Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc kiểm soát rửa tiền, đánh thuế thu nhập từ tiền mã hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàn Quốc kiểm soát rửa tiền, đánh thuế thu nhập từ tiền mã hóa

Lưu Minh Sang(1) - Nguyễn Phượng Huyền (2)

(KTSG) - Thị trường tiền mã hóa (Cryptocurrency) tại Hàn Quốc thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Dù vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh trực tiếp nhưng Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và từng bước thể chế hóa để đưa thị trường này hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Từ cơ chế tự điều chỉnh có sự giám sát của nhà nước

Thời điểm hiện tại, tiền mã hóa và các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa vẫn chưa có khung pháp lý để điều chỉnh trực tiếp và đầy đủ. Các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa vẫn được phép diễn ra và không được coi là bất hợp pháp trừ khi có hành vi vi phạm các quy định pháp luật hiện hành. Các chính sách quản lý tiền mã hóa trong thời gian qua thể hiện rõ sự thận trọng, dè dặt trong cách tiếp cận của chính phủ nước này.

Bản chất pháp lý của tiền mã hóa vẫn đang là một dấu chấm hỏi vì chưa có bất kỳ quy định nào khẳng định một cách minh thị rằng nó được phân loại là tiền tệ, tài sản hay một sản phẩm đầu tư tài chính. Theo quy định mới nhất thì tiền mã hóa được xem là một tài sản ảo và các hoạt động giao dịch liên quan đến nó chịu sự điều chỉnh của các quy định về phòng, chống rửa tiền.

Năm 2020, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua bản sửa đổi Luật về báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính đặc biệt và có hiệu lực từ ngày 25-3-2021.

Theo đó, áp đặt trực tiếp các nghĩa vụ liên quan đến phòng, chống rửa tiền đối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan tới tài sản ảo.

Các sàn giao dịch đã xuất hiện và phát triển tự phát. Thị trường có hàng trăm sàn giao dịch, nhưng thị phần vẫn tập trung vào một số sàn giao dịch lớn.

Trong bối cảnh chưa có khung pháp lý điều chỉnh trực tiếp, các sàn giao dịch tiền mã hóa lần lượt được hình thành và hoạt động theo cơ chế tự điều chỉnh, tự chịu trách nhiệm và buộc phải tuân thủ khuôn khổ pháp luật hiện hành dưới sự giám sát chặt chẽ của chính phủ.

Đáng chú ý là vai trò của Hiệp hội Blockchain Hàn Quốc - một hiệp hội thương mại của các sàn giao dịch tiền mã hóa. Hiệp hội này đã ban hành các quy chế tự điều chỉnh buộc các sàn giao dịch thành viên phải tuân theo.

Các quy định tự điều chỉnh tập trung chủ yếu vào các khía cạnh: (i) nâng cao tính minh bạch trong các đợt phát hành tiền điện tử lần đầu ra công chúng (ICO); (ii) tăng cường hoạt động xác minh thông tin khách hàng; (iii) tính tuân thủ các quy tắc đạo đức đối với người quản lý và nhân viên của sàn; (iv) bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Chính phủ Hàn Quốc dành sự quan tâm đặc biệt đối với tính minh bạch của thị trường giao dịch tiền mã hóa, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nhà đầu tư và chống các hoạt động đầu cơ, gian lận. Dù thận trọng trong việc ban hành khung pháp lý điều chỉnh trực tiếp thị trường nhưng cơ chế quản lý gián tiếp đã được áp dụng triệt để, trong đó tập trung vào bốn nhóm hành vi chính: (i) điều chỉnh gián tiếp thị trường thông qua khung pháp lý sẵn có; (ii) liên tục đưa ra các thông cáo báo chí để hướng dẫn, cảnh báo, chấn chỉnh hành vi của các chủ thể có liên quan; (iii) giám sát, điều tra, khởi tố và xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, lừa đảo; (iv) nghiên cứu và cải sửa khung pháp lý để từng bước điều chỉnh pháp luật đối với thị trường này.

Cụ thể, đối với các sàn giao dịch được đăng ký hoạt động dưới tư cách một công ty thì phải tuân theo các quy định về an ninh mạng và quyền riêng tư. Từ năm 2018, các sàn có tổng doanh thu từ 10 tỉ won trở lên và có trên 1 triệu lượt khách hàng thì phải thiết lập hệ thống quản lý bảo mật thông tin theo Đạo luật Khuyến khích sử dụng mạng thông tin - truyền thông và bảo vệ thông tin.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng cũng được quan tâm. Vào năm 2018, Cơ quan cạnh tranh công bằng Hàn Quốc đã tiến hành xem xét nội dung các điều khoản và điều kiện người dùng tại 12 sàn giao dịch tiền mã hóa và đã đưa ra yêu cầu điều chỉnh 14 điều khoản, điều kiện có dấu hiệu không công bằng với người tiêu dùng theo đạo luật về điều khoản và điều kiện điều chỉnh nội dung hợp đồng tại nước này.

Chính phủ cũng đã ra thông cáo sẽ “tuyên chiến” và áp dụng chế tài hình sự, dân sự đối với các vi phạm pháp luật liên quan đến tiền mã hóa, chủ yếu xoay quanh các hành vi: gian lận, lừa đảo, đa cấp bất chính; rửa tiền; giao dịch bất hợp pháp. Tháng 5-2018, tòa án nước này đã tuyên án phạt bảy năm tù đối với người đứng đầu và bốn năm tù đối với một thành viên hội đồng quản trị công ty có hoạt động đa cấp bất chính liên quan đến tiền mã hóa với tội danh gian lận.

Kiểm soát rửa tiền

Bước chuyển rõ nét trong cơ chế quản lý thị trường giao dịch tiền mã hóa là các quy định về phòng, chống rửa tiền và đánh thuế thu nhập đối với giao dịch tiền mã hóa.

Năm 2020, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua bản sửa đổi Luật về báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính đặc biệt và có hiệu lực từ ngày 25-3-2021. Theo đó, áp đặt trực tiếp các nghĩa vụ liên quan đến phòng, chống rửa tiền đối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan tới tài sản ảo, trong đó bao gồm các sàn giao dịch tiền mã hóa. Ba nghĩa vụ chính mà các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa (SGD) phải đáp ứng bao gồm:

Thứ nhất, các SGD, kể cả đã thành lập hoặc chuẩn bị thành lập, sẽ gửi báo cáo đến Đơn vị tình báo tài chính Hàn Quốc những thông tin sau: Tên công ty và người đại diện theo pháp luật; Địa chỉ, thông tin liên lạc của công ty (bao gồm địa chỉ e-mail, tên miền trang web, thông tin máy chủ và các thông tin khác nếu có yêu cầu); Điều lệ công ty; Kế hoạch kinh doanh; Chứng nhận hệ thống quản lý bảo vệ thông tin; Thông tin các tài khoản giao dịch bằng tên thật; Và các tài liệu khác nếu có yêu cầu.

Đặc biệt, người bị xử phạt hình sự từ mức phạt tiền trở lên đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài chính, đầu tư hoặc giao dịch ngoại hối... trong vòng năm năm kể từ ngày thi hành án sẽ không được là người đại diện hoặc là người lãnh đạo công ty. Đây còn được xem như là một điều kiện trong việc cấp giấy phép kinh doanh.

Thứ hai, yêu cầu tất cả giao dịch tiền mã hóa đều phải được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng được đăng ký bằng tên thật và các SGD tiền ảo phải có nghĩa vụ phòng ngừa hành vi rửa tiền thông qua giao dịch tiền mã hóa. Cụ thể, SGD phải xác nhận thông tin tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư không đăng ký bằng tài khoản ngân hàng có tên thật thì sẽ không được giao dịch tại SGD. SGD có quyền từ chối giao dịch nếu có nghi ngờ về xuất xứ nguồn tiền của nhà đầu tư.

Chậm nhất vào ngày 24-9-2021, nếu các công ty này không tổng hợp đầy đủ được thông tin tài khoản ngân hàng đăng ký bằng tên thật của khách hàng thì sẽ bị buộc phải đóng cửa. Động thái này được xem là giúp hạn chế tối đa các giao dịch bất chính trên thị trường tiền ảo vì tại Hàn Quốc hiện nay chỉ có bốn SGD tiền ảo lớn là Bithumb, Upbit, Coinone và Korbit quy định về việc đăng ký tên thật, còn các SGD nhỏ khác chấp nhận hình thức đầu tư gián tiếp chỉ thông qua tài khoản của SGD.

Thứ ba, SGD phải có nghĩa vụ phòng ngừa hành vi rửa tiền, trong trường hợp có giao dịch nghi ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền, SGD phải báo cáo đến Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) hoặc trong trường hợp được yêu cầu, SGD phải cung cấp đầy đủ thông tin hồ sơ giao dịch của nhà đầu tư bị nghi ngờ.

Nếu các SGD vi phạm các nghĩa vụ liên quan đến phòng chống rửa tiền có thể sẽ bị phạt tiền tối đa là 50 triệu won hoặc phạt tù tối đa năm năm.

Đánh thuế

Bên cạnh việc siết chặt quản lý thông tin liên quan hoạt động giao dịch tiền mã hóa, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Luật Thuế thu nhập sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định cụ thể về thuế đối với thu nhập phát sinh từ giao dịch tiền mã hóa tại Hàn Quốc nhằm ngăn chặn thất thoát thuế.

Theo đó, thu nhập phát sinh từ mua bán, tặng cho, thừa kế tiền mã hóa được xem là “thu nhập khác” và tính thuế theo như quy định đối với “thu nhập khác”. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ phải chịu mức thuế 20% đối với phần thu nhập sinh lời từ giao dịch tiền mã hóa vượt quá hạn mức cho phép 2,5 triệu won/năm tính từ 1-1-2022. Ngoài ra, nếu giao dịch tiền ảo dưới mức 2,5 triệu won/năm thì sẽ không phải đóng thuế thu nhập này.

(1)Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

(2) Công ty Luật Law Win, Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

- https://thelawreviews.co.uk/title/the-virtual-currency-regulation-review/south-korea#footnote-038

- https://law.go.kr/lsSc.do section=&menuId=1&subMenuId=15&tabMenuId=81&eventGubun=060101&query=++%28%29#undefined

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới