(KTSG Online) - Chính phủ Hàn Quốc và các hãng pin hàng đầu của nước này có kế hoạch đầu tư tổng cộng 20 nghìn tỉ won (15,1 tỉ đô la Mỹ) trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để phát triển các công nghệ pin tiên tiến nhất, bao gồm cả pin thể rắn.
- Cuộc đua phát triển công nghệ pin thể rắn để tạo đột phá cho xe điện
- Vì sao chi phí sản xuất xe điện vẫn còn đắt đỏ?
“Khoản đầu tư chung giữa nhà nước và khu vực tư nhân cho phép Hàn Quốc bắt đầu sản xuất thương mại pin thể rắn trước các nước khác”, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 20-4 sau cuộc họp do Tổng thống Yoon Suk-yeol chủ trì.
“Pin là một trong những tài sản chiến lược quan trọng của quốc gia, cùng với chip bán dẫn. Pin là trung tâm của cuộc cạnh tranh toàn cầu về ưu thế công nghệ. Đó là sức mạnh của xe điện trong thời kỳ trung hòa carbon và là chìa khóa để chuyển đổi số”, Tổng thống Yoon Suk-yeol nói trong cuộc họp.
Hàn Quốc là quê hương của ba trong số năm nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, gồm LG Energy Solution (LGES), Samsung SDI và SK On.
Cả ba công ty này cùng nhau kiểm soát hơn 25% thị trường pin xe điện toàn cầu. Họ là nhà cung cấp pin cho các hãng xe lớn như Tesla, Volkswagen, General Motors và Ford. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết ba công ty này sẽ xây dựng các nhà máy thử nghiệm ở Hàn Quốc, đóng vai trò như là trung tâm đổi mới sản phẩm và sản xuất của họ. Các nhà máy sẽ được sử dụng để thử nghiệm và sản xuất các sản phẩm tiên tiến như pin thể rắn, pin 4680 hình trụ (có đường kính 46 milimét và chiều dài 80 milimét) và pin không sử dụng cobalt trước khi chuyển sang sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở nước ngoài.
Ngày nay, hầu hết các loại xe điện đều sử dụng pin lithium-ion. Nhưng loại pin này có những hạn chế, bao gồm nguy cơ dễ bắt lửa, rò rỉ hóa chất, dẫn đến cháy nổ xe.
Các nhà phân tích và lãnh đạo của các hãng xe cho biết cấu hình thể rắn có thể giúp pin sạc nhanh hơn và giúp an toàn hơn cho pin bằng cách loại bỏ dung dịch điện ly (môi trường cho phép các ion lithium chuyển dịch từ điện cực này sang điện cực kia) dễ cháy của pin lithium-ion, và thay vào đó là lớp điện ly dạng rắn như sứ, thủy tinh hoặc polymer. Pin thể rắn được gọi là “pin mơ ước” nhờ đặc tính chống cháy của nó. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn rất tốn kém và tương đối chưa được chứng minh nhiều trong các ứng dụng thực tế.
Các hãng pin lớn trên toàn cầu đang chạy đua phát triển các công nghệ pin mới hứa hẹn mở rộng chặng đường vận hành tối đa của xe điện sau một lần sạc đầy pin. Các công nghệ này sẽ nâng cao mật độ năng lượng và độ an toàn của pin so với pin lithium-ion thông thường.
Hôm 19-4, tại Triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải, CATL (Trung Quốc), hãng pin lớn nhất thế giới, công bố một loại pin vật chất ngưng tụ ở thể bán rắn với mật độ năng lượng lên tới 500 Watt giờ (Wh)/ kg, cao hơn nhiều so với mật độ năng lượng chưa đến 300 Wh/kg của thế hệ pin lithium-ion hiện nay. CATL cho biết sẽ sản xuất pin này hàng loạt vào cuối năm để cung cấp xe điện, thậm chí có thể sử dụng cho máy bay chở khách.
Tháng trước, CATL cho biết hãng gặp khó khăn trong nỗ lực phát triển một sản phẩm pin thể rắn có tính khả thi và cạnh tranh về mặt công nghệ. Trong khi đó, Toyota của Nhật Bản và Volkswagen của Đức đang nghiên cứu công nghệ pin này.
Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cũng cho biết Hàn Quốc sẽ tăng gấp bốn lần năng lực sản xuất vật liệu cực âm trong nước và tăng gấp ba lần xuất khẩu thiết bị liên quan đến sản xuất pin.
Kế hoạch trên được đưa ra sau khi hồi đầu tháng này, Seoul công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 7 nghìn tỷ won (5,3 tỉ đô la) dành cho các hãng pin trong nước đang tìm cách đầu tư sản xuất ở Bắc Mỹ.
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ yêu cầu 50% giá trị của các bộ phận pin phải được sản xuất hoặc lắp ráp ở Bắc Mỹ để xe điện đủ điện đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 3.750 đô la. 40% giá trị của các khoáng sản quan trọng của pin phải được khai thác ở Mỹ hoặc một đối tác thương mại tự do của Mỹ để xe điện đủ điều kiện nhận thêm khoản tín dụng thuế 3.750 đô la nữa.
Theo các quy tắc mới nhất, có 16 mẫu xe điện ở Mỹ hiện đủ điều kiện được giảm thuế toàn phần hoặc một phần. Theo phân tích của Korea Investment & Securities, gần 80% xe điện đủ điều kiện nhận tín dụng thuế của Mỹ sử dụng pin từ LGES, Samsung SDI và SK On.
Theo Reuters, Bloomberg
Công nghiệp xe hơi Hàn quốc, đi sau nhưng lại vượt lên trước, cả những gã khổng lồ như Nhật và Mỹ cũng phải e dè. Đó là nhờ vào “chính sách tổng lực” của cả nhà nước và nhân dân. Từ cấp lãnh đạo cao nhất, cho đến mỗi người dân, đều thống nhất một tâm thế, đó là mọi nơi và mọi lúc đều ra sức quảng bá và ủng hộ cho sản phẩm nội địa hóa. Công thức thành công chính là : Cam kết của chính phủ + Nỗ lực của doanh nghiệp + Ủng hộ tuyệt đối của người dân = Sức mạnh mềm + sức mạnh cứng.