Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Hái ra tiền’ từ ngành triển lãm thương mại nhưng cơ hội đang bị bỏ lỡ

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc hạn chế địa điểm tổ chức hội chợ - triển lãm quốc tế chuyên nghiệp không chỉ đánh mất cơ hội kinh doanh với ngành này mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển các ngành dịch vụ vận tải, nghỉ dưỡng, du lịch... cũng như thu hút đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp quốc tế muốn rót tiền vào các cuộc triển lãm - hội chợ ở Việt Nam. Ảnh: LH

Muốn triển lãm phải "xí chỗ" trước đến 3 năm

Còn 9 tháng nữa, sự kiện thường niên Triển lãm Quốc tế về máy và thiết bị ngành công nghiệp nhựa và cao su (VietnamPlas) mới diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) nhưng hơn 75% diện tích gian hàng đã được các nhà triển lãm thuê.

Với thuận lợi này, nhà tổ chức Công ty Yorkers Exhibition Service Việt Nam tin rằng VietnamPlas 2025 sẽ tăng ít nhất 10% khách thuê so với năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ tiếp tục dựng gian hàng bên ngoài cho khách thuê.

Theo ông Trần Chánh Minh, Giám đốc Kinh doanh & Tiếp thị, VietnamPlas 2024 với hơn 700 đơn vị cũng đã phải dựng thêm gian hàng bên ngoài mới đủ chỗ cho nhà triển lãm.

SECC được xem là nơi tổ chức sự kiện hội chợ - triển lãm thương mại có quy mô lớn và hiện đại nhất cả nước hiện nay với khoảng 1.000 gian hàng. Tuy nhiên, theo Ban tổ chức của Hội chợ Xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất TPHCM (Hawa Expo 2025), cần thêm hàng trăm gian hàng nữa thì mới đủ chỗ cho tất cả nhà trưng bày muốn tham gia sự kiện này vào tháng 3 tới.

Vào năm ngoái, cũng do diện tích của SECC không đủ nên nhà tổ chức buộc phải mở thêm không gian trưng bày tại White Palace Phạm Văn Đồng ở Thủ Đức để doanh nghiệp không bỏ lỡ việc quảng bá hình ảnh và cơ hội giao thương.

Tương tự, Triển lãm thực phẩm và đồ uống (Vietfood & Beverage 2024) do Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Thương Mại Vinexad tổ chức cũng cần đến 30.000 m2 để trưng bày sản phẩm nhưng SECC chỉ có 20.000 m2 khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng kế hoạch quảng bá.

Đáng chú ý, do thiếu trung tâm triển lãm lớn, các nhà tổ chức phải đăng ký lịch giữ chỗ trước đến 3 năm. Chẳng hạn, mỗi năm Vinexad tổ chức hơn 20 cuộc triển lãm, hội chợ chuyên ngành nên công ty phải "xí chỗ" trước đến 3 năm cho một số sự kiện lớn nhằm tránh tình trạng không có chỗ để thuê.

Người tham quan tấp nập xem triển lãm xe ô tô. Ảnh: L.H

"Để được giữ chỗ, chúng tôi phải cọc 20% tổng số tiền thuê và tiếp tục thanh toán theo tiến độ và phải giao toàn bộ tiền thuê mặt bằng một tháng trước khi sự kiện diễn ra", Phó Tổng giám đốc Vinexad Phạm Đăng Khánh nói và cho biết các nhà tổ chức khác cũng không ngoại lệ.

Nhà điều hành SECC cũng cho biết, nhu cầu thuê mặt bằng tổ chức hội chợ, triển lãm rất lớn, nhưng SECC không thể đáp ứng hết. Trung bình, hằng năm có trên 400 hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc SECC, cho biết trước đây, vào mùa cao điểm hội chợ và triển lãm tại SECC, các sự kiện thường bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến cuối năm nhưng hiện nay, cả năm đều là cao điểm.

Càng chậm đầu tư càng mất nhiều

Dù thế giới số hóa đang phát triển nhanh nhưng tham gia hội chợ triển lãm vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà hoạch định, điều hành doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin thị trường, đối tác, khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Qua đây, doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp gặp gỡ đối tác và ký kết hợp đồng ngay tại chỗ.

“Với công nghệ số phát triển, không cần đến hội chợ-triển lãm người tiêu dùng cũng dễ dàng tìm thấy thông tin, hình ảnh tất cả sản phẩm họ muốn tìm. Tuy nhiên, với nhiều mặt hàng như máy móc, đồ gỗ, ô tô, hàng điện tử… doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng muốn tận mắt chứng kiến quy trình vận hành máy móc cũng như sờ trực tiếp vào các sản phẩm", ông Trần Chánh Minh nói.

Các chuyên gia và nhà tổ chức triển lãm nhận định, với nền kinh tế năng động cùng dân số đông và người trẻ chiếm tỷ lệ lớn, Việt Nam ngày càng thu hút các nhà sản xuất hàng hóa và cung cấp thiết bị quan tâm rót tiền cho các hội chợ để quảng bá hình ảnh và tìm cơ hội giao thương.

Mặt khác, với vị trí chiến lược và hội nhập sâu rộng, mở kinh doanh ở nền kinh tế hơn 100 triệu dân, doanh nghiệp các nước cũng dễ dàng phát triển thị trường ở các quốc gia khác.

Ông Phạm Đăng Khánh cũng cho biết, doanh nghiệp các nước ngày càng gia tăng quảng bá hình ảnh và giao thương ở thị trường hơn 100 triệu dân. Tuy nhiên, do địa điểm tổ chức đạt chuẩn quốc tế bị giới hạn nên Vinexad cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.

Tham gia triển lãm còn là cơ hội kết nối giao thương, trao đổi với đối tác. Ảnh: LH

Việc chậm đầu tư và thiếu địa điểm tổ chức chuyên nghiệp không chỉ làm mất cơ hội phát triển ngành này mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành dịch vụ khác.

Ông Khánh dẫn chứng, với gian hàng tiêu chuẩn 9m2, một doanh nghiệp nước ngoài triển lãm sẽ có ít nhất hai người tham gia. Khách đi lại bằng máy bay, vận chuyển bằng ô tô, thuê khách sạn, sử dụng ẩm thực và có thể kết hợp du lịch... Nếu sự kiện triển lãm thu hút hàng trăm đến cả ngàn nhà triển lãm từ hàng chục quốc gia thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ này là rất lớn, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của rất nhiều ngành.

Chưa kể, việc chậm đầu tư địa điểm tổ chức triển lãm còn có thể làm mất cơ hội thu hút đầu tư vì trước khi quyết định rót tiền đầu tư, doanh nghiệp các nước thường khảo sát thị trường bằng cách tham gia hội chợ, triển lãm tại nước sở tại.

“Khi thiếu nơi tổ chức sự kiện, TPHCM sẽ mất cơ hội xúc tiến đầu tư thương mại vì khách hàng sẽ chuyển địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm sang thành phố khác hoặc quốc gia khác”, ông Đạt nói.

TS Khoa học, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, trung tâm hội chợ quốc tế không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày, mua bán sản phẩm mà còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của một thành phố hoặc quốc gia, từ đó góp phần nâng cao vị thế của thành phố hoặc quốc gia đó. Chẳng hạn, Thượng Hải (Trung Quốc) có trung tâm triển lãm 500hécta, thu hút khoảng 73 triệu lượt khách, tạo ra 70.000 công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy GDP lên tầm cao mới.

Bên cạnh việc hình thành các trung tâm triển lãm vài chục hécta để đáp ứng yêu cầu trước mắt, TPHCM cần có tầm nhìn dài hạn, xây dựng một trung tâm triển lãm quy mô lớn, lên tới hàng trăm ha, kết nối với mạng lưới hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ... để xứng tầm với quy mô siêu đô thị của TPHCM trong tương lai.

Các nhà tổ chức triển lãm cũng đang trông chờ Trung tâm hội chợ triển lãm đang xây dựng ở Hà Nội quy mô 90hécta sớm đi vào hoạt động để giảm tải cho SECC và không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư từ các nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới