(KTSG Online) - Với dự án “Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam”, Hàn Quốc đã cung cấp nguồn tài trợ không hoàn lại trị giá 13,5 tỉ won, tương đương 250 tỉ đồng để góp phần đảm bảo và nâng cao an toàn chạy tàu.
- Bổ sung 5.000 vé tàu lửa dịp Tết Nguyên đán 2025
- Nghiên cứu đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội
Ngày 4-12 vừa qua, Tổng công ty đường sắt Việt Nam vừa phối hợp với Liên danh nhà thầu Hàn Quốc tổ chức lễ tổng kết dự án “Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam” do Hàn Quốc tài trợ, theo Baochinhphu.vn.
Đây là dự án được triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030. Từ năm 2022, Hàn Quốc đã triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt của Việt Nam thông qua dự án ODA.
Với dự án này, Hàn Quốc đã cung cấp nguồn tài trợ không hoàn lại trị giá 13,5 tỉ won, tương đương 250 tỉ đồng, cung cấp các thiết bị hữu ích phục vụ công tác sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, qua đó góp phần quan trọng đảm bảo và nâng cao an toàn chạy tàu.
Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, thông qua hỗ trợ của các Cơ quan Chính phủ như Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc và các doanh nghiệp, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã cử 167 lượt học viên tham dự các khóa đào tạo tại Hàn Quốc về chính sách và quản lý đường sắt, vận hành đường sắt đô thị và vận hành đường sắt tiên tiến. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các học viên đã áp dụng kiến thức thu nhận vào công việc, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển tổng công ty.
Dự án nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam có tổng mức đầu tư gần 253 tỉ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu đô la. Trong đó, vốn ODA không hoàn lại do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tài trợ khoảng 13,5 tỉ won Hàn Quốc.
Dự án nhằm giới thiệu, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận và vận hành một số máy móc thiết bị trong hoạt động bảo trì giao thông vận tải đường sắt tiên tiến tại Hàn Quốc vào các tuyến đường sắt hiện hữu tại Việt Nam; xây dựng, hiệu chỉnh để phù hợp với điều kiện vận hành đường sắt tại Việt Nam.
Bên cạnh đó là đào tạo chuyên gia, cán bộ, công nhân kỹ thuật bảo trì giao thông đường sắt; xây dựng hệ thống phòng ngừa sự cố nhằm nâng cao năng lực quản lý vận hành, an toàn hệ thống giao thông đường sắt tại Việt Nam. Theo đó, có khoảng 300 người được đào tại tại Việt Nam, 60 người đào tạo tại Hàn Quốc.