Thứ năm, 24/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hai năm 1988-1989: bước ngoặt cơ bản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai năm 1988-1989: bước ngoặt cơ bản

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một bước tiến dài kể từ khi nông dân được tự chủ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG) - Đó là hai năm sau Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986), hai năm tiếp tục tìm tòi, đề ra những quyết sách đúng đắn tạo ra bước ngoặt cơ bản đưa các chủ trương, chính sách đổi mới đi vào cuộc sống. Từ đó đến nay, đã hai mươi năm, gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội bắt đầu từ khoảng năm 1979-1980. Đó là hậu quả của những sai lầm trong việc áp dụng mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ ở miền Bắc với những chủ trương, chính sách chủ quan, duy ý chí, không phù hợp với thực tế. Sau khi đất nước thống nhất (1975), đã mở rộng áp dụng mô hình kinh tế cũ đối với miền Nam, thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và cải tạo cả tiểu thương, tiểu chủ, gây ra đảo lộn lớn, kinh tế sa sút, niềm tin giảm sút, lòng dân ly tán.

Biểu hiện chủ yếu của khủng hoảng kinh tế-xã hội thời gian đó là: trong giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng GDP hàng năm chỉ đạt 1,4%, trong khi đó dân số tăng bình quân 2,24%. Đến giai đoạn tiếp theo, GDP năm 1986 chỉ tăng 2,8% so với năm 1985, năm 1989 giảm 3,3% so với năm 1988 và năm 1990 cũng chỉ tăng 3,1% so với năm 1989. Chỉ số giá tiêu dùng tăng với tốc độ “phi mã”: so với năm trước, năm 1983 tăng 448%, năm 1984 tăng 759,3%, tiếp đó, năm 1986 tăng cao nhất 874,7%; năm 1987 tăng 323,1%, năm 1988 tăng 449,4%.

Những năm 1987-1988 là những năm khó khăn gay gắt nhất, lưu thông lương thực ách tắc (tuy có lúa nhưng không mua được vì giá mua rẻ mạt, TPHCM sát vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long mà phải ăn bo bo); sản xuất công nghiệp cả nước đình đốn vì thiếu nguyên liệu; nhiều công trình xây dựng phải dừng lại vì thiếu vật liệu; hàng tiêu dùng thiếu nghiêm trọng, giá cả tăng vọt; tiền lương không đủ sống, công nhân viên chức (và cả dân thành thị) sống theo định lượng, nhiều loại hàng tiêu dùng thiết yếu được phân phối theo định lượng qua hình thức tem phiếu (từ gạo, thịt, cá, nước mắm, đường, chất đốt, đến vải mặc...).

Chính những năm khó khăn gay gắt ấy lại là thời kỳ công cuộc đổi mới được đẩy mạnh, từ đổi mới về tư duy đến đổi mới về những chủ trương, chính sách cụ thể. Mở đầu là Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (tháng 7-1979) - một hội nghị được coi là nấc thang đột phá, khai mở công cuộc đổi mới: chấp nhận kinh tế tư hữu và quan hệ thị trường tự do, đưa ra chủ trương “bung ra”, “cởi trói cho sản xuất”; nghị quyết hội nghị này đã mở đường cho những sáng kiến năng động, sáng tạo, “xé rào” trong những năm sau, tạo ra tiền đề cho những quyết sách lớn về kinh tế đi đến Đại hội VI năm 1986 khẳng định đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Những năm đó, việc đưa tư duy mới vào cuộc sống đã diễn ra rất gian nan, qua nhiều cuộc đấu tranh gay gắt. Có thể kể ra những sự kiện quan trọng trong thời gian này như sau:

- Đó là sự thừa nhận chính thức về sai lầm nóng vội trong việc đề ra nhiệm vụ hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ở miền Nam trong hai năm 1977, 1978 do chưa quán triệt sự tồn tại khách quan của năm thành phần kinh tế (Kết luận Hội nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng họp tháng 3-1980 bàn chuyên đề về cải tạo công thương nghiệp).

- Đó là việc cho phép địa phương xuất nhập khẩu trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị cho sản xuất (qua Nghị quyết 40-CP tháng 2-1980).

- Đối với nông nghiệp, đó là việc thực hiện cơ chế khoán trong các hợp tác xã nông nghiệp (theo Chỉ thị số 100-CT của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tháng 1-1981); trước đây, do không được phép, nông dân phải “khoán chui”; tiếp đó là Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (tháng 4-1988) xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, có quyền chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm bán cho Nhà nước theo giá thỏa thuận, không bị áp đặt về số lượng như trước.

- Đối với xí nghiệp quốc doanh, cho phép áp dụng chế độ ba kế hoạch (ngoài phần kế hoạch do Nhà nước giao, xí nghiệp được liên doanh, liên kết với các xí nghiệp nhà nước khác và được sản xuất cho thị trường, lúc đó gọi là “thị trường tự do” (theo Quyết định 25-CP của Chính phủ, tháng 1-1981). Tiếp theo, tháng 11-1987, Quyết định số 217-HĐBT đã xác lập quyền tự chủ xây dựng kế hoạch của xí nghiệp, số lượng chỉ tiêu cấp trên giao cho xí nghiệp từ hàng chục nay chỉ còn hai chỉ tiêu là giá trị tổng sản lượng và khoản nộp ngân sách.

- Kinh tế tư doanh và kinh tế gia đình được công nhận và được khuyến khích phát triển (trước đây kinh tế tư nhân bị kỳ thị và bị cải tạo đi đến xóa bỏ), theo Nghị định số 27-CP và 29-CP của Chính phủ, ban hành tháng 3-1987.

- Tư bản nước ngoài được phép kinh doanh tại Việt Nam, theo Luật Đầu tư của nước ngoài do Quốc hội ban hành tháng 12-1987.

- Hàng hóa được lưu thông tự do giữa các địa phương trong cả nước, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông trong nước, theo Quyết định số 80-CT tháng 8-1987 của Thủ tướng Chính phủ.

- Về giá cả, qua nhiều lần điều chỉnh, tổng điều chỉnh năm 1981-1982 và năm 1985, đến cuối năm 1987, đã điều chỉnh sát giá thị trường nhiều loại vật tư cơ bản và giá mua các loại nông sản. Cũng từ tháng 3-1989, bãi bỏ chế độ tỷ giá quyết toán nội bộ (khác xa với giá thực tế), đưa tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ lên sát giá thị trường quốc tế.

- Lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay được đưa lên sát mức thị trường: giữa năm 1989, lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn lên đến 9%/tháng, có kỳ hạn ba tháng lên đến 12%/tháng; kết quả là đến cuối năm 1989, đã thu về một khối lượng lớn tiền mặt, tốc độ lạm phát đã giảm đi rõ rệt. Cơ chế bao cấp vốn tín dụng cho các xí nghiệp bị bãi bỏ. Hệ thống ngân hàng cũng được cơ cấu lại từ một cấp sang hai cấp theo thông lệ quốc tế: tổ chức lại Ngân hàng Nhà nước theo mô hình Ngân hàng Trung ương, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại theo hướng kinh doanh đa năng; ngân hàng cổ phần tư nhân được phép ra đời, ngân hàng nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc mở chi nhánh (theo hai pháp lệnh về ngân hàng có hiệu lực từ tháng 5-1990)...

Những sự kiện kể ra trên đây cho thấy những đổi mới từng bước, từng lĩnh vực nói trên đã phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống, đưa đến những chuyển biến cơ bản trong nền kinh tế hai năm 1988-1989: lạm phát được chặn đứng; lương thực không những đã đủ cho tiêu dùng, không phải nhập khẩu như hàng chục năm trước, mà đã có gạo xuất khẩu (năm 1989, xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo); kinh tế tư nhân tăng nhanh, hàng hóa phong phú, chế độ tem phiếu được bãi bỏ hoàn toàn; các quan hệ giá cả, tiền tệ, tín dụng được cải thiện theo hướng thị trường; sau khi viện trợ của Liên Xô (trước đây) bị cắt giảm từ năm 1989, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước tư bản đã tăng nhanh (năm 1989 gấp ba lần năm 1986)...

Từ chuyển biến cơ bản năm 1988-1989, mặc dù sau đó, Liên Xô tan rã, các nước Đông Âu gặp khó khăn, Việt Nam vẫn đứng vững, nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, bước vào thời kỳ phát triển ổn định với những thành tựu mới.

Thực tế cho thấy, kết quả đó là do nhiều nhân tố, song không thể không nhấn mạnh những bước tiến rất quan trọng cả về tư duy kinh tế và chính sách kinh tế, đã có những cuộc thảo luận sôi nổi, hào hứng trong giới lý luận cũng như trong những nhà hoạch định chính sách, nhất là trong những năm 1987-1988.

Có thể rút ra một nhận định quan trọng: không có đổi mới tư duy thì không có đổi mới chính sách kinh tế. Những quan điểm bảo thủ, giáo điều, cũng như tư duy nôn nóng, duy ý chí, xa rời thực tế bị đẩy lùi dần, qua những cuộc thảo luận có thực chất, không né tránh, nhưng cũng không chờ đợi, thỏa hiệp, kéo dài. Điều này đòi hỏi ý chí và quyết tâm đổi mới của bộ phận lãnh đạo, lấy thực tế mà thuyết phục những người còn do dự, vì lợi ích chung của dân tộc.

VŨ QUỐC TUẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới