Bộ Công Thương kêu gọi. Vì một khi kinh doanh lỗ lã thì ngân hàng, chủ nợ của các doanh nghiệp, có chia sẻ với họ không? Rồi cổ đông, đối tác kinh doanh và thị giá cổ phiếu trên thị trường có chia sẻ với doanh nghiệp không? Câu trả lời chắc ai cũng biết!

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết hết sức chính xác! Xăng dầu là máu của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng, lạm phát sẽ tăng. Cần có sự điều hành linh hoạt của quản lý vỹ mô. Không thể ngân sách nhà nước bội thu, nhưng DN và người dân phải gãnh chịu mọi hậu quả của việc giá xăng dầu tăng. Sẽ ra sao? Khi các DN vận tải phải dừng hoạt động vì không gánh nổi chi phí. Khi đó ai sẽ đóng thuế? Ai trả lương cho người lao động? Liệu thu ngân sách có đủ bù đắp cho các khoản trợ cấp xã hội không? Trong khi nền kinh tế đang rất cần được hỗ trợ sau đại dịch. Chỉ cần động tác giảm phí môi trường, hay giảm thuế TTĐB là giá xăng dầu sẽ giảm. Vì xăng dầu ai cũng phải dùng. Không thể bị áp đặt thuế TTĐB. Rất mong lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính LỢI ÍCH HÀI HÒA, RỦI RO CÙNG CHIA SẺ. Trở thành hiện thực trong việc điều hành giá xăng dầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới