Chủ Nhật, 7/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc và cuộc tranh luận ’65 chưa phải là già’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Câu chuyện độ tuổi nào được hưởng các phúc lợi xã hội theo luật định đang được thảo luận sôi nổi khắp Hàn Quốc. Cuộc tranh luận đang lan sang lĩnh vực chăm sóc y tế người già và rồi vấn đề lao động nhập cư ở nước này.

Sinh suất giảm, tỷ lệ người trên 65 tuổi gia tăng đã buộc Hàn Quốc hoạch định lại chính sách lao động nhập cư. Năm 2023, Hàn Quốc đã cấp 110.000 visa cho người lao động nước ngoài, gần gấp đôi con số của năm 2019. Đồ họa: Nikkei Asia

Theo lẽ thường, người cao tuổi ở Hàn Quốc là những người từ 65 tuổi trở lên. Đây là độ tuổi chuẩn được quy định trong Đạo luật Phúc lợi người cao tuổi ban hành năm 1981. Hầu hết hệ thống phúc lợi dành cho người cao tuổi đều xoay quanh ngưỡng tuổi này, như miễn vé tàu điện ngầm, lương hưu… cho người từ 65 tuổi trở lên.

Tuổi nào mới là tuổi già?

Cuộc tranh luận “ở độ tuổi nào thì một người mới được xem là cao tuổi” đang sôi nổi ở Hàn Quốc. Một số người cho rằng nên tăng độ tuổi này từ 65 lên 70 khi tuổi thọ trung bình ở Hàn Quốc đang tăng lên và số lượng người cao tuổi trong dân số cũng tăng theo.

Theo cơ quan thống kê Statistics Korea, số người từ 65 tuổi trở lên ở Hàn Quốc là 9,5 triệu người trong năm 2023, chiếm 18,4% tổng dân số. Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 20,6% vào năm 2025 và vượt 40% vào năm 2050.

Một khảo sát do Bộ Y tế và phúc lợi thực hiện vào năm 2020 chỉ ra rằng 52,7% người trên 65 tuổi tin rằng độ tuổi để được phúc lợi công dân cao tuổi phải là 70-74. Một khảo sát khác do chính quyền thủ đô Seoul thực hiện năm 2022 cho thấy 72,6 tuổi được xem là cột mốc bắt đầu giai đoạn của cuộc sống già hơn.

Tỷ lệ sinh thấp, dân số lão hóa nhanh đã thúc đẩy nhu cầu nâng cao tiêu chuẩn đối với độ tuổi già. Bởi gánh nặng ngân sách để hỗ trợ người cao tuổi ngày càng lớn.

Thống kê dân số đăng ký thường trú từ năm ngoái cho thấy những người ở độ tuổi 70 trở lên đã vượt qua những người ở độ tuổi 20.

Các chuyên gia nhất trí về sự cần thiết phải thảo luận về việc nâng tiêu chuẩn về tuổi để xác định tuổi già. Jeong Se-eun, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Chungnam, cho rằng việc điều chỉnh độ tuổi dựa trên việc tăng tuổi thọ là hợp lý. Bà nói rằng ngày nay có nhiều người vẫn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc sau 65 tuổi, không giống như trước đây.

Giáo sư phúc lợi xã hội Chung Soon-dool thuộc Đại học Phụ nữ Ewha, cũng cho rằng người lớn tuổi ngày nay có sự khác biệt rõ rệt so với những người cùng tuổi trong quá khứ. “Có quan niệm cho rằng họ già đi chậm hơn khoảng 10-15 năm so với trước đây. Nhiều người nói rằng có những “ông già” ở tuổi 65 giờ được xem là tương đối trẻ trung”, bà Chung nói.

Bảo đảm phúc lợi người cao niên

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bất kỳ sự gia tăng cấp độ tuổi nào cũng cần phải tính đến những tác động đối với lương hưu và tuổi nghỉ hưu một cách cẩn thận.

Người cao niên xếp hàng đợi phần ăn trưa miễn phí ở Công viên Jongno tại Seoul hôm 10-2. Ảnh: Yonhap

Theo Giáo sư Jeong, việc tăng độ tuổi đủ điều kiện hưởng các tiêu chuẩn phúc lợi cho người cao tuổi mà không đồng thời kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế trong những năm sau này. Hiện có nhiều cá nhân ở độ tuổi 60 trở lên bày tỏ mong muốn được tiếp tục làm việc, nhưng cần tích cực tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi ngoài công việc đơn giản như lao công.

Giáo sư Chung cũng lưu ý sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống xã hội đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi bằng cách kéo dài hay tăng tuổi nghỉ hưu lên. Park Seung-hee, giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Sungkyunkwan, cho rằng cần có những cuộc thảo luận thực tế về cách giải quyết các vấn đề về thu nhập và việc làm ở người lớn tuổi trong khi thảo luận về việc nâng cao tiêu chuẩn độ tuổi.

Chính phủ đang xem xét vấn đề tiêu chuẩn độ tuổi cho người cao niên. Hồi tháng 3 năm ngoái, ủy ban về chính sách dân số và xã hội người cao tuổi đã quyết định xem xét lại các tiêu chí liên quan do gánh nặng đối với các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận tiếp theo đang diễn ra với tốc độ chậm chạp.

Lao động nước ngoài là tương lai của Hàn Quốc

Giống như nước láng giềng Nhật Bản và các nền kinh tế Đông Á khác, dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng. Xứ sở kim chi là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động sẵn sàng làm việc.

Phát biểu trước công chúng hồi tháng 7-2023, Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon đã thẳng thắn nói: “Không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”. Năm ngoái, Hàn Quốc đã tăng nhanh số lượng visa tối đa dành cho lao động nhập cư nước ngoài lên 110.000 người, từ 88.000 người của năm trước đó. Đây là mức cao kỷ lục, tăng mạnh so với con số 51.000 người trước dịch Covid-19 vào năm 2019.

Nhật Bản nỗ lực công khai để thu hút lao động có tay nghề vào các lĩnh vực như chế tạo máy móc, dụng cụ. Tuy vậy, lao động nước ngoài ở Hàn Quốc lại thực hiện phần lớn các công việc phổ thông hoặc bán kỹ năng trong các nhà máy, nông trại và trại thủy sản.

Nhưng một vài dấu hiệu cho thấy sắp tới sẽ có sự thay đổi. Các chủ doanh nghiệp đã kêu gọi chính phủ điều chỉnh luật để giúp người nước ngoài dễ dàng nhận việc hơn trong những lĩnh vực gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân viên, chẳng hạn như nhà hàng, nhà nghỉ và dịch vụ chuyển phát nhanh.

Trong một bài xã luận, tờ Maeil Business đã nói rằng chính phủ nên “mạnh dạn nới lỏng các quy định trong các ngành thiếu lao động, dựa trên nhu cầu của từng lĩnh vực”.

Một động thái khác cũng được dư luận chú ý đặc biệt. Hồi tháng 11-2023, chính quyền thủ đô Seoul đã công bố kế hoạch thử nghiệm cho phép người giúp việc gia đình từ các nước châu Á đến Hàn Quốc làm việc. Họ sẽ nhận được mức lương thấp hơn lương mà người bản xứ nhận được.

Ở các nền kinh tế châu Á phát triển như Hồng Kông và Singapore, người giúp việc gia đình từ nhiều nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan… đã đến làm giúp việc gia đình, chăm sóc trẻ em và người già. Nhưng đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa có chính sách này, khiến hầu hết các gia đình Hàn Quốc phải dựa vào người thân và dịch vụ tư nhân giá đắt đỏ.

Đô trưởng Seoul Oh Se-hoon nói rằng việc cho phép người nước ngoài giúp việc nhà có thể giúp Hàn Quốc làm chậm lại tốc độ giảm sinh. Chính quyền đang tiến hành một chương trình thí điểm sẽ thu hút khoảng 100 lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nước này sẽ phải bước đi cẩn thận vì sẽ mở ra nhiều lĩnh vực thị trường việc làm hơn cho người di cư.

Oh Kye-taik, Giám đốc Trung tâm Tiền lương và đổi mới việc làm thuộc Bộ Lao động, cho rằng có những lĩnh vực mà người lao động Hàn Quốc không muốn làm, do lương quá thấp hoặc quá khó nhọc. Ở những lĩnh vực đó, việc sử dụng lao động nước ngoài là điều hợp lý. “Nhưng trong một số trường hợp, các công ty muốn thuê lao động nước ngoài vì họ có thể trả lương thấp hơn cho cùng một công việc. Điều đó có thể dẫn đến nhiều vấn đề”, Oh kết luận.

Theo Korea Herald, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới