Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hạn chế trong giám sát mã số vùng trồng khiến trái cây Việt Nam bị cảnh báo

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói có tỷ lệ giám sát sau khi được cấp phép thấp, khiến tình trạng vi phạm xảy ra nhiều và kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến trái cây của Việt Nam liên tục bị các nước nhập khẩu cảnh báo.

 

Mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị cảnh báo do tỷ lệ giám sát sau cấp phép thấp. Ảnh minh họa là một vùng trồng mít tại ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến tháng 7-2023, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng được cấp phép để xuất khẩu sang các thị trường, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc…

Theo đó, Trung Quốc là thị trường có mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất, với 2.960 mã số; Mỹ có 955 mã số; New Zealand 525 mã số; Hàn Quốc có 432 mã số… Trong khi đó, tính theo chủng loại sản phẩm, thì xoài là loại cây trồng được cấp phép nhiều nhất với 1.832 mã số vùng trồng; lúa có 816 mã số; thanh long 807 mã số; nhãn 742 mã số; sầu riêng có 422 mã số…

Con đối với mã số cơ sở đóng gói, thì Trung Quốc là thị trường được cấp phép nhiều nhất với 1.490 mã số; Úc có 30 mã số; New Zealand có 29; Mỹ có 25 mã số được cấp phép…

Theo Cục bảo vệ thực vật, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tuy có số lượng được cấp phép lớn, nhưng việc giám sát còn hạn chế (ít) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài.

Cụ thể, dẫn chứng của Cục bảo vệ thực vật cho thấy, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói ở một số địa phương như: Đồng Tháp, Sơn La, Hoà Bình, Gia Lai, Đồng Nai..., có tỷ lệ dưới 10% so với số mã số được cấp phép.

Từ năm 2022 đến hết tháng 7-2023, đơn vị này đã giám sát 292 mã số vùng trồng và 68 mã số cơ sở đóng gói, trong đó, có 13 mã số vùng trồng và 30 mã số cơ sở đóng gói đã bị thu hồi, bao gồm tại Bắc Giang, Đắk Nông, Đồng Tháp và Sơn La. Đồng thời, yêu cầu 42 mã số vùng trồng ở các địa phương, gồm Bắc Giang, Đồng Nai, Long An, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Nội và 13 mã số cơ sở đóng gói ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Hưng Yên và Hà Nội buộc phải khắc phục.

Việc mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói có tỷ lệ giám sát thấp, khiến trái cây Việt Nam bị thị trường nhập khẩu cảnh báo không tuân thủ xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua.

Theo đó, từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, Cục bảo vệ thực vật đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật khi phát hiện các loại sinh vật gây hại (rệp sáp, rùi đục trái - PV), trong đó, mít, chuối, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long là những loại trái cây có lô hàng bị phát hiện vị phạm.

Nếu phân theo địa phương, thì Tiền Giang có tình trạng không tuân thủ lớn nhất, với 267 lần (35,6%) bị thị trường nhập khẩu cảnh báo; Tây Ninh với 204 lần (27,2%); Đồng Nai bị cảnh báo 186 lần (14,8%); Bình Thuận và Đắk Lắk mỗi địa phương có 23 lần (3,1%) bị cảnh báo; Long An bị cảnh báo 19 lần (2,5%) và còn lại là các địa phương khác.

Theo Cục bảo vệ thực vật, từ năm 2021 đến tháng 7-2023, đơn vị này cũng đã nhận được 107 cảnh báo các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm như: dư lượng vượt mức cho phép; sản phẩm chứa nấm mốc, vị khuẩn, kim loại nặng, chứa chất gây dị ứng, chất tạo màu không cho phép.

Nguyên nhân được xác định do quá trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh, quản lý nguyên liệu đầu vào không tốt, bảo quản kém, lây nhiễm chéo trong quá trình bảo quản và vận chuyển, thiếu thông tin về hoá chất tạo màu.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, Cục bảo vệ thực vật đề ra nhiều giải pháp thực hiện, bao gồm yêu cầu đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra hàng hoá và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng; phát hiện xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số; đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm, tra giám sát việc cấp và quản lý mã số tại địa phương…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới