Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hải Phòng – Hải Nam (Trung Quốc) tìm cơ hội hợp tác trên lĩnh vực logistics

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, đoàn công tác thành phố DanZhou, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) mong muốn được tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cảng biển logistics, đề xuất một số nội dung hợp tác song phương.

Nhiều đề xuất được đề ra để phát triển logistics tại Việt Nam như đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy; quản lý và giám sát thường xuyên hoạt động logistics... Ảnh: TL

Theo TTXVN, ngày 10-8 vừa qua, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) về phát triển hợp tác song phương ở lĩnh vực logistics.

Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác phía Trung Quốc mong muốn được tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cảng biển logistics, về kinh nghiệm trong triển khai khu thương mại tự do tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) và đề xuất một số nội dung hợp tác song phương liên quan đến vấn đề này.

Về phía thành phố Hải Phòng, địa phương đang đưa vào sử dụng tuyến số 1, số 2 của cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng. Thành phố cũng đang hướng tới mô hình khu thương mại tự do gắn với phát triển trung tâm dịch vụ logistics hiện đại.

Đồng thời, thành phố đang tập trung phát triển và mở rộng 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.400 héc-ta và 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 900 héc-ta. Thành phố hướng đến năm 2025 sẽ có thêm 15 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn hiện đại.

Chỉ tính trong 2 quí đầu năm 2023, tổng vốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư trên địa bàn đạt 1,98 tỉ đô la Mỹ, đồng thời, có gần 880 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 26,15 tỉ đô la; trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc có 146 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 1,1 tỉ đô la. Trung Quốc đứng thứ 3 về số dự án và đứng thứ 6 về tổng vốn đầu tư vào thành phố này.

Cũng liên quan đến phát triển logistics, theo thanhuytphcm.vn, tại tọa đàm về đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu diễn ra chiều 10-8, các diễn giả đã thảo luận về các chính sách phát triển logistics của Việt Nam gồm phát triển, kết nối hạ tầng về giao thông, cảng, kho bãi; phát triển, kết nối hạ tầng về công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh...

Thông tin tại tọa đàm, nhiều đề xuất được đề ra để phát triển logistics tại Việt Nam. Trong đó, có nhóm giải pháp về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, đầu tư cho sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại để nâng cao khả năng lưu thông và quản lý hàng hóa; đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy; quản lý và giám sát thường xuyên hoạt động logistics, giảm thiểu tồn đọng hàng hóa và lãng phí tài nguyên; kết nối các trung tâm logistics với hệ thống các cảng cửa ngõ; đồng thời thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới